Gạn đục khơi trong ngôn ngữ giới trẻ

Trong quá trình tiếp nhận những câu từ mới lạ của giới trẻ, ngoài việc phê phán những từ ngữ, câu nói ngô nghê, phản cảm làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt, thì chúng ta, nhất là người lớn (ông bà, cha mẹ, thầy cô...) cũng nên có thái độ khoa học, gạn đục khơi trong, nhìn nhận công tâm, đánh giá khách quan vai trò của giới trẻ trong việc góp phần làm phong phú đời sống ngôn ngữ, làm giàu có ý nghĩa tiếng Việt trong thời đại mới.

Cùng với sự phát triển nhiều mặt của xã hội hiện đại, ngôn ngữ giao tiếp của con người, nhất là ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ, luôn có sự biến động, thay đổi cả ở chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều cụm từ của giới trẻ bộc lộ sự ngây ngô, hồn nhiên thái quá, thậm chí có những từ ngữ, câu chữ gán ghép vào nhau một cách cẩu thả, dễ dãi, làm biến dạng văn phong và sự trong sáng của tiếng Việt, ví như: Oách xà lách, chán như con gián, tào lao bí đao, bá đạo hạt gạo...

Gameshow truyền hình “Vua tiếng Việt” phát sóng trên kênh VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) là sân chơi bổ ích dành cho người trẻ. Ảnh: HÒA PHONG

Những người trẻ có đặc tính chung là năng động, thích những điều mới lạ, không tự bằng lòng với những gì đã có, chủ động tìm/tạo ra cách nói năng, giao tiếp hoạt bát, tươi vui, nhí nhảnh, ví như: Thích là nhích, chuẩn không cần chỉnh, sống đơn giản cho đời thanh thản, tháo gỡ chuyện khó đỡ...

Bên cạnh đó, có nhiều cụm từ do giới trẻ sáng tạo ra vừa chứa đựng nội dung mới mẻ, vừa mang ý nghĩa khá thú vị, ví như: Đời không như là mơ; đầu tháng ăn tiêu xả láng, cuối tháng lảng vảng mì tôm; yêu cuồng sống vội; tốc độ bàn thờ; mạng ảo, tù thật...

Khi bước vào đời, nhất là sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, người trẻ gặp nhiều khó khăn, thử thách trên con đường phía trước. Sau tuổi 18, người trẻ không còn sự bao bọc của bố mẹ, gia đình như thời niên thiếu, do đó mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với chính cuộc đời của mình.

Vì vậy, giới trẻ có câu “Đời không như là mơ”, ý muốn nói cuộc sống vốn phức tạp, hành trình đi tới tương lai không đơn giản, dễ dàng, suôn sẻ như điều mơ ước, mong muốn chủ quan của mình, do đó sự nông cạn, dễ dãi, hời hợt, được chăng hay chớ của người trẻ trong học tập, rèn luyện, công tác rất có thể phải trả giá bằng những thất bại, sai lầm.

Nhiều người trẻ thường phóng khoáng trong chi tiêu. Cách chi tiêu thiếu cân nhắc mà cha ông ta từng khuyên bảo: “Lúc có thì chẳng ăn dè/ Đến khi ăn hết thì dè chẳng ra” được giới trẻ thời nay biến hóa thành: “Đầu tháng ăn tiêu xả láng, cuối tháng lảng vảng mì tôm”. Tiêu xả láng là chi tiêu vô tội vạ, chi tiêu như ném tiền qua cửa sổ thì đương nhiên chỉ dăm ba ngày là cạn túi. Do đó, dăm bảy ngày sau, khi “viêm màng túi”, nhiều người trẻ lại trở về cảnh thiếu thốn, túng bấn, sống qua ngày bằng những bát mì tôm rẻ tiền, ít dinh dưỡng.

Xã hội hiện đại mở ra không gian thông thoáng, văn minh cho con người, trong đó giới trẻ là người tiếp cận, tiếp xúc với cái mới nhanh nhất, nhiều nhất. Tuy nhiên, môi trường giao lưu cởi mở cộng với sự du nhập của các luồng văn hóa ngoại lai là điều kiện thuận lợi cho lối sống nhanh, sống gấp, sống thoáng đi liền với lối sống ẩu, sống bất chấp hậu quả trong một bộ phận giới trẻ cũng có xu hướng gia tăng. Vì thế, trong giới trẻ có câu “Yêu cuồng sống vội”, với hàm ý cảnh báo nghiêm khắc về lối sống lai căng, buông thả, không phù hợp với nếp nghĩ, nếp sống nhã nhặn, chừng mực của con người Việt Nam.

Một trong những điều ám ảnh đối với nhiều người dân đi đường hiện nay là gặp phải những thanh niên choai choai, những "cậu ấm, cô chiêu" đi xe máy trên đường với tốc độ chóng mặt, hay gặp cảnh các quái xế tuổi mười tám đôi mươi rú ga nẹt pô, rượt đuổi nhau trên đường như phim hành động mạnh. Đối với những kẻ đi xe máy liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm, giới trẻ có câu “tốc độ bàn thờ”, với hàm ý cảnh báo, tốc độ đi càng nhanh thì đường ra nghĩa địa càng gần, đường lên bàn thờ càng ngắn vì nguy cơ thương vong đang cận kề trước mặt.

Thời nay, một số người, trong đó có cả người trẻ dành quá nhiều thời gian “sống” cùng thế giới mạng, say sưa bàn tán, bình luận, chia sẻ, tán phát những thông tin sai trái, thất thiệt, thậm chí độc hại mà đôi khi bản thân người trong cuộc coi đó là việc bình thường. Suy nghĩ non nớt, thái độ nông nổi, tâm lý a dua theo đám đông, "ném đá tập thể” trên mạng xã hội của một số người cứ tưởng là vô hại, không ai biết, không ai hay, nhưng thực ra đó là hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Thế nên, giới trẻ có câu “mạng ảo, tù thật”, với hàm ý cảnh báo những ai đó còn có suy nghĩ mạng xã hội là không gian ảo, là cái chợ trời, thích gì nói ấy, nói xằng nói quậy thì nhất định sẽ có lúc vào nhà đá bóc lịch!

Điểm qua một số câu nói thể hiện ý tứ mới mẻ của giới trẻ thời nay để thấy rằng, một mặt ngôn ngữ không phải nhất thành bất biến, mà luôn có sự sinh sôi, phát triển như chính cuộc sống xã hội; mặt khác, cuộc sống phong phú, muôn màu muôn vẻ và chứa đựng cả hai mặt hay-dở, tốt-xấu, đúng-sai, sâu sắc-hời hợt... trong suy nghĩ, thái độ, quan niệm, hành vi của giới trẻ ở xã hội hiện đại và thời đại hội nhập đã góp phần tạo ra những cụm từ mới, cách nói mới, ý nghĩa mới.

Trong quá trình tiếp nhận những câu từ mới lạ của giới trẻ, ngoài việc phê phán những từ ngữ, câu nói ngô nghê, phản cảm làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt, thì chúng ta, nhất là người lớn (ông bà, cha mẹ, thầy cô...) cũng nên có thái độ khoa học, gạn đục khơi trong, nhìn nhận công tâm, đánh giá khách quan vai trò của giới trẻ trong việc góp phần làm phong phú đời sống ngôn ngữ, làm giàu ý nghĩa tiếng Việt trong thời đại mới.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/gan-duc-khoi-trong-ngon-ngu-gioi-tre-5004262.html