Gần 40 tỷ đồng tiền phạt nguội giao thông ở TP.HCM nguy cơ thành 'nợ xấu'

Sau nhiều năm triển khai hình thức phạt nguội các vi phạm giao thông, cơ quan chức năng tại TP.HCM thừa nhận, số lượng người vi phạm tự nguyện đóng phạt vẫn hạn chế. Kéo theo đó là số tiền gần 40 tỷ đồng từ 80% quyết định xử phạt đang bị tồn đọng, có nguy cơ trở thành “nợ xấu”.

Dễ phạt, khó đòi

Phạt nguội hay còn gọi là xử lý vi phạm qua hình ảnh, phạt hành chính với các phương tiện sau khi vi phạm đã xảy ra. Hiện tại, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) TP.HCM mới phạt nguội người điều khiển xe ô tô. Với người điều khiển mô tô, xe gắn máy thì cơ quan chức năng tập trung phát hiện và xử lý ngay tại hiện trường.

Ở TP.HCM, các phương tiện vi phạm trong quá trình lưu thông trên đường có gắn camera sẽ được ghi lại, hoặc CSGT cầm camera ghi hình những trường hợp vi phạm. Những hình ảnh này được chuyển về đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông để nơi này trích xuất hình ảnh, gửi thông báo xử phạt đến chủ xe.

Việc phạt nguội của Cảnh sát Giao thông vẫn còn nhiều bất cập.

Tuy nhiên, hình thức “phạt nguội” này đang có những bất cập khiến hiệu quả còn thấp. Trao đổi với PV báo ĐSPL, Đại úy Trần Minh Thức, Phó Đội trưởng đội Chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho biết: “Cảnh sát Giao thông TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm qua hình ảnh. Thứ nhất, do hệ thống giám sát hiện tại chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm, chưa rộng khắp trên địa bàn thành phố. Thứ hai, một số chủ phương tiện khi nhận được thông báo vi phạm qua hình ảnh thì không đến cơ quan chức năng để chấp hành quyết định xử phạt”.

Đại diện CSGT TP.HCM đưa ra số liệu cho hay, trong năm 2018, địa phương có 58.955 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh, nhưng chỉ khoảng 12.000 trường hợp (khoảng 20%) trong số đó chấp hành xử phạt, tức thu được khoảng 10 tỷ đồng. Còn lại, gần 80% quyết định xử phạt, tức là gần 40 tỷ đồng vẫn bị người vi phạm “ngó lơ”.

Để xảy ra tình trạng này, các tài xế cho rằng việc xử lý, gửi thông báo của cơ quan chức năng còn nhiều thiếu sót. Điển hình như trường hợp của anh Vũ Như Tâm (ngụ quận Thủ Đức) từng bị xử phạt tới 148 triệu đồng với 49 lần vi phạm, chủ yếu là chạy quá tốc độ khi lưu thông qua hầm sông Sài Gòn.

Theo anh Tâm, mặc dù vi phạm nhiều lần nhưng anh chỉ duy nhất 1 lần nhận giấy báo đóng phạt của PC67 (phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM). Anh Tâm bày tỏ: “Lẽ ra Công an phải gửi giấy báo nộp phạt ngay sau khi phương tiện vi phạm lần 1, lần 2 chứ không phải đợi nhiều tháng như thế. Việc gửi giấy báo rất chậm, thậm chí nếu không chủ động tra cứu thì bản thân chủ phương tiện cũng không biết được”.

Việc gửi giấy phạt nguội đến chủ phương tiện vẫn còn chậm trễ.

Đại diện PC67 cũng thừa nhận thực trạng này. Theo đó, hàng ngày, PC67 bố trí các tổ chuyên đề sử dụng camera ghi hình các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Sau khi hoàn tất hồ sơ, phòng chuyển thông báo vi phạm cho công an phường, xã, thị trấn 24 quận, huyện và các tỉnh thành khác để gửi tới chủ phương tiện.

“Việc chuyển thông báo vi phạm đến chủ phương tiện vi phạm mất nhiều thời gian và rất khó khăn. Có nhiều phương tiện sau khi mua bán, chủ nhân không đến cơ chức năng để làm thủ tục sang tên, khiến việc chuyển thông báo vi phạm không đến được nên xảy ra việc họ tiếp tục vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần cùng một lỗi”, đại diện PC67 băn khoăn.

Đóng phạt còn dựa trên sự tự nguyện của chủ phương tiện

Dù việc chây ì đóng phạt đã kéo dài, khiến số tiền phạt vi phạm giao thông sắp trở thành “nợ xấu” nhưng cách thức yêu cầu dừng đăng kiểm của cơ quan chức năng thuộc bộ Giao thông Vận tải đã bị cục Kiểm tra Văn bản (bộ Tư pháp) “tuýt còi”. Văn bản của Cục này đã đề nghị bộ Giao thông Vận tải dừng đăng kiểm phương tiện giao thông do chưa nộp phạt nguội. Theo đó, quan điểm của bộ Tư pháp cho rằng, việc từ chối kiểm định với lý do chưa nộp phạt không thuộc phạm vi kỹ thuật an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà cơ quan đăng kiểm phụ trách.

Chính vì thế, việc đóng phạt còn đang dựa trên tinh thần tự nguyện của chủ phương tiện. Do đó, CSGT TP.HCM chỉ thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác như: Tuyên truyền, phối hợp với công an địa phương trong việc chuyển thông báo vi phạm và nhắc nhở người dân chấp hành thông báo hoặc gửi thông báo đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải để công ty buộc tài xế đến nộp phạt.

Theo các chuyên gia pháp lý, để hình thức phạt nguội phát huy hiệu quả thì rất cần bổ sung thêm để chặt chẽ quy định pháp luật. Luật sư Huỳnh Công Thư, đoàn Luật sư tỉnh Long An nêu quan điểm, theo luật Xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong vòng 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

“Chưa kể, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm. Vì thế, qua 1 năm thì biên bản đó không còn hiệu lực, người vi phạm không có nghĩa vụ phải đóng phạt nữa. Mặt khác, CSGT phải có nghĩa vụ chứng minh chủ xe là người điều khiển phương tiện tại thời điểm ghi hình thì mới ra quyết định xử phạt chủ xe được. Vì nguyên tắc là phạt người điều khiển phương tiện chứ không phải chủ xe (đối với các lỗi thông thường). Do đó, hiện tại việc đóng phạt nguội chỉ phụ thuộc vào ý thức tự giác”, luật sư Huỳnh Công Thư nhận định.

H.N

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 59

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/gan-40-ty-dong-tien-phat-nguoi-giao-thong-o-tphcm-nguy-co-thanh-no-xau-a270992.html