Gần 200 từ ngữ hay và lạ trên thế giới đến Việt Nam

Tác phẩm 'Từ điển cảm xúc thế giới' và 'Việt Pun' là 2 tác phẩm có những từ ngữ hay, lạ được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu đến độc giả cả nước trong tháng 9 này.

Ngôn ngữ của cảm xúc

“Từ điển cảm xúc thế giới” được thực hiện bởi Nhóm của Chuyện. Đây là nhóm những người trẻ mê đọc sách, mê học ngoại ngữ, mê chữ, mê viết. Trang Chuyện của nhóm bạn này đã dịch hơn 200 từ, có hơn 77.000 lượt thích. Mỗi bài đăng đều nhận trung bình hơn 1.500 lượt thích trên trang này.

Các tác giả giao lưu với độc giả tại đường sách TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, nội dung chính cuốn “Từ điển cảm xúc thế giới” bao gồm gần 200 từ hay và lạ của nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Việt Nam, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Nga, Đan Mạch, Thụy Điển, Ireland, Hungari, Nhật, Hàn Quốc, Wales, Bantu, Yaghan, Inuit… Quyển từ điển nhỏ xinh này bao gồm các phần: Tình yêu, Cảm giác – tâm lí, Nghệ thuật sống – Phong cách sống, Thư giãn – Đùa vui, Bạn là ai?, Nỗi sợ hãi – Ám ảnh. Có những từ không còn truy được nguồn gốc, nhiều từ đã được biến đổi ngữ nghĩa theo thời gian. Có nhiều từ là tiếng lóng thời hiện đại. Lại có từ là từ cổ gần như đã biến mất trong ngôn ngữ đó nhưng nay được “khai quật” lại vì giá trị đẹp đẽ của nó…

Với quyển sách này, bạn đọc có cơ hội mở rộng trường ngôn ngữ của bản thân. Nếu như trong từ điển tiếng Việt không có từ nào có thể diễn tả chính xác cảm giác, tình huống, sự việc mà bạn đang trải qua, bạn có thể lật quyển từ điển này, thử nhìn sang ngôn ngữ những nước khác. Đây cũng là cách để các bạn trẻ học ngoại ngữ, có được sự nhạy cảm ngôn ngữ và làm giàu thêm vốn từ của mình.

Ví dụ như khi hai người "khát khao" nhau nhưng không ai dám bắt đầu, không biết phải diễn đạt sao, thì có thể học tiếng Yaghan của Argentina, với từ Mamihlapinatapai. Sách kỉ lục Guinness thế giới ghi nhận đây là từ cô đọng nhất. Hay để chỉ sự cuồng sách, ám ảnh việc mua thật nhiều sách nhưng lại không đọc bao nhiêu, người Nhật sẽ dùng từ Tsundoku. Để diễn tả mùi vị của cơn mưa sau quãng thời gian dài mặt đất khô cằn, nóng hạn, người Hi Lạp có từ Petrichor. Trong khi người Việt nói "sức hút của sự xấu lạ" thì người Pháp cổ sẽ dùng tính từ Jolie laide… Ở Phần Lan, người hay để ý mấy thứ nhỏ nhặt, như chính tả, dấu câu các thứ sẽ có danh từ Pilkunnussija… Còn ở Hi Lạp, họ có những buổi volta thật đẹp, nghĩa là đi dạo cùng ai đó trong buổi chiều tà, một ai đó để ta trò chuyện, cho dù chỉ là đôi ba câu chuyện phiếm.

Chơi chữ kiểu Việt

Trong khi đó, sách Việt Pun của tác giả LEN tổng hợp gần 200 câu “chơi chữ kiểu Việt” thú vị nhất được các “fan” của Việt Pun yêu thích sưu tầm, đồng thời giới thiệu cả những mẩu “pun” chưa từng được công bố trước đó, bao gồm cả hình thức song ngữ Việt - Anh, Việt - Nhật, Việt - Pháp… với nhiều thử nghiệm sáng tạo không giới hạn.

Bìa sách "Việt Pun" trông khá ngộ nghĩnh và thu hút các bạn đọc trẻ.

Đại diện nhà xuất bản Kim Đồng cho hay, cuốn sách này có cách biến hóa cùng ngôn từ rất thú vị và hấp dẫn, cho phép bạn “định nghĩa”, gọi tên các sự vật và hiện tượng theo góc nhìn mới mẻ và độc đáo của giới trẻ ngày nay. Điều thú vị của lối chơi chữ này của tác giả lại nằm ở những tình huống bất ngờ, cách lí giải gây ngạc nhiên, thử thách trí thông minh và khả năng tưởng tượng của người đọc. Ví dụ như: “Trái bắp khờ dại thì gọi là gì? - Ngây ngô”, “Tại sao người béo lại hay buồn? - Vì họ quá khổ”, “Mệt nhưng vẫn chở bồ đi ngắm hoàng hôn thì gọi là gì? - Ráng chiều”, “Trang trại bò sữa đặt ở đâu là tốt nhất? - Cow nguyên (cow = con bò)”…

Theo đó, nội dung cuốn sách bao gồm các từ ngữ, câu nói từ thế giới tự nhiên về các loài cây, củ, quả, các loài vật, thế giới con người với đủ mọi cảm xúc, các vấn đề “nóng” trong xã hội, chuyện nghề nghiệp, món ăn - thức uống, nhân vật hoạt hình, thời tiết, ngay cả… Hay truyện cổ tích cũng có thể trở thành đề tài hài hước được khai thác trong tác phẩm “Việt Pun”. Có rất nhiều đề tài mang tính “thời sự”, gắn với nhịp sống của giới trẻ hiện nay như: trà sữa, phim ảnh, “thả thính”…

Những cuốn sách này thu hút bạn đọc trẻ ngay khi vừa ra mắt.

Khi đọc tác phẩm này trên trang mạng của truyện nhiều bạn trẻ cũng tỏ ra khá thích thú. Bạn đọc Uyên Nhã cho biết, nhiều bạn trẻ cảm thấy đời vui hơn, đỡ nhạt khi có tác phẩm “Việt Pun”. Đây là một hình thức “giải trí lành mạnh” dành cho giới trẻ yêu thích đọc sách.

Được biết, tác giả của “Việt Pun” là LEN (tên thật là Đồng Nguyễn Thành Trung) sinh năm 1994, hiện đang là giáo viên giảng dạy bộ môn tiếng Anh, đồng thời cũng là admin của Fanpage Việt Pun, trang Facebook ra đời vào đầu năm 2017, hiện có gần 30.000 người thường xuyên theo dõi.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/gan-200-tu-ngu-hay-va-la-tren-the-gioi-den-viet-nam-20180927190203040.htm