Gameshow kiến thức so kè rating với giải trí

Giữa 'ma trận' các chương trình hẹn hò, ca nhạc, hài kịch thuần giải trí, những gameshow kiến thức dù không nổi trội...

“Ai là triệu phú” là gameshow ăn khách dù đã trải qua gần 12 năm phát sóng

“Ai là triệu phú” là gameshow ăn khách dù đã trải qua gần 12 năm phát sóng

Gameshow “càng già, càng cay”

“Sinh nở sớm” tại Việt Nam trên dưới một thập kỷ, những chương mang hàm lượng kiến thức như: Ai là triệu phú, Đối mặt, Rung chuông Vàng, Chiếc nón kỳ diệu, Hành trình văn hóa… để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ khán giả. Khi gameshow giải trí về ca nhạc, người mẫu, hài kịch, tài năng nở rộ, nhiều chương trình kiến thức phải ngừng phát sóng như: Rung chuông vàng, Chiếc nón kỳ diệu…Tuy nhiên, giữa mùa nấm sau mưa, các gameshow giải trí hiện nay lại đi vào ngõ cụt.

Theo số liệu đo lường của Vietnamtam vào tháng 7/2018, tại Hà Nội, gameshow kiến thức xếp thứ 2 trong bảng các gameshow ăn khách với chỉ số rating trung bình 0,47%, chỉ xếp sau loại hình gameshow âm nhạc (0,63%). Các chương trình như: Ai là triệu phú (rating 3,37%), Một trăm triệu một phút (rating 1,36%), Vì bạn xứng đáng (1,19%) nằm trong top 20 gameshow ăn khách nhất. Còn tại TP HCM, gameshow kiến thức có chỉ số rating 0,22%, xếp thứ 6 sau các gameshow hài kịch, ca nhạc, trình diễn, tài năng.

Hiện tại, khi các chương trình hẹn hò, ca nhạc dần giảm sức hút thì nhiều đơn vị đã bắt tay thực hiện gameshow kiến thức như: Nhanh như chớp, Nhanh như chớp nhí, Trí lực sánh đôi, Sàn đấu thời gian… Theo đại diện của Đông Tây Promotion - đơn vị thực hiện chương trình Nhanh như chớp, chương trình dạng kết hợp giữa kiến thức và giải trí dễ thu hút đối tượng khán giả trẻ hơn. Có thể thấy điều này khi trên kênh YouTube chính thức, mỗi tập của chương trình thu hút trung bình 4-5 triệu lượt xem. Thậm chí, tập 15 là gần 10 triệu lượt xem.

Theo ông Trần Anh Dũng, Phó giám đốc Vietcomfilm (đơn vị sản xuất chương trình Một trăm triệu một phút), nhu cầu của khán giả rất đa dạng. Có người thích xem giải trí, có người thích xem hài, ca nhạc… cũng có nhiều người thích xem gameshow dạng kiến thức khoa giáo, mang lại những kiến thức tổng quát. Bởi thế, mỗi loại gameshow luôn có những ưu thế riêng. Những chương trình giải trí thường mang lại sự hấp dẫn, bất ngờ nhưng lại có “tuổi thọ” không cao (tồn tại được khoảng 5 mùa) vì dễ bị nhàm chán. Nguyên do là giám khảo thiếu đa dạng, chất lượng thí sinh không phải lúc nào cũng tốt. Chưa kể, những gameshow này ít khi thay đổi format. Ngược lại, chương trình kiến thức lại có tuổi thọ lâu hơn nếu làm tốt. Bởi kiến thức là lĩnh vực rất rộng, gameshow lại không quá nặng về giáo dục mà chỉ mang tính cung cấp kiến thức nên luôn mới mẻ.

Sản xuất gameshow kiến thức dễ bị giáo điều, khô khan

Ông Trần Anh Dũng cũng cho biết, lượng khán giả của gameshow kiến thức thường là khán giả trung thành. Họ không quá đòi hỏi về ngôi sao hay cách thức PR, mà chỉ xem để trao đổi kiến thức xem họ thiếu kiến thức nào. Nếu chương trình giải trí phải có diễn viên, ca sĩ ngôi sao, thí sinh chất lượng tốt thì dạng kiến thức chỉ cần MC tốt. Bởi MC sẽ giúp chương trình nhẹ hơn. Do đó, dù lượng khán giả không nhiều bằng các chương trình giải trí nhưng lại có tính ổn định cao. Dù vậy, những gameshow dạng này nên có phần nào giải trí, nếu không rất dễ rơi vào tình trạng giáo điều, khô khan. Cùng đó, vấn đề ngân hàng câu hỏi của gameshow kiến thức cũng là điều khiến nhà sản xuất đau đầu. Câu hỏi cần phải đa dạng, không bị trùng lặp, phải có đáp án sát và đúng nhất. Để làm được điều này, BTC phải huy động các CTV hỗ trợ trong việc tìm câu hỏi, để có càng nhiều nguồn câu hỏi càng tốt.

Chia sẻ về nguy cơ mắc lỗi trong câu hỏi của dạng chương trình kiến thức, ông Dũng tâm sự: “Các câu hỏi sẽ trải qua nhiều tầng kiểm duyệt để đảm bảo tính chính xác. Nhưng không thể duyệt hoàn hảo các câu hỏi vì không ai có thể nắm hết được kiến thức, lại có quá nhiều câu hỏi nên thời gian để kiểm tra kỹ lưỡng từng câu cũng không có nhiều. Chưa kể, có những câu hỏi có nhiều nguồn đáp án, chúng ta không thể lấy gì để kiểm chứng đáp án nào đúng. Do đó, sai sót trong câu hỏi là điều khó tránh khỏi”.

Trong khi đó, ông Tuấn Nam, đại diện truyền thông của Công ty CP CJ Blue - đơn vị sản xuất nhiều gameshow kiến thức như: Người đứng vững, Sàn đấu thời gian… thừa nhận, điều khó khăn nhất khi thực hiện chương trình dạng này là phải làm câu hỏi mới và cập nhật. Từ trước tới nay, đã có nhiều chương trình kiến thức được làm nên đội ngũ biên tập câu hỏi phải tìm những câu mới chưa từng được hỏi và phải phù hợp với đối tượng người chơi. Thêm nữa, khả năng thành công của gameshow kiến thức cũng không thể nắm chắc vì tùy từng thời điểm, khán giả có xu hướng thích loại gameshow khác nhau. Do đó, để hấp dẫn khán giả, nhà sản xuất cũng phải tìm cách làm mới format để chương trình vừa cung cấp kiến thức, vừa có tính giải trí.

“Gameshow ca nhạc, hài dễ xin tài trợ hơn vì dễ lồng ghép sản phẩm nhãn hàng. Còn dạng gameshow kiến thức vừa không dễ lồng quảng cáo, lại ít nhận được sự quan tâm nhiều từ truyền thông nên độ thu hút quảng cáo cũng thấp hơn. Nhưng được cái những chương trình dạng này có chi phí sản xuất thấp vì chỉ quay trong studio”, ông Nam nói thêm.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/gameshow-kien-thuc-so-ke-rating-voi-giai-tri-d272560.html