Gắn bó với đảo tiền tiêu

Không chỉ yên tâm công tác, nhiều quân nhân ở Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, BĐBP Bình Thuận đã gắn bó, lấy vợ, sinh cơ lập nghiệp và coi huyện đảo tiền tiêu này là quê hương thứ hai.

Vợ chồng Chiến-Kiều hạnh phúc bên 2 con nhỏ. Ảnh: Đăng Bảy

Trên chuyến tàu khách từ Phan Thiết ra huyện đảo Phú Quý, tình cờ tôi có chung chuyến đi với Thượng tá Lê Nguyên Ngọc, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý. Sở hữu nước da sạm nắng đặc trưng của lính đảo, nên Ngọc cởi mở, dễ gần. Trong hành trình 3 tiếng đồng hồ vượt biển ra đảo, Ngọc kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm của những người lính Biên phòng giữ đảo. Ấn tượng nhất vẫn là chuyện của những chiến sĩ đã gắn bó máu thịt, tự nguyện ở lại góp phần xây dựng hòn đảo tiền tiêu này.

Đồn là nhà, đảo là quê hương

Qua câu chuyện của Ngọc, tôi biết anh cũng đã từng có 2 “tua” công tác dài hạn ngoài đảo Phú Quý. Lần đầu là từ năm 1998 đến năm 2001. Chớp mắt mà đã 21 năm, Ngọc nhớ lại, lúc đó từ đất liền ra đảo chỉ có tàu gỗ loại nhỏ, chạy từ sáng đến chiều mới tới. Ban đầu chưa quen sóng gió, gặp hôm biển động, say sóng nằm đến hôm sau mới tỉnh. Đảo còn hoang sơ lắm, dân cư thưa thớt, chưa có đường nhựa, điện lưới như bây giờ.

Ngọc kể, lần đầu tiên ra đảo, anh ở một mạch 2 năm mới vào đất liền để đi phép về quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình thăm gia đình. Nhiều người thân, bạn bè gặp lại đều không nhận ra anh vì nước da sạm màu nắng gió. Năm 2001, sau 3 năm ở đảo, được chuyển vào đất liền, lúc đó Ngọc mới có thời gian để yêu và cưới vợ. Vợ Ngọc là người cùng quê Quảng Bình, cũng công tác tại Biên phòng Bình Thuận, quân hàm Đại úy. Vừa là đồng chí, lại là đồng hương nên cũng dễ thông cảm, Ngọc tâm sự. Cứ ngỡ đã yên phận ở đất liền, nhưng đến năm 2015, Ngọc lại khoác ba lô ra đảo lần thứ 2 và ở lại cho đến nay.

Ngọc nói, tuy đã có nhiều đổi thay tiến bộ, nhưng ở đảo vẫn có những vất vả riêng, nhất là những ngày biển động. Có nhiều đồng chí gia đình ở trong đất liền, nhiều lúc vợ ốm, con đau phải cấp cứu, nhưng chồng không thể về được vì gió to, sóng lớn, tàu không chạy. Gần đây nhất là trường hợp của Trung tá, Phó Đồn trưởng Phạm Quang Quỳ. Cuối năm 2018, gia đình tổ chức đám cưới cho con gái đầu.

Vì công việc đột xuất của đơn vị nên anh Quỳ chỉ được về trước đám cưới đúng một ngày. Khổ nỗi hôm đó trời trở gió, biển động dữ dội, tàu chở khách không thể xuất bến. Tàu không chạy đồng nghĩa với việc anh Quỳ không thể vào đất liền để tổ chức đám cưới cho con gái. Trong nhà, điện thoại gọi ra liên tục, vợ giục, con gái khóc hết nước mắt. Rất may, trong lúc tưởng đã tuyệt vọng thì có một chiếc tàu của ngư dân chạy vào bờ để bán cá. Anh Quỳ như người chết đuối vớ được cọc, xách ba lô nhảy vội lên tàu, kịp về lo đám cưới cho con gái.

Dẫu biết là khó khăn, gian khổ, nhưng với lính Biên phòng thì ở đâu cũng là quê hương, đã ra đảo là gắn bó lâu dài với đảo, không muốn rời xa. Trung tá Nguyễn Chiến Sỹ, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý cũng không ngoại lệ. Sỹ quê Bảo Thắng, Lào Cai. Tốt nghiệp K10 Học viện Biên phòng, Sỹ được điều về BĐBP Bình Thuận và gắn bó với mảnh đất nhiều ân tình này từ đó đến nay. Vợ Sỹ là con gái vùng biển Tuy Phong, hiện đang làm việc tại bệnh viện huyện. Xa chồng, nên vợ Sỹ vừa làm mẹ, vừa làm cha. Việc nuôi dạy, đưa đón 2 đứa con, một mình vợ Sỹ gánh vác hết. Sỹ nói, buổi chiều các ngày nghỉ ở đảo, vô tình bắt gặp cảnh gia đình người ta quây quần, chuẩn bị bữa ăn, cũng thấy chạnh lòng, càng thấy thương vợ, nhớ con.

Tình nguyện ở lại giữ vững chủ quyền biển, đảo

Không chỉ lớp cán bộ kỳ cựu như Ngọc, Quỳ và Sỹ, mà rất nhiều cán bộ trẻ sau này cũng gắn bó với hòn đảo tiền tiêu này. Nhiều người quê ngoài Bắc nhưng yêu nghề, yêu đơn vị nên đã lấy vợ và lập nghiệp tại đảo. “Nếu tính từ trước đến nay, phải có trên 20 cặp, nhưng hiện tại, đơn vị có 6 người lấy vợ và tình nguyện gắn bó lâu dài với đảo. Số còn lại đã chuyển vào đất liền hoặc chuyển sang đơn vị khác” - Thượng tá Lê Nguyên Ngọc cho biết.

Buổi chiều trung tuần tháng 5, tôi đến thăm vợ chồng Thượng úy Phạm Nguyễn Chiến, nhân viên kiểm tra giám sát Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý. Trong căn nhà cấp 4 ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh (huyện đảo Phú Quý), cặp vợ chồng trẻ khoe với khách, cuối tháng 3-2019, vừa có thêm một bé trai. Chỉ cô con gái đầu chưa được 2 tuổi, Trần Thị Kiều (vợ Chiến) nói yêu: “Tại lỡ kế hoạch cục cưng này nên đang học Đại học Y Dược năm thứ nhất, em phải thôi học”. Chiến vui vẻ tiếp chuyện: “Bảo lưu 1 năm, dự tính con gái đầu tròn 1 tuổi đi học lại thì dính tiếp cu này”.

Chiến quê ở thành phố Lạng Sơn, trước kia từng là vận động viên whusu, cấp kiện tướng, đã từng đoạt nhiều huy chương tại các giải đấu chuyên nghiệp. Chiến kể, năm 2005, lúc 15 tuổi, được chọn lên đội tuyển trẻ whusu quốc gia, nhưng Chiến lại xin đầu quân vào Đoàn Thể dục thể thao BĐBP. Năm 2012, do chấn thương, không thể theo thể thao đỉnh cao, Chiến theo học trường Trung cấp Biên phòng 1. Ra trường, Chiến được điều đi Bình Thuận theo dạng tăng cường.

Nhưng vì quá yêu cuộc sống, con người và mảnh đất nghĩa tình nơi nhiều nắng gió này nên hết thời hạn 3 năm, anh làm đơn xin ở lại Bình Thuận luôn. Chiến nói, mỗi tháng lương được 12 triệu đồng, nhưng tiền sữa, tã cho 2 con nhỏ đã hết 8 triệu đồng và tiền thuê nhà là 1,5 triệu đồng. Tiền lương vừa nhận tay phải đã vội chuyển qua tay trái, chả dư được đồng nào. Nhưng trong căn nhà của vợ chồng Chiến-Kiều lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười lạc quan.

Cặp vợ chồng trẻ Hoàng-Vướng đang háo hức chờ đón đứa con đầu lòng. Ảnh: Đăng Bảy

Cách đó không xa là nhà Trung úy Nguyễn Minh Hoàng, nhân viên kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý. Sinh năm 1989, tại Gia Lâm, Hà Nội, năm 2014, Hoàng vào công tác tại BĐBP Bình Thuận. Theo nguyện vọng gia đình, Hoàng sẽ chuyển ra Bắc. Nhưng tình yêu biển đảo đã “cột” chân Hoàng lại với huyện đảo Phú Quý này. Vợ Hoàng là Đặng Thị Vướng, giáo viên mầm non xã đảo Ngũ Phụng. Hiện, gia đình trẻ này đang phấn khởi, tất bật chuẩn bị cho việc đón đứa con đầu lòng.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi trò chuyện với tôi, không chỉ Chiến, Hoàng mà rất nhiều anh em Biên phòng lấy vợ tại huyện đảo Phú Quý đều rất lạc quan về một tương lai tươi sáng. Bởi, họ tin vào tình yêu và nghị lực của tuổi trẻ. Bởi với họ, biên giới cũng là quê hương..

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gan-bo-voi-dao-tien-tieu/