Gần 2.000 con gia súc bị chết rét

Theo thông tin từ các địa phương phía Bắc, tính đến hết ngày 13-1-2021 đã có gần 2.000 con trâu, bò, lợn, ngựa, dê bị chết do rét đậm, rét hại. Trong đó, riêng huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, số trâu, bò, dê bị chết rét lên tới 900 con.

Có tới 469 con bò bị chết rét tại huyện A Lưới trong những ngày qua. Ảnh: Thanh Ngàn

Có tới 469 con bò bị chết rét tại huyện A Lưới trong những ngày qua. Ảnh: Thanh Ngàn

Ngày 14-1, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, đợt rét đậm, rét hại vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 637 con trâu, 189 con bò, 36 con lợn, 1 con ngựa, 52 con dê, 335 con gia cầm bị chết. Về trồng trọt có 108ha rau màu, 1.050 chậu địa lan của tỉnh Lào Cai bị thiệt hại. Trong đó, tỉnh Sơn Lai bị thiệt hại nặng nhất với 302 con gia súc các loại, 335 con gia cầm; tiếp đến Lào Cai 203 con trâu và Điện Biên 179 con trâu, bò.

Tại khu vực các tỉnh Trung Bộ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế bị thiệt hại nặng nề với hơn 900 con gia súc các loại bị chết, bao gồm: 62 con trâu, 469 con bò, 378 con dê.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết: “Tổng đàn gia súc của huyện A Lưới là hơn 22.000 con gia súc và hơn 183.000 con gia cầm. Thời tiết rét đậm, rét hại (có ngày nhiệt độ xuống 6-7 độ C, tập quán chăn thả rông, một phần thiếu thức ăn dự trữ để bổ sung là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia súc chết nhiều”.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhận định số lượng gia súc chết tại huyện A Lưới là thiệt hại rất lớn đối với tỉnh không nằm trong khu vực trọng điểm rét đậm, rét hại và còn lớn hơn tổng thiệt hại của các tỉnh miền núi phía Bắc từ tháng 12 cho đến nay.

Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình rét đậm, rét hại sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trong tháng 1-2021.

Để chủ động, tăng cường các biện pháp ứng phó, giảm thiệt hại cho người và gia súc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác ứng phó rét đậm, rét hại tại các khu vực trọng điểm vùng cao, đảm bảo an toàn cho người, cảnh báo người dân không sưởi bằng lò đốt than trong nhà kín; căn cứ thời tiết cụ thể chủ động cho học sinh nghỉ học.

Chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, chú trọng gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các thôn bản, hộ gia đình tập trung gia súc về chuồng, có biện pháp đảm bảo an toàn chống rét như: bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, làm khô, làm khô ráo nền chuồng…(Tham khảo một số biện pháp chống rét cho gia súc, gia cầm tại trang thông tin điện tử phongchongthientai.mard.gov.vn).

Các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng tránh, triển khai các biện pháp ứng phó, tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển; sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gan-2000-con-gia-suc-bi-chet-ret-post436569.html