Gần 60 mùa xuân của những người thầy, chiến sỹ

Cái tên Trường Ðại học An ninh nhân dân (ÐH ANND) đã trở thành niềm tự hào của tất cả những ai đã từng được sống, học tập, lao động và cống hiến. Họ có thể đang công tác tại một chốt tiền tiêu hay hải đảo xa xôi; đang bám bản, bám làng nơi núi rừng Tây Nguyên nắng gió; hay đang làm nhiệm vụ tại vùng sông nước miền Tây…

Dù ở vị trí nào, mỗi cán bộ An ninh sau khi được đào tạo tại ngôi trường này đều luôn tự nhủ rằng, sẽ nỗ lực hết mình với nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, xứng danh với truyền thống của đơn vị Anh hùng LLVTND.

57 mùa xuân xây dựng, trưởng thành, qua nhiều bước thăng trầm, tập thể học viên nhà trường ÐH ANND hôm nay đang từng ngày học tập, rèn luyện bằng sức sống mới, trẻ trung và năng động cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên đam mê với nhiệm vụ “trồng người”.

Mái lá Trung quân - một thời và mãi mãi!

“Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng, thể hiện qua những chiến công tưởng chừng như huyền thoại của lực lượng An ninh miền Nam, trong đó có sự đóng góp to lớn của nhiều CBCS và các thầy giáo ÐH ANND dưới tán rừng mái lá Trung quân tại khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam”, Ðại tá Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ÐH ANND, chia sẻ.

Kể từ khi ra đời vào ngày 9/10/1963, trường An ninh Trung ương Cục miền Nam - tiền thân của ÐH ANND, đã trải qua một chặng đường xây dựng, chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh. Khi ấy, Ðại tá Nguyễn Anh Tuấn được phân công làm việc tại nhà máy in Trần Phú thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. “Anh em trong rừng lúc đó không ai thoát khỏi bị sốt rét rừng.

Thực phẩm, thuốc men vô cùng khan hiếm, hầu hết là tự cung tự cấp những thức ăn như: khô, mắm, đậu phộng, củ cải muối (mà được anh em gọi đùa là: thịt Tam Tạng) là những thực phẩm chủ lực. Những ai bị sốt rét nhiều đều được cho đi “an dưỡng” ở rẫy, thực chất là để được tắm nắng mặt trời, nâng cao thể trạng”, Ðại tá Nguyễn Anh Tuấn kể.

Mùa khô 1966, địch tập trung đánh phá căn cứ địa Tây Ninh bằng các cuộc hành quân càn quét với qui mô lớn (điển hình là trận càn Junction City và trận càn Móc Câu - Mỏ Vẹt), gây thiệt hại cho các cơ quan thuộc Tiểu ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Ban Giám hiệu nhà trường chụp hình lưu niệm cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo trường ÐH ANND qua các thời kỳ, các cán bộ hưu trí nguyên là CBCS Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam tại lễ khánh thành Bia truyền thống Nhà trường.

Ban Giám hiệu nhà trường chụp hình lưu niệm cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo trường ÐH ANND qua các thời kỳ, các cán bộ hưu trí nguyên là CBCS Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam tại lễ khánh thành Bia truyền thống Nhà trường.

Sau Tết Mậu Thân 1968, trước sự càn phá quyết liệt của địch, các cơ quan Trung ương Cục phải chuyển sâu sang đất bạn Campuchia để bảo toàn lực lượng. Ðiều quan trọng không thể thiếu được để tồn tại lúc đó là nước. Ðào giếng không có nước thì phải dời đi nơi khác. Nhưng có những khu rừng đào sâu đến gần 20m vẫn không có nước đành phải dời ra những khu rừng chồi để tìm nguồn nước.

Hành trang của những người thầy CAND khi đó rất gọn nhẹ, tất cả được xếp gọn trong chiếc bồng bằng vải tám, một Xanh-tuya Mỹ dùng để treo bình toong, tăng nóc, tăng choàng, đèn dầu làm bằng vỏ đạn M.16, cây rút dép làm bằng đạn 20ly cùng với cây súng và cơ số đạn đủ để chiến đấu.

Ðại tá Phan Văn Nam, nguyên Trưởng phòng hành chính tổng hợp Trường ÐH ANND cũng rất tự hào khi kể về những năm tháng làm việc tại trường An ninh Trung ương Cục miền Nam. Khi ấy ông mới 14 tuổi và được giao nhiệm vụ văn thư, chuyển công văn, sắp xếp bao thư, in roneo, đánh dấu “hỏa tốc” trên các công văn. Khi ấy, nguồn giấy để làm việc rất khó kiếm.

Có khi phải đi mua, gom từ hàng chục tờ, để dành. Nhiều khi phải tìm cách trà trộn cùng người dân ra chợ trong khu vực chiếm đóng mới mua được mực và giấy in roneo. Ở trong rừng, độ ẩm cao nên tài liệu giấy dễ bị hư, mốc. Anh em sáng tạo đã dùng gạo rang làm thính. Bột thính bọc trong túi vải để cạnh các tập giấy để hút độ ẩm, bảo vệ giấy không bị mốc, mục.

Công tác văn thư nhiều lúc mưa to, bão đổ vẫn phải lao ra rừng mang công văn cho kịp. Có lần gặp bão, Ðại tá Phan Văn Nam bị trơn ngã, người vướng, treo ngược vào dây rừng, trong khi xe đạp vẫn lao về trước. Một lần khác đang đi thì gặp lũ trong rừng, đành ngồi im, trú trong hốc cây, chịu đói khát, chờ cho hết lũ mới về được đơn vị.

Năm 1970, xảy ra trận càn dữ dội của địch làm nhiều cán bộ của trường bị thương. Ðịch cho quân đánh phá quyết liệt tại vùng biên giới Xa Mát, Cà Tum, tràn qua quốc lộ 7m Kông Pông Chàm (Campuchia). Hàng tốp máy bay địch thả bom, bắn hỏa tiễn, ném lưu đạn vào căn cứ. Nhiều người bị thương nhưng, nặng nhất là anh Việt và anh Trung. Một anh hy sinh ngay tại chỗ, một thì tới bệnh xá cũng hy sinh. Cả 2 người thầy này khi ấy mới ngoài 20 tuổi.

“Khi cái chết luôn rình rập từng ngày từng giờ mới thực sự thấm thía giá trị của tình đồng đội. Tôi mãi mãi không quên hình ảnh giữa hoang tàn, ngổn ngang cây rừng gục ngã sau trận tàn phá của B.52, trong bóng tối rừng khuya những người sống sót lần mò từng gốc cây, từng đầu võng khản cổ gọi tên những đồng đội và góp nhặt từng miếng xương cốt còn sót lại.

Gian khổ ác liệt là vậy, nhưng chúng tôi vẫn sống, làm việc, học tập và chiến đấu cho đến ngày chiến thắng”, Ðại tá Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại trong niềm xúc động, xốn xang.

Nôi đào tạo “thanh kiếm” bảo vệ Ðảng

Thiếu tướng PGS.TS Ðặng Văn Ðoài, Hiệu trưởng trường ÐH ANND chia sẻ: Lúc mới thành lập, trường chỉ có vỏn vẹn 10 cán bộ, giáo viên nhưng hiện nay,đã có sự phát triển vượt bậc với 438 cán bộ, giáo viên.12 người đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú và Nhà giáo nhân dân; có 12 phó giáo sư; 57 tiến sĩ; 189 thạc sĩ, 58 giảng viên chính, 172 người có trình độ ngoại ngữ từ cử nhân trở lên. Trường đã đào tạo được hơn 43.000 học viên, cung cấp lực lượng cán bộ cho Công an khu vực phía Nam...

Dưới mái Trường Ðại học ANND, truyền thống tôn sư trọng đạo và tình thầy trò gắn bó, sâu sắc vẫn luôn là một nét đặc trưng, là niềm tự hào của cả thầy và trò.

Năm học 2018-2019 qua, nhà trường đã vinh dự nhận được Cờ thi đua xuất sắc do Bộ Công an trao tặng. Nhiều đơn vị được nhận cờ thi đua của Chính phủ, nhiều cá nhân đạt Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND và Chiến sĩ thi đua cơ sở. Nhà trường cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất của Chủ tịch nước trao tặng...

Có một Chuyên gia giáo dục nổi tiếng trên thế giới từng nói rằng, đã là cơ sở giáo dục thì từng Cen - ti - met phải in dấu của giáo dục. Ðiều đó thật đúng với môi trường giáo dục đào tạo tại ÐH ANND.

Nữ giảng viên bộ môn Pháp luật của Nhà trường - Văn Thị Hồng Nhung phát biểu: “Tôi vinh dự được học tập, rèn luyện và trưởng thành ở trường ÐH ANND, cái nôi đã đào tạo nên những “thanh kiếm bảo vệ Ðảng”. Biết bao người thầy đã anh dũng hy sinh nằm lại nơi chiến trường xưa khi trang giáo án còn dang dở, để cho thế hệ trẻ như chúng tôi được chắp cánh bay cao, bay xa”.

Thầy trò nhà trường nguyện sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện với ngọn lửa nhiệt huyết cháy bỏng trong tim, chung tay xây dựng ngôi trường yêu dấu, bằng nhiều việc làm thiết thực mừng Ðảng, mừng Xuân”.

Tại buổi lễ khánh thành Bia truyền thống Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam tại Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh), Ðại tá Nguyễn Anh Tuấn gửi gắm tâm tư tới những người thầy đang công tác cũng như các học viên của nhà trường rằng: “Những đóng góp hy sinh thầm lặng của những người thầy hoạt động trên mặt trận giáo dục với tư cách chiến đấu năm xưa sẽ là những trang sử hào hùng tạc trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Làm nên kỳ tích Anh hùng đã khó và càng khó hơn khi phải giữ cho cái chất Anh hùng đó mãi tươi thắm và ngày càng được tô thắm thêm. Tôi và các bạn - những người có vinh dự được trao trọng trách tiếp tục sự nghiệp đào tạo lực lượng An ninh cho các tỉnh thành phố phía Nam hãy kề vai sát cánh nhận lấy sứ mệnh vinh quang này!

Hãy để cho chất Anh hùng thấm trong từng mạch máu, xương thịt của ta, trong mỗi suy nghĩ, hành động vì một môi trường giáo dục lành mạnh và trên tất cả hãy vì ngày hôm qua để sống xứng đáng hơn cho hôm nay và mai sau!”.

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/canddb-gan-60-mua-xuan-cua-nhung-nguoi-thay-chien-sy-577494/