Gần 193 nghìn lao động ảnh hưởng quyền lợi do nợ bảo hiểm xã hội

Đến thời điểm này, có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, phá sản không thể đòi được, ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 193 nghìn lao động.

Đây là thông tin từ Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính. Ông nhấn mạnh, tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn ở một số tỉnh, thành phố phía nam diễn ra đã từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây, số công nhân bị ảnh hưởng không lớn và vào thời điểm không nhạy cảm. Nhưng vừa qua, chủ doanh nghiệp Hàn Quốc tại Công ty TNHH KL Texwell Vina (khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bỏ trốn, khiến gần 2.000 công nhân lao đao đúng vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất nên đã thu hút sự quan tâm của xã hội. Trước đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kiến nghị với Thủ tướng, trong Luật Phá sản doanh nghiệp không có tiêu chí chủ bỏ trốn, do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải xác định tiêu chí nào là chủ bỏ trốn. Khoản 7, Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội có quy định, Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Cách đây hai năm, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Khoản 7, Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội. Cơ quan này đã làm và trình, nhưng khi đưa ra thẩm định, lấy ý kiến Bộ Tư pháp thì còn nhiều tranh luận, nhất là từ các đơn vị có ngân sách nhà nước. Hiện nay, người lao động như con tin. Chủ doanh nghiệp trừ lương của họ để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội, đến lúc bỏ trốn thì vướng xử lý.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện theo nguyên tắc không đóng thì không chi. Do đó, tới đây, khi Thủ tướng làm việc với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cơ quan này vẫn nhắc lại kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chỗ nào vướng thì phải nghiên cứu sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Khoản 7, Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến vụ chủ doanh nghiệp của Công ty Texwell Vina bỏ trốn, ông Chính cho hay, khi sự việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm, để ổn định tình hình, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai trước mắt ứng ngân sách của tỉnh tạm ứng 50% để chi trả một tháng lương, khoảng mười mấy tỷ đồng và nợ bảo hiểm xã hội gần 20 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2010 Chính phủ cũng có ban hành Quyết định 30, doanh nghiệp suy thoái thì dùng ngân sách tạm ứng để doanh nghiệp chi trả cho người lao động, sau đó thì có thể thu hồi bằng cách bán tài sản của doanh nghiệp. Ông Chính đề xuất, hiện nay, tài sản của Công ty Texwell Vina đang còn, sau này, nếu tuyên bố phá sản thì bán tài sản, thanh lý để thu hồi.

ANH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36064102-gan-193-nghin-lao-dong-anh-huong-quyen-loi-do-no-bao-hiem-xa-hoi.html