'Gam màu sáng' trong bức tranh kinh tế toàn cầu

Bước sang năm 2024, ngày càng có nhiều hơn nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu khi một số cường quốc hàng đầu đã rơi vào trạng thái suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, với việc Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn giữ nhịp tăng trưởng đã phần nào vực dậy những niềm tin.

Cảng Long Beach ở thành phố Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: Port Technology

Bình luận từ giới chuyên gia kinh tế, chính trị quốc tế, những tháng gần đây, việc tăng trưởng âm của một số nền kinh tế thuộc nhóm đầu thế giới đã làm sâu sắc những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là những dự đoán về việc nền kinh tế Mỹ khó tránh khỏi suy thoái trong giai đoạn cuối năm 2023.

Tuy nhiên, trái ngược với những đồn đoán, GDP của nền kinh tế siêu cường số 1 thế giới trong quý IV/2023 tăng 3,3%, đánh dấu quý thứ 6 tăng trưởng liên tiếp. Giới chuyên gia đánh giá, sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đã bất chấp bối cảnh phức tạp của thế giới vốn đã, đang và sẽ tiếp tục làm suy yếu nhiều nền kinh tế hàng đầu.

Lý giải về "gam màu sáng" này trong bức tranh ảm đạm chung của thế giới, giới chuyên gia chỉ ra rằng, việc Mỹ duy trì được “sức khỏe” kinh tế tốt là nhờ một phần lớn vào chi tiêu hộ gia đình. Đây là yếu tố chiếm phần lớn nền kinh tế Mỹ và thực tế cho thấy sức tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp nhiều thách thức. Để có được điều này, Chính phủ Mỹ đã áp dụng những chính sách kích thích, giúp các hộ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn thời đại dịch Covid-19 và sự leo thang của lạm phát trong những năm gần đây.

Một chính sách khác là tăng tiền lương đang giúp người dân ứng phó với tình trạng hàng hóa và dịch vụ tăng giá. Một báo cáo được công bố vào ngày 15/2 từ nhà chức trách Mỹ cho thấy xu hướng giảm lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu, phản ánh thị trường việc làm tương đối tốt trong bối cảnh xuất hiện các làn sóng sa thải ở phương Tây. Sự vững mạnh của thị trường lao động là một nguồn sức mạnh quan trọng hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.

Song hành với đó, việc Mỹ có lượng dân nhập cư tăng mạnh đã giúp các doanh nghiệp tìm kiếm lao động dễ hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận tiện hơn. Ngược lại, nhiều người có được thu nhập hơn, từ đó thúc đẩy chi tiêu tốt hơn. Trong khi đó, hầu hết các nền kinh tế lớn chật vật với tình trạng già hóa dân số, tạo ra lực cản to lớn đối với nền kinh tế, kéo theo tâm lý tiêu dùng có xu hướng giảm khi nền kinh tế phải đương đầu với hàng loạt tác động của bối cảnh quốc tế. Những yếu tố này tất yếu kéo theo năng lực phục hồi yếu ớt và nhiều khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực kinh tế.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, thực tế đang cho thấy, Mỹ sở hữu sức đề kháng tốt hơn so với những dự đoán trước đây và là nguyên nhân quan trọng để Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa qua đưa ra quyết định nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024.

Vậy, vì sao nền kinh tế Mỹ tránh được cơn bão suy thoái? Theo giới chuyên gia, một nguồn lực quan trọng là chính phủ đã cấp khoảng 5.000 tỷ USD hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2021, cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế lớn khác. Nguồn hỗ trợ khổng lồ này đã giúp các hộ gia đình duy trì thể trạng tài chính tốt, đồng thời hỗ trợ chi tiêu dùng khi bước sang năm 2023. Chính phủ Mỹ cũng trợ cấp cho hoạt động xây dựng nhà máy chế tạo và cơ sở hạ tầng thông qua các gói luật bổ sung. Năm 2023, chi tiêu chính phủ đóng góp khoảng 25% cho mức tăng trưởng 2,5% của nền kinh tế Mỹ.

Giới chuyên gia khẳng định, Mỹ đã có những chính sách hỗ trợ rất thiết thực và hiệu quả cho người dân, cho thấy người Mỹ được bảo vệ tốt hơn trước sự gia tăng của lãi suất so với người dân các nền kinh tế lớn khác. Dẫu tích cực, thực tế các “trụ cột” của nền kinh tế Mỹ, nhất là hoạt động chi tiêu dùng vẫn khó tránh khỏi việc suy yếu trong thời gian tới. Truyền thông Mỹ dẫn số liệu thống kê của nhà chức trách vào ngày 15/2 cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự đoán trong tháng 1.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotgam-mau-sangquot-trong-buc-tranh-kinh-te-toan-cau-post472762.html