Gần 3 triệu người chưa thành niên Việt Nam đang nằm ngoài sự bảo vệ thiết yếu (?)

Theo định nghĩa về 'trẻ em' trong Luật Trẻ em thì có gần 3 triệu người chưa thành niên 16-17 tuổi tại Việt Nam đang bị nằm ngoài sự bảo vệ thiết yếu... là nhận xét của Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam trong Hội nghị công bố Báo cáo kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 30/8 ở Hà Nội.

PGS.TS Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, và bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện Unicef, đồng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu, ở độ tuổi 16-17, trẻ đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em lên người lớn. Trong giai đoạn này, trẻ em trải qua nhiều biến động về thể chất và tâm, sinh lý cũng như năng lực đang dần phát triển. Do vậy, các em cần có sự chăm sóc và hỗ trợ để phát triển đầy đủ kỹ năng quản lý rủi ro, hạn chế tính dễ bị tổn thương của bản thân đồng thời cần được tiếp cận dịch vụ thiết yếu để phát triển tối đa tiềm năng của mình. Thực tế cho thấy, do pháp luật Việt Nam quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi nên một tỷ lệ đáng kể trẻ em trong độ tuổi này đang phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng.

Báo cảo cũng chỉ rõ, theo điều tra quốc gia về tình hình Lao động trẻ em 2012, tỷ lệ lao động trẻ em ở nhóm tuổi 16-17 cũng cao hơn hẳn, chiếm 58% tổng số trẻ em lao động, vì thế, các em cũng gặp nhiều nguy cơ bị xâm hại và bóc lột hơn. Điều tra giữa kỳ về "Dân số và Nhà ở 2014" cho thấy 3,9% trẻ em gái tuổi 15-17 kết hôn so với 0,9% trẻ em trai cùng nhóm tuổi. Số liệu năm 2015 cho thấy trong tổng số người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Việt Nam, độ tuổi 16-17 chiếm tỷ lệ cao nhất (67,1%). Như vậy, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ giúp các em ở độ tuổi 16-17 nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ đầy đủ, phù hợp của gia đình, cộng đồng và nhà nước cũng như tạo cơ hội để các em phát huy hết tiềm năng của mình trước khi bước vào giai đoạn trưởng thành.

TS.Vũ Công Giao trình bày Báo cáo kết quả nghiên cứu

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đưa ra các vấn đề cần cân nhắc khi điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em lên mức tương thích với công ước CRC như: khả năng đáp ứng về ngân sách của Nhà nước; khả năng điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trẻ em.

Từ những cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý, Báo cáo nghiên cứu khẳng định việc điều chỉnh độ tuổi trẻ lên dưới 18 tuổi là hợp lý, cần thiết và chắc chắn sẽ mang tới những tác động tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Vì vậy, Nhà nước, cụ thể là Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, cần khẩn trương tiến hành xem xét, sửa đổi Điều 1 Luật Trẻ em 2016 đề điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên mức tương thích với quy định tại Điều 1 của Công ước CRC. Đồng thời chuẩn bị nguồn ngân sách bổ sung cho việc mở rộng phạm vi của các chính sách, chương trình xã hội với trẻ em để đáp ứng nhu cầu của số trẻ em mới tăng thêm (ở độ tuổi 16-17), đặc biệt là trong các chương trình và chính sách bảo trợ xã hội.

Bà Rana Flowers Trưởng Đại diện Unicef phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện Unicef, cho rằng, định nghĩa “trẻ em” là người dưới 16 tuổi như trong Luật Trẻ em nghĩa là gần 3 triệu người chưa thành niên 16-17 tuổi tại Việt Nam đang bị nằm ngoài sự bảo vệ thiết yếu, quan trọng để phát triển tiềm năng của mình một cách an toàn trước khi bước vào tuổi trưởng thành. Do đó, nếu không có một cơ sở pháp lý rõ ràng về chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ, trẻ em 16-17 tuổi có nguy cơ cao hơn bị xâm hại tình dục, bỏ học, kết hôn khi tuổi còn nhỏ, tham gia lao động trẻ em hoặc nạo phá thai. Những trải nghiệm này có tác động tiêu cực đến chính trẻ em, và về chất lượng của lực lượng lao động và sự phát triển bền vững của quốc gia. Chúng ta cần khẩn trương hành động để giải quyết vấn đề cấp bách này, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, y tế, dinh dưỡng và bảo vệ nhóm độ tuổi quan trọng này.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu, đa số đại biểu tham dự hội nghị đều đánh giá cao kết quả báo cáo nghiên cứu. Theo GS.TS Đào Trọng Thi, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, kết quả của báo cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến tuổi pháp lý của trẻ em. PGS.TS Đào Trọng Thi cũng nhấn mạnh, cần chú ý giải thích từ ngữ để có cách hiểu thống nhất về khái niệm trẻ em. Đối với nguồn lực và các điều kiện đảm bảo thực hiện, chính sách của chúng ta không quy định chung cho trẻ em mà quy định cụ thể theo từng độ tuổi trẻ em, độ tuổi nào cần ưu tiên thực hiện sẽ đảm bảo nguồn lực thực hiện trước. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay việc đảm bảo các nguồn lực cần thiết khi điểu chỉnh độ tuổi trẻ em không phải là không khả thi.

GS.TS Đào Trọng Thi, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Đồng tình với quan điểm này, Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho rằng, việc điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Nhóm đối tượng được hưởng lợi trực tiếp khi điều chỉnh chính là nhóm 16-17 tuổi. Với việc đìeu chỉnh tuổi trẻ em, các em lứa tuổi 16-17 sẽ có nhiều cơ hội được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục như các em dưới 16 tuổi. Việc điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em cũng sẽ có tác động tích cực đến hoạt động hợp tác quốc tế về trẻ em.

Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn bày tỏ băn khoăn và đề nghị Nhóm nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn các bước tiếp theo để tiến tới thay đổi khái niệm về tuổi trẻ em ở Việt Nam; những việc có thể làm ngay để trợ giúp các em trong độ tuổi 16 -17 và đặc biệt là làm rõ các điều kiện đảm bảo tính khả thi trên thực tế khi điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi./.

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=41669