Gần 5.000 container nhựa tái chế nằm cảng, nhiều doanh nghiệp nhựa khan hiếm nguyên liệu

Theo Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhựa Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhựa đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng có nguy cơ phá sản vì khan hiếm nguyên liệu đầu vào.

Tại các cảng lớn như Hải Phòng, Cát Lái... tồn đọng gần 5.000 container. Theo Tân Cảng Sài Gòn đến ngày 26/6/2018 lượng hàng tồn cảng là 4.480 container tương đương với khoảng 70.000 tấn.

Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), hàng tồn nhập phế liệu tại các cảng là do thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ TN&MT. Những năm trước, cấp phép nhập phế liệu thuộc cấp Sở các địa phương. Từ Thông tư 41/2015/TT-BTNMT đã thống nhất cấp phép nhập khẩu phế liệu trực thuộc Bộ quản lý. Giai đoạn 2016-2017, do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc nên ít doanh nghiệp xin giấy phép nhập khẩu theo quy định.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam - cho biết hiện nhiều công ty ngành nhựa đã đầu tư từ 100 - 200 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa sử dụng nhựa tái chế nhập khẩu. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xin thủ tục cấp phép nhập khẩu nguyên liệu thì gặp khó khăn do bị siết nhập khẩu nguyên liệu và “lệnh cấm nhập khẩu” phế liệu nhựa này đang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn.

PGS Đinh Xuân Thắng, giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng môi trường Hoa Lư đưa ra các lý do dẫn đến tình trạng này. Đó là do thay đổi quản lý cấp phép của Bộ TN&MT, hàng tồn do quy chuẩn QCVN32 – Bộ TN&MT khó thực hiện trong thực tiễn, do các văn bản quản lý mới của Tổng Cục Hải Quan, do các cảng không làm được thủ tục thông quan mặt hàng nhựa đã qua sử dụng như trước đây, do phí lưu container quá cao, do tồn các mặt hàng khác tích tụ nhiều năm trước và do quản lý cảng biển.

Chị Thanh Phương - Tổng giám đốc công ty Lê Trân Plastic - chia sẻ lo lắng trước khả năng công ty sẽ bị phá sản vì đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu từ nhựa tái chế, mà giờ đây nhà máy phải đứng im vì không có vật liệu để sản xuất, mà các chi phí khác vẫn cần để vận hành, lãi suất ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng…

Theo ông Trần Vũ Lê - công ty nhựa Lê Trần, trong năm 2018 công ty ông dự kiến xuất khẩu 30 triệu USD sản phẩm nhựa, hợp đồng đã ký, nhưng nếu tình hình nhựa tái chế làm nguyên liệu để sản xuất ra thành phẩm còn thiếu hụt lâu dài thì công ty có khả năng phải bồi thường thiệt hại theo hợp đồng. Nếu dùng phương pháp thay thế bằng nhựa “Zin” thì sẽ bị lỗ khoảng 10 triệu USD.

Chủ tịch VPA - Hồ Đức Lam cho biết đã gửi các kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ Tài nguyên Môi trường. Trong đó, tập trung vào việc cấp phép nhập khẩu nhựa phế liệu cho các doanh nghiệp đầu tư tái chế đúng quy chuẩn, xem xét mở rộng chuẩn QCVN 32, bỏ văn bản số 4202 của Tổng cục Hải quan.

Hôm 7/8, Thủ tướng đã ra thông báo yêu cầu Bộ Tài Nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ nhu cầu sử dụng phế liệu cho sản xuất trong nước, nghiên cứu sửa đổi danh mục phế liệu được nhập khẩu theo hướng hạn chế tối đa, đảm bảo công khai, minh bạch. Ông Lam cho rằng, đây là động thái tích cực đầu tiên và mong mỏi sẽ có chuyển động nhanh hơn về thực tiễn.

Đinh Phương

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/nhip-dap-thi-truong/gan-5000-container-nhua-tai-che-nam-cang-nhieu-doanh-nghiep-nhua-khan-hiem-nguyen-lieu-post47076.html