Gắn kết du lịch với bảo tàng: Tìm 'chìa khóa' để phát triển

Bộ VHTTDL vừa phê duyệt Đề án 'Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch'. Đây được xem là chất 'kết dính' mới giữa các đơn vị bảo tàng với cộng đồng xã hội.

Bảo tàng và du lịch sẽ nhiều chất kết dính hơn trong thời gian tới.

Nhìn thẳng vào sự thật

Theo thống kê của Bộ VHTTDL, hiện nay cả nước có 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập. Trong những năm gần đây, một số bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh đã bước đầu đổi mới trung bày theo định hướng tăng cường các hiện vật gốc, áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, thu hút khách tham quan.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc gắn kết chưa thực sự đạt được hiệu quả cao, khách du lịch đến bảo tàng còn ít, nhận thức chưa đầy đủ… vì vậy, chưa tạo được động lực để góp phần thúc đẩy sự phát triển của hai phía.

Theo Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thế Hùng, phải thừa nhận nhiều bảo tàng đầu tư cho nội dung chưa tương xứng. Ở nước ngoài đầu tư ngôi nhà một thì đầu tư cho nội dung là 1 và 1,5 nhưng ở Việt Nam đầu tư cho ngôi nhà 1 thì đầu tư cho nội dung chưa đến 1. Cho nên nội dung chưa thật sự hấp dẫn. Trong chuẩn bị nội dung trưng bày chưa mạnh dạn đổi mới. Việc sưu tầm hiện vật và kinh phí cho sưu tầm hiện vật là rất thấp. Sự liên kết giữa bảo tàng với giáo dục, du lịch chưa thật sự chặt chẽ. “Ngoài chức năng lưu giữ, bảo tồn và trưng bày hiện vật, các bộ sưu tập, bảo tàng còn là nơi nghiên cứu, tìm hiểu của giới chuyên môn, là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong lịch trình các tour du lịch. Tuy nhiên trên thực tế tại nước ta chỉ một số rất ít bảo tàng thực hiện được điều này” - ông Hùng nhìn nhận.

Đồng quan điểm, TS.KTS Dương Đình Hiền- Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng: “Chìa khóa” để giải quyết triệt để mọi vấn đề chính là tư duy của người làm công tác quản lý, nhận thức của người dân và kinh phí. Cần phải có kinh phí để “nâng cấp”, quảng bá hình ảnh bảo tàng, di tích, để trả công xứng đáng cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này, giúp họ có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn và tận tâm với công việc. Cùng với đó, cần xác định hệ thống bảo tàng là điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch của quốc gia để khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch có sự tham gia tích cực của hệ thống bảo tàng.

Thay đổi toàn diện

Có thể thấy, khi đã biết được “bệnh” thì việc cứu chữa nó dù “muộn còn hơn không”. Ở đó, Đề án mới được phê duyệt sẽ tạo sự chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để các bảo tàng bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; là lựa chọn ưu tiên trong những hình thức khám phá, vui chơi giải trí, đủ sức hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch.

Đặc biệt, về mục tiêu cụ thể đến năm 2021, các bảo tàng được đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; Số lượng khách tham quan bảo tàng hàng năm tăng bình quân 10%, trong đó ưu tiên phát triển đối tượng khách tham quan là học sinh, sinh viên; Đội ngũ viên chức, người lao động của các bảo tàng được nâng cao về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động phục vụ để đem tới sự hài lòng đối với khách tham quan. Đối tượng thực hiện là các bảo tàng công lập (gồm 126 bảo tàng).

Cùng với đó để tháo gỡ những “bất cập” vốn tồn tại nhiều năm của ngành bảo tàng trong suốt nhiều năm qua, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa tại bảo tàng để khắc phục tình trạng trùng lặp giữa các bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội, bảo tàng cấp tỉnh và sự khô cứng, thiếu hấp dẫn của các trưng bày hiện tại; Đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các đối tượng công chúng, từng bước xây dựng và nâng cao thương hiệu của bảo tàng; Đổi mới, mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng công chúng; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện, như giải pháp về tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về cơ chế, chính sách và tài chính; Giải pháp về tăng cường sự gắn kết hoạt động của các bảo tàng với các doanh nghiệp du lịch; Giải pháp về tuyên truyền; Giải pháp về đẩy mạnh hợp tác quốc tế…

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/gan-ket-du-lich-voi-bao-tang-tim-chia-khoa-de-phat-trien-tintuc430032