Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật

Ngay sau báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tóm tắt đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 và công tác triển khai các luật, nghị quyết, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành trên 1.000 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 04 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành, bảo đảm nguồn lực cho việc thi hành luật, nghị quyết.

Về triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội cần chủ động phối hợp chặt chẽ “từ sớm, từ xa” với các Bộ, cơ quan chủ trì dự án; tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn, chú trọng phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận tập thể, cho ý kiến kỹ các nội dung quan trọng, vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật cả trong quá trình soạn thảo và tiếp thu, chỉnh lý. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực thực hiện phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, bảo đảm pháp luật được ban hành phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, có tính khả thi cao.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/gan-ket-chat-che-giua-xay-dung-phap-luat-voi-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-188536.htm