Gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm

Đuối nước không chỉ đe dọa sức khỏe, tính mạng của trẻ, mà còn tạo rào cản tâm lý, cản trở sự phát triển của các bé.

Trẻ cần được giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và tập bơi an toàn. Ảnh minh họa: INT

Do đó, cha mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho trẻ.

Để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước và cấp cứu sai cách cho trẻ đuối nước, cần có sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng.

Nguy hiểm luôn rình rập

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm.

Đuối nước thường gặp vào các tháng mùa Hè do thời tiết nắng nóng. Thời điểm này cũng là lúc trẻ mầm non, học sinh được nghỉ hè. Do đó, nhiều gia đình cho trẻ đi bơi tại các bể bơi, du lịch ở biển. Ngoài ra, trẻ em ở các vùng quê thường có thói quen tắm sông, suối, ao, hồ. Đuối nước có thể gặp trong nhiều hoàn cảnh như: Trẻ không biết bơi vô tình ngã xuống ao hồ, sông suối, trẻ nhỏ khi đi bơi vô tình sang bể bơi người lớn. Thậm chí, có thể gặp ở những trẻ bơi rất giỏi nhưng bị chuột rút khi bơi, bạn bè nô đùa trong nước vô tình gây thương tích.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những năm qua cũng đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng, nguy kịch vì tai nạn này. Mới đây, ngày 22/4, trong lúc mẹ bận làm việc, bé H.T (nam, 2 tuổi, ở Hà Nội) đã chạy sang nhà hàng xóm chơi và không may ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2 mét không có rào chắn xung quanh. Theo camera ghi nhận, sau khoảng 8 phút ngã xuống bể cá, trẻ mới được phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở.

Ngay lập tức, gia đình đã hô hoán mọi người giúp đỡ và được các nhân viên y tế của trạm y tế gần nhà đến sơ cấp cứu tại chỗ. Sau 10 phút, H.T có tim trở lại và được đưa đến bệnh viện huyện cách đó 5km. Lúc này, trẻ có nhịp tim, nhịp thở nhưng không tỉnh, lơ mơ. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu ban đầu, đặt nội khí quản kiểm soát đường hô hấp và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn.

Hai trường hợp tiếp theo được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận là bé N.K (nữ, 12 tuổi, ở Hà Nội) và bé A.T (nam, 11 tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La). Hoàn cảnh gặp nạn của 2 trẻ khá giống nhau. Qua khai thác bệnh sử, gia đình cho biết trong lúc trẻ đi tắm ở ao, suối cùng các bạn thì bị đuối nước. Trẻ được mọi người xung quanh đưa lên bờ trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở và được cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Cả hai trẻ đều được người dân dốc ngược và chạy khoảng 2 vòng nhỏ theo thói quen dân gian. Sau 15 phút cấp cứu ngừng tim ngừng thở, trẻ có tim và nhịp thở trở lại. Trẻ được đưa vào viện địa phương xử trí ban đầu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, vẫn trong tình trạng đồng tử giãn, hôn mê sâu.

Việc sơ cứu đúng cách cho trẻ đuối nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây. Song, đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh, ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình, lũ lụt, thiên tai. Có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ quan như trẻ em, học sinh thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước và sự quản lý của gia đình, người lớn tuổi, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ.

Thực tế, hiện, Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở mức cao, là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ 0 - 14 tuổi cao hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu. Trẻ nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp hai lần trẻ thành thị; 55% trẻ tử vong do đuối nước thuộc các hộ gia đình nghèo ở nông thôn.

Trẻ 6 - 15 tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ bị đuối nước cao nhất khi chơi đùa tại các sông, hồ, ao hoặc bãi biển. Số lượng trẻ nam đuối nước cao hơn trẻ nữ, đặc biệt nhiều em tử vong trong tình huống cứu bạn. Các bé dưới 5 tuổi có nhiều khả năng bị đuối nước ở gần hoặc sát nhà mình, trong các ao hồ, sông suối, kênh rạch, kể cả các vũng nước ở công trình đang thi công hoặc bể chứa nước.

Tại nước ta, tình trạng trẻ đuối nước vẫn diễn ra hằng năm. Ảnh minh họa: ITN

“Thời gian vàng” cấp cứu

ThS.BS Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bệnh nhi đuối nước nhập viện thường trong 2 tình trạng chính là suy đa cơ quan do hậu quả sau ngừng tim hoặc tổn thương phổi nặng – hội chứng suy hô hấp cấp do tổn thương hít.

Dù đã được các cơ quan chuyên môn và truyền thông cảnh báo nhiều, nhưng số ca tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn gia tăng. Tình trạng sơ cấp cứu ban đầu sai cách bằng việc dốc ngược nạn nhân chạy vẫn xảy ra. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước và cấp cứu sai cách cho trẻ đuối nước, cần có sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng.

ThS Cường khuyến cáo, cần đậy nắp các xô, chậu, chum chứa nước, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Bởi, nhiều em bé có thể bị đuối nước do ngã vào xô chứa nước. Ao, hồ, giếng khơi cần có rào chắn, đảm bảo trẻ nhỏ không thể tự ý đi vào. Các khu vực bơi công cộng phải thiết kế độ sâu phù hợp với lứa tuổi, có đầy đủ phương tiện cứu hộ, cấp cứu và được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.

Người chăm sóc cần luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi. Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn. Giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước; Không tự ý tắm, chơi đùa ở những nơi có vùng nước nguy hiểm; Không đùa nhau khi bơi.

Ngoài ra, cần tuyên truyền, phổ biến các biện pháp sơ cấp cứu đuối nước đúng cách cho người dân. Tổ chức các lớp tập huấn cấp cứu cơ bản cho cộng đồng. Tiến tới thay đổi thực hành, tránh những động tác hành động sai khi cấp cứu.

TS.BS Lê Ngọc Duy – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vài phút đầu là “thời gian vàng” để cấp cứu trẻ đuối nước. Việc sơ cứu không đúng sẽ gây chậm trễ khoảng thời gian cấp cứu này, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ.

Có một số trường hợp sau khi thấy trẻ tỉnh lại thì đưa bé về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều này là không nên và vẫn cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra, theo dõi các biến chứng sau đuối nước. Các dấu hiệu có thể rất khó phát hiện như: Khó thở, đau ngực kèm theo ho, cơ thể mệt mỏi, thay đổi hành vi… đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng có thể làm nặng thêm tình trạng sức khỏe của trẻ.

Theo TS Lê Ngọc Duy, việc sơ cứu trẻ bị đuối nước đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Chuyên gia đã nêu các bước sơ cứu đúng khi trẻ bị đuối nước. Trước hết, cần gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách. Sau đó, đặt trẻ nằm ở nơi khô ráo, thoáng khí. Kiểm tra xem nạn nhân có bị chấn thương cột sống cổ hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ cho trẻ bằng túi cát… và tiến hành khai thông đường thở cho trẻ.

Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không. Từ đó, có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực... Sau khi tỉnh, nạn nhân cần được đặt ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh bị ngạt thở trở lại.

Bước tiếp theo, cần lau khô người, thay quần áo và ủ ấm trẻ. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý những bước tiếp theo. Trên đường đi, người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.

Chuyên gia lưu ý, cần chú ý tới một số điểm. Trong đó, tình trạng hạ thân nhiệt thường xảy ra sau khi bị đuối nước, đặc biệt ở trẻ em. Do đó, cần phải ủ ấm cho trẻ ngay khi đưa khỏi môi trường nước. Các biện pháp sưởi ấm cơ thể được tóm tắt như sau: Cởi bỏ quần áo ướt, lạnh; đắp chăn ấm; dùng đèn, tấm sưởi để làm ấm; đắp ấm cơ thể bằng chăn sưởi điện.

Số liệu thống kê của 59/63 sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là: 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ 8,63% trường học có bể bơi. Việc đầu tư và đưa vào sử dụng các bể bơi trong trường học cơ bản phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học môn bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại một số nhà trường. Một số trường có bể bơi đã linh động vận dụng các nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp cho việc đầu tư nguồn nước, xử lý nguồn nước, phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh theo quy định.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gan-2000-tre-duoi-16-tuoi-tu-vong-do-duoi-nuoc-moi-nam-post683010.html