Gần 40 người tình nguyện hiến phổi cho phi công người Anh mắc Covid-19

Theo tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến sáng 15-5 đã có gần 40 người tình nguyện hiến phổi cho bệnh nhân 91 mắc Covid-19 (43 tuổi, phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, trong gần 40 người này, có một trường hợp người Việt Nam ở Myanmar đã liên lạc qua trung tâm và sẵn sàng về nước để hiến phổi, dù không hề quen biết nam phi công người Anh. Dự kiến, người này có thể về nước sau ngày 25-5.

Trước đó, có một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi ở tỉnh Đắk Nông cũng xin số điện thoại trung tâm qua Hội Chữ thập đỏ và tha thiết hiến một phần phổi của mình cho bệnh nhân 91. "Việc ghép phổi cho bệnh nhân 91 như thế nào sẽ là quyết định của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế. Khi có chỉ định, trung tâm sẽ chuẩn bị nguồn hiến theo thứ tự ưu tiên số một là lấy nguồn từ người hiến chết não. Nếu không có nguồn từ người hiến chết não thì mới tính tới phương án lấy từ người hiến sống", ông Nguyễn Hoàng Phúc nói.

Từ việc có gần 40 người đăng ký hiến một phần cơ thể để cứu một bệnh nhân nước ngoài mắc Covid-19 chưa từng quen biết và con số có thể chưa dừng lại, ông Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng, người dân đã thay đổi quan niệm về việc hiến, ghép tạng với mục đích nhân đạo, là cách để nối dài sự sống, nhân lên tình yêu thương, chia sẻ giữa con người với con người. Mặt khác, câu chuyện này cũng cho thấy sự đồng thuận của người dân với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong thời gian qua.

Trước đó, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc hội chẩn liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi của bệnh nhân 91. Hiện phổi của nam bệnh nhân này chỉ còn 10% hoạt động. Phương án ghép phổi là hy vọng cuối cùng để cứu sống bệnh nhân. Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã khởi động tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép.

Điều kiện chuẩn bị đầy đủ để ghép là tình trạng tổn thương phổi và tình trạng nhiễm trùng cần được tiếp tục điều trị, thay các catheter (ống thông), kiểm soát các nguồn nhiễm trùng vào người bệnh. Bệnh nhân không còn vi rút SARS-CoV-2, mặt khác cần tiếp tục hồi sức thật tốt...

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/967430/gan-40-nguoi-tinh-nguyen-hien-phoi-cho-phi-cong-nguoi-anh-mac-covid-19