'Gạn đục khơi trong' vốn đầu tư Trung Quốc

Vốn đầu tư Trung Quốc đi vào Việt Nam qua nhiều hình thức khác nhau và thường thiếu tính minh bạch, tuy nhiên không vì thế mà ngăn chặn dòng vốn này. Vấn đề là cần phải có những chính sách chặt chẽ để sàng lọc, tránh những tiêu cực xảy ra. ĐTTC ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này

Ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại:

Minh bạch hóa để tránh định kiến

Thực tế, thời gian qua có nhiều định kiến không tốt về dòng vốn đầu tư của Trung Quốc. Tuy nhiên, không riêng Trung Quốc, trong mối quan hệ làm ăn với bất kỳ đối tác nào, có lẽ chúng ta cần xem xét lại trách nhiệm từ chính mình, thay vì chỉ biết đổ lỗi cho người khác.

Chúng ta cần phải tỉnh táo, công bằng hơn khi đánh giá về hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Tôi khẳng định rằng, bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng quyền lựa chọn dự án và đối tác nhà thầu là ở chúng ta.

Tôi lấy thí dụ, Trung Quốc được đánh giá là nước rất giỏi về xây dựng hạ tầng, nhưng tại sao dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại có thực trạng như hiện nay? Lỗi phía nhà thầu đã rõ, nhưng trong đó cũng có lỗi của chính chúng ta. Chúng ta chưa giám sát chặt chẽ, một số cơ quan chức năng đã buông lỏng trách nhiệm.

Thời gian tới, theo dự báo dòng vốn Trung Quốc có thể sẽ ngày càng nhiều hơn. Do đó, không còn cách nào khác chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của chính mình và cần minh bạch hóa hơn để tránh những định kiến không hay, cũng như siết chặt khâu sàng lọc và giám sát, để dòng vốn này khi đầu tư ở Việt Nam thực sự hiệu quả.

PGS.TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Chính sách (VEPR):

Chọn lọc dòng vốn FDIViệc xác định quy mô nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam rất khó. Hiện không ít doanh nghiệp Trung Quốc đã đi qua bên thứ ba (các thị trường có tín nhiệm và nhận được sự tin tưởng như Nhật Bản, Hồng Kông…) để lập pháp nhân đầu tư vào Việt Nam được thuận lợi hơn.

Xét theo đối tác, Trung Quốc tiếp tục trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, với tổng số vốn đăng ký mới 1.677 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc 1.239 triệu USD, Nhật Bản 972 triệu USD, Hồng Kông 920,8 triệu USD.

Hiện nay, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao, cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, đã khiến Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam. Hiện tại, vốn đăng ký mới của Trung Quốc đã chiếm 22,6% tổng vốn.

Nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam rất đặc biệt so với các nước khác. Đó là chủ yếu đi qua hình thức làm tổng thầu EPC, chứ không chỉ qua đầu tư trực tiếp (FDI) hay ODA.

Thực tế vốn FDI vào Việt Nam tăng liên tục từ năm 2012 nhưng quy mô vốn của Trung Quốc tăng không nhiều, chiếm 8% tổng vốn FDI năm 2012 và tăng lên 10% năm 2019.

Nếu chúng ta không chọn lọc, doanh nghiệp FDI Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động môi trường và điều kiện lao động. Những điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

TS. PHẠM SỸ THÀNH, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc thuộc VEPR:

Thận trọng với EPCTrong thời gian qua, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam dưới hình thức tổng thầu EPC đã để lại hệ quả về kỹ thuật, tác động môi trường và chậm tiến độ. Thực tế, vốn Trung Quốc dù lãi suất thấp cũng không rẻ hơn so với EU, Nhật Bản. Bởi tổng thầu Trung Quốc thường tính thêm các chi phí liên quan đến hợp đồng. Khi cộng lãi, mức lãi suất thực tế của nước này xấp xỉ các nước có công nghệ tiên tiến.

Đơn cử, ở lĩnh vực nhiệt điện, 2 nhà máy nhiệt điện Hải Dương (EPC Trung Quốc) và Mông Dương 1 (EPC Hàn Quốc) cùng được đưa ra cuối năm 2011, đầu năm 2012. Trong khi tổng thầu nhà máy Hải Dương 1 nhiều lần xin gia hạn tài chính, lùi tiến độ và đến tháng 7-2018 mới thi công được 30% tiến độ, thì nhà máy Mông Dương đã hoàn thành cả 2 tổ máy vào năm 2015.

Về kỹ thuật, nếu so sánh giữa nhà máy nhiệt điện Na Dương (EPC Nhật Bản) và Cẩm Phả (EPC Trung Quốc), nhà máy do Trung Quốc phụ trách nhiều lần xảy ra sự cố với hậu quả nghiêm trọng, nhiều lần phải dừng hoạt động do cháy nổ, hư hỏng...

Ngoài ra, trong số 30 nhà máy nhiệt điện của EPC Trung Quốc đang được vận hành, 19 nhà máy có các phản ánh về vấn đề môi trường. Như trường hợp nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xây dựng gần khu dân cư, khiến khí thải từ ống khói trực tiếp xả ra môi trường đã gây ra nhiều tác động ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Ngoài ra, nhà máy còn vi phạm hàng loạt quy định khác, như không thực hiện biện pháp che phủ bụi than đúng tiêu chuẩn, vận chuyển chất thải không đúng quy trình và thiếu bạt che, xả thải trái phép, vận hành hệ thống xử lý nước thải sai quy định.

Hậu quả trên cho thấy, ngoài các nguyên nhân chủ quan với sự vô trách nhiệm từ phía tổng thầu, chủ đầu tư còn có cả các nguyên nhân khách quan đến từ các cơ quan quản lý, do cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa quy hoạch về xử lý và quản lý chất thải đồng bộ với quy hoạch phát triển ngành điện than.

TS. VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Cần sàng lọc kỹKhi bàn về câu chuyện vốn Trung Quốc rót vào Việt Nam phải luôn đặt lý trí lên hàng đầu. Không riêng gì Trung Quốc, khi làm ăn với bất kỳ đối tác nào cũng cần phải có cái đầu “lạnh”, tỉnh táo.

Mới đây, tôi có dự cuộc hội thảo về kinh tế, khi nói về vấn đề vốn đầu tư Trung Quốc, 1 nhà khoa học người Thái Lan đã hỏi tôi: Người ta hay nói về vốn Trung Quốc không “xanh”, không “sạch” và lại đắt. Nhưng tại sao vẫn rất nhiều nơi chấp nhận dòng vốn này, ngay cả một số nước EU?

Rõ ràng, câu chuyện ở đây là vấn đề sàng lọc, lựa chọn dòng vốn đó như thế nào. Chúng ta cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để có thể “gạn đục khơi trong” đối với vốn đầu tư Trung Quốc.

Lưu Thủy (ghi)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/gan-duc-khoi-trong-von-dau-tu-trung-quoc-70867.html