Gần 9.000 lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo báo cáo của 22/63 tỉnh thành, phố, gần 9.000 lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất vì dịch Covid-19.

Trong báo cáo về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua báo cáo của 30/63 tỉnh/thành phố, trong tổng số 181.597 doanh nghiệp có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (chiếm 0,18%), 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh (chiếm 0,3%).

Bên cạnh đó, trong 5.060 hợp tác xã có 25 hợp tác xã tạm dừng hoạt động (chiếm 0,5%) và 5 hợp tác xã giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh (chiếm 0,09%). Ngoài ra, trong 298.212 hộ gia đình có 1 hộ tạm dừng hoạt động (chiếm 0,0003%), 2 hộ giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh (chiếm 0,0006%).

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua báo cáo của 22/63 tỉnh/thành phố, trong tổng số 8.773 lao động bị ảnh hưởng thì ngành nông, lâm và thủy sản có 3.227 người (chiếm 36,8%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người (chiếm 25,7%); ngành vận tải, kho bãi có 1.121 người (chiếm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 665 người (chiếm 7,6%). Còn lại một số ngành khác có lao động bị ảnh hưởng nhưng số lượng không nhiều.

Về số lao động bị mất việc làm, theo báo cáo của 22/63 tỉnh/thành phố, số lao động bị mất việc là 1.027 người; chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (365 người, chiếm 35,5%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (106 người, chiếm 10,3%). Số mất việc làm còn lại rải rác ở một số ngành khác.

Các Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Trước thực trạng trên, Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tới lĩnh vực lao động việc làm xây dựng các kịch bản quản lý điều hành trong trường hợp dịch bùng phát tại Việt Nam. Đặc biệt, dự báo thị trường lao động trong Quý I và năm 2020 trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, dự báo khả năng thiếu hụt lao động và dịch chuyển lao động trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất do chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên liệu ngừng hoạt động (các doanh nghiệp gia công cho các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có đầu vào nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc…).

Đồng thời, các đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh để chủ động phối hợp với các lực lượng quân đội, y tế và các địa phương nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, nhất là những địa phương có khả năng bùng phát dịch bệnh để có phương án trợ giúp kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng.

Có thể thấy, cùng với tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, thị trường lao động quý 1 cũng như cả năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ được dự báo thiếu hụt và dịch chuyển mạnh do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thu hẹp chuỗi sản xuất. Chính bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để tránh vướng phải tình trạng thiếu hụt nhân sự, các doanh nghiệp cần nhanh chóng chủ động điều tiết, tìm kiếm giải pháp thay thế lực lượng lao động để hoạt động sản xuất không chịu nhiều ảnh hưởng.

Bình Dương: Tạm dừng cấp mới giấy phép lao động cho người lao động đến từ các vùng có dịch Covid–19

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương vừa có hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh tạm dừng cấp phép lao động cho người lao động là công dân Trung Quốc và người lao động đến từ các vùng có dịch cho đến khi có thông báo mới.

Trong đó, Sở đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh không nộp hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép lao động cho người Trung Quốc và tạm dừng tiếp nhận lao động người Trung Quốc quay trở lại làm việc trong thời gian có dịch bệnh; đồng thời báo cáo tình hình lao động nước ngoài quay trở lại làm việc sau tết, đặc biệt là lao động người Trung Quốc và người lao động di chuyển qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng có dịch,…

Theo hướng dẫn này, những người lao động đến từ các nơi khác, khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, người sử dụng lao động phải có văn bản cam kết và chịu trách nhiệm về người lao động đó không có di chuyển qua vùng có dịch Covid–19 hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng có dịch bệnh (đặc biệt là tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc).

Về cấp lại giấy phép lao động đối với trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn làm việc từ 5 ngày nhưng không quá 45 ngày, cụ thể: Đối với lao động người Trung Quốc không về nước và người lao động đến từ các nơi khác, người sử dụng lao động phải có văn bản cam kết và chịu trách nhiệm về người lao động đó không có di chuyển qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng có dịch. Trường hợp lao động người nước ngoài xuất cảnh ra khỏi Việt Nam trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, sau khi trở lại Việt Nam, người sử dụng lao động phải cung cấp thêm thông tin từ ngày 20/01/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ, người lao động đã đi đến những nơi nào, trường hợp đến Trung Quốc thì báo cáo rõ thời điểm quay trở lại Việt Nam và tình trạng sức khỏe hiện tại của người đó.

DIỆU NGỌC

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/gan-9000-lao-dong-bi-anh-huong-boi-covid-19-2020022016023822.htm