Gần 1.300 sinh viên RMIT Việt Nam nhận bằng tốt nghiệp năm 2017

Trong đó, hơn 1.160 tân khoa đã nhận bằng tốt nghiệp (cử nhân) trong ba buổi lễ trao bằng diễn ra ở cơ sở Nam Sài Gòn, Đại học RMIT Việt Nam, vào hôm qua và hôm nay.

Sinh viên Mai Đức Hiếu dành giải Sinh viên Xuất sắc danh giá của Đại học RMIT Việt Nam

Sinh viên Mai Đức Hiếu dành giải Sinh viên Xuất sắc danh giá của Đại học RMIT Việt Nam

Ngành có nhiều sinh viên tốt nghiệp nhất là Cử nhân Kinh doanh với 459 tân khoa, tiếp đến là Cử nhân Thương mại với 223 tân khoa và Cử nhân Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) với 93 tân khoa.

Năm nay, RMIT cũng có 95 sinh viên hoàn tất các chương trình thạc sĩ gồm Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Cấp quản lý) và Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế.

Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam, chúc mừng thành công của các tân khoa và chia sẻ về cam kết của trường với Việt Nam.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận bằng Tiến sĩ danh dự

Bà nói: “RMIT Việt Nam vẫn đang lớn mạnh và phát triển, đảm bảo rằng các chương trình học tiếp tục phản ánh được nhu cầu của doanh nghiệp và rằng giảng viên trường đạt chất lượng cao nhất. Cam kết với Việt Nam vẫn là trọng tâm trong mọi hoạt động của trường.

Năm 2017, chúng tôi đã ra mắt hàng loạt ngành học mới, gồm Cử nhân Quản trị du lịch và khách sạn, Cử nhân Thiết kế (Thiết kế ứng dụng sáng tạo), Cử nhân Digital Marketing, và Cử nhân Ngôn ngữ. Nhằm bồi đắp tinh thần khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, chúng tôi sẽ sớm ra mắt Chứng chỉ sau đại học ngành Khởi nghiệp. Nhiều chương trình mới cũng sẽ ra mắt vào năm 2018”.

Điểm nhấn của buổi lễ diễn ra tại cơ sở Nam Sài Gòn là phần trao bằng Tiến sĩ Danh dự cho ông Don Lam và bà Tôn Nữ Thị Ninh nhờ những đóng góp to lớn cho cộng đồng. Hai cá nhân được vinh danh còn thể hiện được rằng họ đồng hành cùng những giá trị và nét văn hóa của Đại học RMIT.

Ông Lam, đồng sáng lập và Tổng giám đốc VinaCapital, là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về đầu tư, mua bán và sáp nhập, tái cấu trúc doanh nghiệp, và cổ phần hóa.

Ông Lam thành lập VinaCapital Foundation (VFC) với sứ mệnh “chắp cánh” cho trẻ em và giới trẻ Việt Nam bằng cách tạo cơ hội phát triển thông qua các chương trình y tế và giáo dục. Trong mười năm qua, VCF đã tài trợ mổ tim cho gần 6.000 trẻ em tại Việt Nam, trao tặng thiết bị cấp cứu cho bệnh viện và phòng khám, tập huấn cho hàng ngàn y bác sĩ, đồng thời tài trợ học bổng cho các học sinh, sinh viên từ các cộng đồng thiểu số.

Quang cảnh lễ tốt nghiệp

Bà Ninh là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM và nguyên là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Bà Ninh là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, phụ trách về các vấn đề toàn cầu (hòa bình và an ninh quốc tế, các vấn đề phát triển, môi trường, quản trị và nhân quyền) và các tổ chức đa phương (Liên Hiệp Quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết, v.v.) trước khi được bầu vào Quốc hội Việt Nam.

Tại đây, bà tiếp tục tích cực hoạt động nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt phát huy vai trò không thể thiếu của Quốc hội trong quá trình “Đổi mới” và cải cách dân chủ của Việt Nam.

Hiện nay, bà kiên định theo đuổi tâm nguyện vì sự phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả hơn của Việt Nam trên trường quốc tế, góp tiếng nói vận động quảng bá với vai trò là một diễn giả thường xuyên được mời phát biểu và trao đổi về các vấn đề xã hội – văn hóa – giáo dục và quốc tế đa dạng trong và ngoài nước.

sinh viên tốt nghiệp chụp ảnh kỉ niệm

Giải Sinh viên Xuất sắc danh giá của Đại học RMIT Việt Nam được trao cho Mai Đức Hiếu, Cử nhân Kinh doanh (Kinh doanh quốc tế). Hiếu tốt nghiệp loại giỏi và có thành tích đáng nể trong nhiều hoạt động ngoại khóa và các cuộc thi tài quốc tế. Bạn còn là thủ khoa đầu ra ngành Kinh doanh quốc tế với số điểm ấn tượng - 3.9/4.0.

Bằng Tiến sĩ Danh dự thứ ba và giải Sinh viên Xuất sắc cơ sở Hà Nội cũng sẽ được trao tại buổi lễ dành cho 201 tân khoa ở Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Hà Nội vào thứ Năm, 30/11

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gan-1300-sinh-vien-rmit-viet-nam-nhan-bang-tot-nghiep-nam-2017-3908023-v.html