Gần 300 giáo viên Sóc Sơn nguy cơ mất việc: Sợ thi viên chức vì sao?

256 giáo viên ở huyện Sóc sơn, Hà Nội có nguy cơ mất việc trong đợt thi công chức, viên chức sắp tới, không phải vì không đủ năng lực mà điều họ lo nhất chính là họ đã từng thi trượt mà không hiểu vì sao.

Giáo viên sợ không biết vì sao mình trượt!

Giáo viên sợ không biết vì sao mình trượt!

Trượt không đối chứng

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên dạy tiếng Anh trường Tiểu học Thanh Xuân A chia sẻ, tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm, khi cô về công tác tại trường trong bối cảnh huyện đang thiếu giáo viên ngoại ngữ. Chính vì vậy, nhà trường từng yêu cầu cô phải viết cam kết với trường.

Bản thân cô Hiền từng đoạt giải 3 trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2013, toàn thành phố phải rà soát toàn bộ giáo viên dạy ngoại ngữ theo chuẩn năng lực ngôn ngữ của khung tham chiếu châu Âu, cả huyện Sóc Sơn chỉ có duy nhất một giáo viên tiểu học đạt yêu cầu là cô Hiền. Cô đã 2 lần được chọn đi thi cô giáo tài năng duyên dáng, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, nhưng 2 lần thi viên chức cô đều không đỗ.

Năm gần đây nhất cô Hiền dự thi tuyển viên chức vào trường THPT. Cô có rất nhiều lợi thế như bằng đại học loại giỏi được cộng 10 điểm; điểm soạn giáo án, giảng dạy đều đạt cao nhất, nhưng đến vòng phỏng vấn thì điểm lại thấp và bị trượt.

Là giáo viên dạy giỏi nhiều năm ở huyện Sóc Sơn, cô Nguyễn Hương Trà, giáo viên môn Giáo dục Công dân trường THCS Trung Giã, được ghi nhận là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của Thủ đô, nhưng chừng đó những thành tích không đủ để cô được đặc cách sẽ rất đáng tiếc cho không chỉ ngành giáo dục vì cơ chế mà gạt những giáo viên có chuyên môn, tâm huyết, nhiều năm cống hiến, học sinh mất cơ hội được học giáo viên giỏi.

Theo cô Trà, có giáo viên từng tham gia thi viên chức, nhưng phần thi thực hành tức thi chuyên môn điểm thi rất cao, nhưng thi lý thuyết lại bị trượt. Hơn 200 giáo viên Sóc Sơn không sợ tham dự cuộc thi tuyển viên chức vì năng lực chuyên môn kém mà sợ cuộc thi khó đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

''Bị đánh trượt, cả tháng tôi buồn và khóc như mưa mà không biết vì sao mình trượt. Ấm ức lắm, mình là dân học luật ra, làm bài rất tốt mà chưa được 5 điểm nên tôi đã làm đơn phúc khảo, nhưng không được xem xét.'', Cô giáo Nguyễn Hương Trà.

Cô Nguyễn Hương Trà cũng thông tin mình đã từng tham gia thi tuyển viên chức, công chức cách đây gần 20 năm, nhưng hoàn toàn thất vọng.

“Năm đó Sở Giáo dục tổ chức thi tuyển công chức, viên chức cho giáo viên, tôi cũng tham gia. Có 2 phần thi là thực hành và lý thuyết. Phần thi thực hành gồm thi soạn giáo án, và vấn đáp trực tiếp. Điểm thi phần thực hành của tôi khá cao được 7,5 điểm, trong khi đó người thi được 8 điểm là cao nhất. Còn phần thi lý thuyết gồm thi luật giáo dục và cách tính điểm cho học sinh. Điểm lý thuyết của tôi được có 4,75 điểm (5 điểm đỗ). Bị đánh trượt, cả tháng tôi buồn và khóc như mưa mà không biết vì sao mình trượt. Ấm ức lắm, mình là dân học luật ra, làm bài rất tốt mà chưa được 5 điểm nên tôi đã làm đơn phúc khảo, nhưng không được xem xét”, cô Trà cho hay.

Còn cô Đào Thị Nga, giáo viên Trường trung học cơ sở Trung Giã cũng cho biết từng tham gia thi tuyển công chức, viên chức năm 2012. “Cách thi, tôi giảng trên bục, còn giám khảo ở dưới chấm. Năm đó tôi không đỗ viên chức. Buổi thi cũng không ghi âm, ghi hình nên tôi không thể phúc khảo. Cách tổ chức thi công chức, viên chức như thế khó đảm bảo công bằng, minh bạch", cô Đào Thị Nga nói.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Nam, giáo viên môn Toán, môn Tin Trường trung học cơ sở Xuân Giang cho biết, đã 2 lần tham gia thi tuyển viên chức, công chức vào năm 2009 và 2015, nhưng không đỗ.

Một thầy giáo khác cũng có thâm niên hơn 15 năm dạy tại Sóc Sơn cũng trải qua 2 lần thi tuyển viên chức nhưng đều trượt. Lần đầu vào năm 2012, thi 2 môn là viết giáo án và thi dạy, thầy đều đạt điểm rất cao, nhưng không hiểu vì sao bị trượt.

Lần thi thứ hai vào năm 2015, thầy cũng đạt hai điểm gần tuyệt đối mà vẫn trượt. Điều đó khiến giáo viên này mất niềm tin vào việc thi viên chức, công chức. Bản thân giáo viên này cũng không biết phải làm thế nào để trúng tuyển.

Công khai, minh bạch kỳ thi tuyền dụng viên chức giáo dục

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết ngày 7/3/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1076/QĐ-UBND về phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của TP.

Điều này nhằm thực hiện Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức (CCVC), nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, ĐVSNCL; trên cơ sở số chỉ tiêu biên chế giáo viên đã được Bộ Nội vụ giao và HĐND TP phê chuẩn cũng như xuất phát từ đề nghị của cử tri TP và nguyện vọng của sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm được tuyển dụng chính thức vào viên chức ngành giáo dục.

Vị đại diện này khẳng định đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP với những nội dung và hình thức tuyển dụng mới với 2 vòng (vòng 1 thi trắc nghiệm 2 môn ngoại ngữ và môn kiến thức chung; vòng 2 thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành).

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên, đối tượng dự thi không quy định phải có hộ khẩu tại TP Hà Nội, hơn nữa sau 3 năm TP chưa tổ chức tuyển dụng giáo viên. Do đó, dự kiến sẽ rất đông thí sinh ở các tỉnh tham gia dự tuyển.

Lường trước những khó khăn, phức tạp, Sở Nội vụ đã và đang cùng các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND TP tổ chức kỳ tuyển dụng này một cách thận trọng, công khai, minh bạch, vừa nâng cao chất lượng tuyển dụng vừa phòng chống tiêu cực.

Trước mắt, do chưa dự tính được số thí sinh đăng ký dự tuyển nên Sở Nội vụ mới chỉ hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển theo quy định (thời hạn nhận phiếu 30 ngày, từ 15/3/2019 đến hết 13/4/2019) để nắm bắt số lượng người đăng ký, phân loại đối tượng dự tuyển, từ đó có hình thức tuyển dụng hợp lý theo quy định pháp luật, đồng thời nắm bắt được những khó khăn vướng mắc và kiến nghị của các quận, huyện, thị xã.

Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ cùng Sở GD&ĐT và các cơ quan liên quan sẽ đề xuất với UBND TP báo cáo các bộ: Nội vụ, Giáo dục & Đào tạo để xem xét, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trên, nhằm đảm bảo kỳ tuyển dụng đạt được mục tiêu đề ra.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, hiện các quận, huyện, thị xã đang tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển theo đúng kế hoạch của TP, chưa có vướng mắc gì. Chỉ riêng huyện Sóc Sơn có một số giáo viên đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc UBND huyện có kiến nghị đề xuất, UBND huyện đã giải thích và tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất để báo cáo các cơ quan. Từ đó, Sở Nội vụ đang tổng hợp những kiến nghị, đề xuất liên quan đến kỳ tuyển dụng để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Nghiêm Huê-Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/gan-300-giao-vien-soc-son-nguy-co-mat-viec-so-thi-vien-chuc-vi-sao-1397782.tpo