Gần 1.200 người đang sử dụng dịch vụ Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Ngày 29/5 tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo chia sẻ thông tin về chương trình thí điểm Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bằng đường uống nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV

TS Kimberly Green phát biểu tại hội thảo

Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế; Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và PATH phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin gần 1.200 người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã tham gia chương trình thí điểm Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bằng đường uống ở Việt Nam nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.

PrEP là viên kết hợp hai loại thuốc kháng virút, nếu dùng hằng ngày theo kê đơn, có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92% đến 99 % ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV (bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình âm tính của những người sống chung với HIV).

Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Dự án được thực hiện từ tháng 3/2017, các can thiệp thí điểm do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Dự án USAID/PATH Healthy Markets và do Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) hỗ trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới và Cộng đồng (CARMAH) thực hiện nhằm mang dịch vụ PrEP sẵn có đến với những người thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình âm tính của những người sống chung với HIV tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Việc cung cấp dịch vụ PrEP trực tiếp cho khách hàng do các phòng khám ngoại trú công và phòng khám tư (Thành Danh, Galant, Nhà Mình và Light) và các tổ chức cộng đồng do nhóm đích thực hiện.

Khẳng định ý nghĩa của Dự án thí điểm này, PSG.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Kết quả ban đầu của Dự án thí điểm triển khai PrEP vừa qua là hết sức quan trọng, nó là bằng chứng giúp Bộ Y tế đã quyết định đưa PrEP vào trong Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và đã được Ban hành theo Quyết định 5418/QĐ-BYT ngày 01/12/2017. Trong đó dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV chính thức là một trong những biện pháp dự phòng HIV ở Việt Nam. Kết quả này cũng giúp Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với các đối tác mở rộng việc triển khai PrEP, trước mắt ở 11 tỉnh thành phố với mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt được 5.610 người sử dụng PrEP và đến cuối năm 2020 đạt được 7.300 người”.

Bà Mei Mei Peng, Phó Giám đốc Phòng Y tế của USAID Việt Nam cũng cho biết “PrEP là một bước đột phá của Việt Nam trong những nỗ lực để đạt được mục tiêu 90-90-90. USAID rất tự hào là có thể hỗ trợ Việt Nam, quốc gia thứ hai ở khu vực Đông Nam Á triển khai PrEP, nhằm cung cấp thêm các lựa chọn cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong việc bảo vệ bản thân họ và hành động hướng tới loại trừ HIV.”

Theo một nghiên cứu do PATH thực hiện năm 2016, phần lớn trong số 799 nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ đều tự đánh giá bản thân có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng và chi trả cho PrEP, khi dịch vụ này sẵn có tại Việt Nam.

BS. Trần Lê Viết Thanh, Phòng khám Thành Danh – phòng khám được điều hành bởi doanh nghiệp xã hội, tổ chức cộng đồng G-Link – cho biết: “Khách hàng của chúng tôi đặc biệt quan tâm đến PrEP. Mọi người rất hào hứng khi có một công cụ mới để phòng ngừa HIV. Nhìn chung, các khách hàng của chúng tôi đã thể hiện mức độ tuân thủ điều trị cao, đây là yếu tố quan trọng để PrEP đạt hiệu quả cao nhất.”

Tiếp sau khởi đầu đầy hứa hẹn của dịch vụ PrEP tại Việt Nam, hội thảo cũng định hướng tương lai và cách thức mở rộng tiếp cận với dịch vụ này.

Tiến sĩ Kimberly Green, Giám đốc Dự án USAID/PATH Healthy Markets chia sẻ. “Tất cả các bên đều cam kết rất mạnh mẽ và rõ ràng để dịch vụ PrEP trở nên sẵn có đối với tất cả những ai cần. Nhưng cam kết này chỉ có thể thực hiện được nếu có nguồn tài chính bền vững hỗ trợ cho PrEP. Trong khi một số người có khả năng chi trả cho PrEP, những người khác sẽ cần được hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế. Một phân tích chi phí-hiệu quả do USAID/PATH Healthy Markets và Đại học Washington thực hiện cho thấy nếu được chi trả thông qua bảo hiểm y tế, PrEP là can thiệp có tính chi phí-hiệu quả và có thể ngăn chặn được 31.226 ca nhiễm HIV và 7.296 ca tử vong do AIDS tại Việt Nam.”

Các chuyên gia quốc tế từ Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Hội Chữ thập đỏ Thái Lan và Cục Y tế bang New South Wales thuộc Bộ Y tế Úc – hai cơ quan từ hai quốc gia có chương trình PrEP đã được mở rộng cũng chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất trên thế giới cho thấy PrEP đóng một vai trò quan trọng trong việc dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả.

An Nhiên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/gan-1200-nguoi-dang-su-dung-dich-vu-du-phong-truoc-phoi-nhiem-hiv-prep-post263821.info