Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm

Việc tăng cường tư vấn hỗ trợ học nghề và đào tạo kỹ năng cho người lao động phải là ưu tiên hàng đầu trong xu thế hội nhập

Trong 2 ngày 9 và 10-5, tại tỉnh Bình Dương, Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã phối hợp với Tạp chí Lao động - Xã hội tổ chức hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí.

Tư vấn cho người lao động học nghề

Đến thăm Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bình Dương, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc vui vẻ, sự chuyên nghiệp của những cán bộ đang trực tiếp làm việc tại đây. Ấn tượng hơn cả là khẩu hiệu "Đến nhận bảo hiểm thất nghiệp, về nhận được việc làm như ý" được treo trang trọng ở khu vực tiếp người lao động (NLĐ) đến liên hệ công tác.

Cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương hướng dẫn người lao động đến tìm việc làm

Cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương hướng dẫn người lao động đến tìm việc làm

Ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương, cho biết đó là khẩu hiệu để NLĐ cảm thấy yên tâm khi đến với trung tâm. "NLĐ đến đây đa phần để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và học nghề. Do vậy, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là phải bảo đảm mọi người đến đây đều được giải quyết nhanh nhất theo hướng vừa giải quyết chế độ để NLĐ có tiền trang trải cuộc sống, sau đó tư vấn để làm sao họ có được việc làm phù hợp nhất" - ông nói.

Theo ông Thắng, mọi người đến đây đều được cấp một mã số. Mã số này sẽ theo suốt trong quá trình họ sử dụng các dịch vụ tại trung tâm. Việc áp dụng mã số vào quản lý đã giúp mọi việc được liên tục liên thông với các dịch vụ của trung tâm, giúp NLĐ đơn giản các thủ tục cần thiết, công tác quản lý cũng tinh gọn, nhanh và chuyên nghiệp hơn.

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Ngọc Bắc (quê Hà Tĩnh) khi chị vừa bước ra khỏi phòng tư vấn học nghề. Chị cho biết vừa nghỉ việc ở một công ty may và đến trung tâm để làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đây là lần đầu tiên chị đến trung tâm và rất ấn tượng với cách làm việc bài bản, chuyên nghiệp tại đây.

"Tôi đã làm công nhân may hơn 20 năm rồi, giờ sức khỏe không còn tốt nữa nên muốn chuyển sang làm công việc khác nhẹ nhàng hơn, có thể làm được tại nhà. Các anh chị ở trung tâm gợi ý học nghề làm bánh và tôi cho rằng đây là đề nghị hợp lý. Tôi sẽ đến đây học nghề và sau đó sẽ tự mở một tiệm bánh nhỏ tại nhà" - chị Bắc hào hứng.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Nhiều năm qua, Bình Dương đã quyết liệt triển khai nhiều chính sách thu hút cũng như giữ chân NLĐ, đặc biệt là lao động có trình độ cao, công nhân kỹ thuật. Song song với việc thu hút đầu tư, Bình Dương còn đẩy mạnh ổn định nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển, bên cạnh đó là công tác an sinh xã hội, chăm lo cho NLĐ để họ yên tâm làm việc.

"Với việc phấn đấu trở thành đô thị thông minh trước năm 2021, một lãnh đạo tỉnh cho rằng kết nối NLĐ và người sử dụng lao động tại Bình Dương phải làm sao để người tìm việc và nhà tuyển dụng gặp nhau như người đi xe và tài xế kiểu Uber, Grab, có như thế mới là DVVL thông minh" - ông Tuyên ví von.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm

Tại hội nghị, TS Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết trong 10 năm qua, cục đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, tham mưu cho Bộ LĐ-TB-XH và các cấp thẩm quyền ban hành, điều chỉnh nhiều chính sách, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm, thị trường lao động, BHTN và quản lý lao động. Cục cũng đã thực hiện số hóa để nâng cao năng lực quản lý, trong đó chú trọng đến cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động trên phạm vi cả nước.

Theo bà Dung, cuộc cách mạng 4.0 đang đến rất nhanh. Do vậy, để bảo đảm việc làm cho NLĐ lớn tuổi, lao động chân tay, đòi hỏi nhà nước phải có cơ chế, chính sách đặc biệt. Mặt khác, với việc hội nhập thế giới sâu rộng, nhất là cộng đồng kinh tế ASEAN đã đi vào hoạt động, NLĐ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay trên sân nhà. Do đó, tăng cường tạo việc làm vững chắc cho NLĐ là việc cần quan tâm, trong đó vấn đề đào tạo kỹ năng nghề cho NLĐ là vô cùng cần thiết.

Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm, cũng trăn trở với những vấn đề mà NLĐ đang gặp phải, như chưa biết đến các thông tin về việc làm, chưa hiểu rõ về các chính sách BHTN, BHXH… Nhiều trung tâm DVVL ở một số tỉnh gặp không ít khó khăn trong công tác tuyền thông về việc làm, dẫn đến NLĐ trong khu vực đó không có nhiều thông tin.

"Công tác truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực việc làm. Sắp tới, Cục Việc làm sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để kịp thời truyền tải những chủ trương, chính sách về việc làm, lao động, kể cả cho lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, hiểu và thực hiện tốt hơn" - ông Trung nhấn mạnh.

Bà NGUYỄN THỊ HÀ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH:

Giúp NLĐ tiếp cận chính sách

Thời gian qua, công tác tuyên truyền về việc làm, quản lý lao động, BHTN chưa được quan tâm đúng mức, từ đó dẫn đến việc NLĐ và người sử dụng lao động chưa thấy được lợi ích lâu dài của chính sách BHTN, BHXH. Với sự phát triển rất nhanh của công nghệ, cách thức truyền tải thông tin trong lĩnh vực việc làm phải được đổi mới triệt để, sao cho NLĐ tiếp nhận thông tin dễ dàng và chính xác nhất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vai trò của các trung tâm DVVL trong việc hỗ trợ tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm, để các đối tượng đặc thù như thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật… ai cũng có việc làm phù hợp với khả năng của mình.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/gan-dao-tao-nghe-voi-giai-quyet-viec-lam-20180511205228877.htm