Gần 50% lao động Hà Tĩnh làm việc 'chui' ở nước ngoài

Đó là con số được báo cáo tại buổi làm việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh và một số sở, ban, ngành với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam vào sáng nay (17/1).

Hà Tĩnh hiện có gần 53.000 làm việc ở các nước trên thế giới. Trong đó, số lao động có hợp đồng là 26.670 người (chiếm 50,74 %), số không có hợp đồng là 25.900 người (chiếm 49,26%).

Do nhu cầu của một bộ phận người dân nên đã hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép, chủ yếu là sang Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Anggola…

Quản lý dự án IOM tại Việt Nam Đỗ Thanh Mai: Tình hình người Việt Nam di cư trái phép sang Úc nói riêng, các nước khác nói chung diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt các lực lượng chức năng trong và ngoài nước

Từ đầu năm 2015 đến nay, Công an Hà Tĩnh đã xác minh 544 trường hợp bị phía nước ngoài không cho cư trú, trong đó, nhiều trường hợp do xuất cảnh ở lại lao động trái phép bị phát hiện.

Tình hình công dân xuất cảnh sang Lào, Thái Lan, Trung Quốc lao động trái phép bị bắt, đẩy đuổi nhập cảnh về Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định diễn biến phức tạp.

Đã có 813 trường hợp bị Công an Hà Tĩnh phát hiện và xử lý hành chính; Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh khởi tố, xét xử công khai 9 vụ với 12 bị can tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Riêng trong năm 2018, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiếp nhận 79 trường hợp bị phía Lào trao trả…

Anh Nguyễn Văn Dũng - chuyên viên Phòng Việc làm Sở LĐ-TB &XH Hà Tĩnh: Gần 50% lao động Hà Tĩnh làm việc tại các nước không có hợp đồng lao động phải chịu nhiều thiệt thòi và rủi ro trong quá trình làm việc

Quản lý dự án IOM tại Việt Nam cũng thông tin khái quát tình hình di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng đường biển. Đặc bệt, thời gian gần đây, có 45 trường hợp bị phía Úc trục xuất. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp, qua mặt các cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài. Để ngăn chăn tình trạng di cư bất hợp, các cơ quan ban ngành chức năng đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, quản lý, xử lý các đối tượng vi phạm.

Phó phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đậu Thị Thu Hương: Số lượng người làm hộ chiếu đi nước ngoài trên địa bàn tỉnh khá lớn, trong đó, nhiều đối tượng sử dụng với mục đích lao động trái phép

Chiến dịch truyền thông phòng chống di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc giai đoạn IV (từ tháng 12/2017 – 5/2018) nói riêng, sang các nước khác nói chung đã được Hội LHPN tỉnh phối hợp IOM thực hiện khá hiệu quả. Giai đoạn IV, đơn vị đã tổ chức được 2 cuộc đối thoại chính sách, 1 cuộc truyền thông cộng đồng tại hai xã Thiên Lộc, thị trấn Nghèn (Can Lộc) với gần 1.500 người tham gia.

Bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn như sân khấu hóa, phát tờ rơi, đĩa video, đăng phát tin bài trên Báo Hà Tĩnh, Đài PT & TH tỉnh…, người dân đã được cung cấp thông tin, giải đáp các vấn đề liên quan về XKLĐ, chính sách tín dụng; trang bị kiến thức về di cư an toàn, phòng ngừa di cư trái phép.

Ông Nguyễn Bá Hải - cán bộ Trung tâm Hỗ trợ di cư (Bộ LĐ-TB &XH): Các cơ quan ban ngành cần tăng cường tuyên truyền hỗ trợ người dân về di cư an toàn. Đặc biệt là hội phụ nữ các cấp vì chị em phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương bởi nạn di cư trái phép

Sau mỗi đợt truyền thông, Hội LHPN tỉnh và IOM đều tổ chức đánh giá nhận thức của người dân, rút kinh nghiệm và điều chỉnh các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo. Theo kế hoạch, giai đoạn V sẽ được thực hiện tại hai xã Thuần Thiện, Tùng Lộc (Can Lộc) từ tháng 1 -5/2019.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng phân tích những hậu quả, hệ lụy phức tạp mà người di cư trái phép có thể gặp phải như: nguy hiểm đến tính mạng trên dường di chuyển, lâm vào tình cảnh nợ nần khi giao số tiền lớn cho các đối tượng “cò mồi”, bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động, bị ép buộc phạm tội. Thậm chí, nhiều trường hợp còn trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, hoạt động mại dâm…

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh Đào Anh Nga: Mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan để ngăn chặn hiệu quả nạn di cư trái phép trên địa bàn

Khó khăn nhất hiện nay trong công tác ngăn chặn, quản lý người di cư trái phép hiện nay là nhận thức của người dân còn hạn chế; thủ đoạn của các đối tượng tổ chức đưa người di cư trái phép hết sức tinh vi, hình thức đa dạng, phức tạp; kinh phí thực hiện việc tiếp nhận, trao trả người di cư trái phép hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan chưa chặt chẽ...

Nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng di cư trái phép ra nước ngoài của người dân trên địa bàn đã được đưa ra tại buổi làm việc. Theo đó, cần thúc đẩy xuất khẩu lao động hợp pháp thông qua các chương trình ký kết với các nước; chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho lao động địa phương để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin về di cư an toàn cho người dân; các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ trong quản lý, xử lý vi phạm.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/lao-dong-viec-lam/gan-50-lao-dong-ha-tinh-lam-viec-chui-o-nuoc-ngoai/167203.htm