Gần gũi thiên nhiên với biophilic design

Xu hướng thiết kế biophilic design chú trọng việc kết nối con người với các yếu tố từ thiên nhiên, tạo ra không gian chữa lành ngay tại nhà.

Phong cách biophilic design gần gũi thiên nhiên mang lại sự thoải mái cho gia chủ

Ngồi nói chuyện kiến trúc, một người em làm kiến trúc sư đưa ra loạt bản vẽ phong cách biophilic design. Em bảo: “Dịch bệnh, thiên tai, tình trạng trái đất nóng lên hay những áp lực cuộc sống khiến nhiều người cần một không gian chữa lành ngay tại nhà. Phong cách thiết kế biophilic design có sự kết nối tối đa giữa thiên nhiên và kiến trúc nội thất hiện nay đang được ưa chuộng và dự báo là xu hướng thiết kế cho cả thập kỷ tới”.

Phong cách thiết kế nội thất biophilic design (thiết kế ưa sinh học hay còn gọi là thiết kế sinh thái) có nguồn gốc từ khái niệm “Biophilia” của nhà khoa học Edward O. Wilson vào những năm 1980. Biophilia nói đến khả năng tự nhiên của con người có một mối liên kết sâu sắc với tự nhiên và thế giới sống xung quanh. Từ khái niệm “Biophilia”, biophilic design được phát triển như một phương pháp thiết kế nội thất và kiến trúc nhằm tái tạo và tăng cường sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên trong không gian sống và làm việc. Nó giúp tái tạo các yếu tố tự nhiên trong môi trường xây dựng và tạo ra một không gian hài hòa, thoải mái và cải thiện sức khỏe.

Mặc dù sự sáng tạo là không giới hạn, nhưng đã theo phong cách biophilic design thì vẫn tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Trong đó, thiết kế biophilic cần có sự góp mặt của những yếu tố thiên nhiên ngay trong không gian nhà ở. Những yếu tố đó thường là cây xanh, nước, ánh sáng tự nhiên, gió trời, sỏi, đất, gỗ, đá… Những người theo phong cách thiết kế này cũng thường ưu tiên sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ, đá, tre và gốm sứ để tạo ra một không gian chất lượng cao, gần gũi và bền vững.

Một số kiến trúc sư cho biết, trước đây, biophilic design nằm trong những mảng tường dán giấy in hoa lá từng gây sốt khắp châu Mỹ, hoặc ở quy mô lớn hơn là những khuôn viên của các doanh nghiệp trong làn sóng dịch chuyển trụ sở từ thành thị về nông thôn. Phong cách biophilic thời nay hướng tới việc thỏa mãn mọi giác quan bằng cách tận dụng ánh sáng mặt trời, sử dụng cây cối, vật liệu gỗ, tre nứa trong kiến trúc. Hiện nay, nội thất trang trí mang hình dáng hoa lá xuất hiện nhiều ở những ngôi nhà mới. Một số gia chủ theo đuổi phong cách sống xanh còn đầu tư cả một hệ sinh thái thu nhỏ với tiểu cảnh giếng trời, hồ cá koi để thu hẹp khoảng cách với thiên nhiên. Tuy nhiên, dù được thiết kế thẩm mỹ ra sao, biophilic design vẫn cần đáp ứng được những nguyên tắc cơ bản của một công trình dân dụng: an toàn, tiện nghi, phục vụ đời sống.

Điểm đặc biệt là từ chính những yếu tố đặc trưng, biophilic design tạo dựng một không gian chữa lành. Thiết kế biophilic tạo nên những góc nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái ngay tại nhà. Nguyễn Thiên Ân, một gia chủ chọn lựa phong cách thiết kế này cho biết: “Đôi khi công việc bận rộn, không có thời gian lựa chọn những chuyến đi du lịch thì lựa chọn mình theo đuổi cũng là cách giúp gia đình mình tận hưởng bầu không khí thư giãn, gắn liền với phong cảnh thiên nhiên. Việc tối đa hóa ánh sáng tự nhiên có thể tăng hiệu quả học tập của con trẻ từ 20 - 26%”.

Theo các kiến trúc sư, hiện nay, biophilic design đã trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành thiết kế nội thất và kiến trúc, với mục tiêu là tạo ra những không gian sống và làm việc hòa nhập với thiên nhiên, tạo cảm giác thoải mái, sảng khoái và tạo động lực cho con người.

Bài: Minh Tâm - Ảnh: Nghiện Nhà Đẹp

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/gan-gui-thien-nhien-voi-biophilic-design-138622.html