Gắn nông nghiệp với dịch vụ, thúc đẩy nông thôn văn minh, nông dân giàu có

Chỉ chiếm khoảng 6% trong cơ cấu GRDP của Quảng Ninh nhưng nông nghiệp có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, tạo việc làm và ổn định đời sống cho hơn 36% dân số.

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đến thăm mô hình nông nghiệp tiêu biểu ở huyện biên giới Bình Liêu. Ảnh: Anh Thắng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đến thăm mô hình nông nghiệp tiêu biểu ở huyện biên giới Bình Liêu. Ảnh: Anh Thắng.

Trong những năm qua, nông nghiệp Quảng Ninh có nhiều bước phát triển, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần nhân dân được nâng cao; góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM và Nghị quyết của BCH TW Đảng về nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống sang các loại cây có giá trị kinh tế (cây ăn quả, cây dược liệu, rau sạch, lúa chất lượng cao…) và các cây trồng làm thức ăn cho chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi qui mô nông trại hiện đại, trang trại, tập trung các đối tượng chủ lực như: bò, lợn, gia cầm,...

Chuyển dịch nuôi trồng thủy sản từ bán thâm canh, quảng canh sang thâm canh, tốc độ tăng trưởng NTTS hàng năm đạt 8%; phát triển đội tàu khai thác thủy sản xa bờ, thực hiện nghiêm công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với thực hiện chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu.

Công tác trồng và bảo vệ rừng được chuyển theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững, xã hội hóa nghề rừng được đẩy mạnh, khuyến khích mô hình kinh tế trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng. Tăng cường đầu tư hạ tầng sản xuất, đặc biệt hệ thống thủy lợi đầu tư theo hướng đa mục tiêu vừa phòng chống thiên tai, vừa cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, công nghiệp dịch vụ, du lịch.

Nông nghiệp Quảng Ninh chuyển dịch từ trồng trọt sang chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản, phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ của ngành nông, lâm, thủy sản đạt trung bình 3,5%/năm, cơ cấu kinh tế GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,86% (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra), tăng tỷ trọng lĩnh vực thủy sản từ 47,4% năm 2015 lên 56,9% năm 2019.

Phát triển sản phẩm chủ lực có thế mạnh, lợi thế của địa phương gắn với 17 vùng sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích gần 5.000ha, bao gồm: Vùng trồng lúa chất lượng cao ở TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn ở TX Quảng Yên; vùng trồng hoa tại TP Hạ Long; vùng chăn nuôi tôm ở Đầm Hà, Móng Cái; vùng nuôi trồng nhuyễn thể ở Vân Đồn… làm cơ sở xây dựng các thương hiệu sản phẩm và tạo nguyên liệu cho việc sơ chế, chế biến, đưa nông sản đến với người tiêu dùng thông qua Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm, tạo tiền đề thực tiễn để nhân rộng trên quy mô toàn quốc.

Hệ thống các chính sách phát triển sản xuất hàng hóa được quan tâm ban hành và thực thi có hiệu quả, đồng bộ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM gồm:

Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp, chính sách đặc thù khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất; các cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học vào sản xuất, hỗ trợ chế biến, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch theo chuỗi liên kết và khuyến khích người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất.

Trong 5 năm, tỉnh bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất.

Coi trọng ứng dụng KHCN vào sản xuất và vai trò của DN trong phát triển kinh tế nông thôn: Tỉnh đã và đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều; 2 Khu nông nghiệp công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản và Chăn nuôi bò sữa tại Đầm Hà.

Các trung tâm công nghệ cao này sẽ đóng vai trò là các hạt nhân công nghệ, kỹ thuật chuyển giao cho 17 vùng sản xuất tập trung của tỉnh.

Nhiều tập đoàn, DN lớn cũng đã quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh với quy mô hàng hóa, tập trung, hiện đại như Tập đoàn Vingrop; Tập đoàn BIM; Tập đoàn Thủy sản Việt Úc; Công ty TNHH Phú Lâm...

Mô hình trồng na bở ở Quảng Yên được thực hiện theo đề án chuyển đổi cây trồng đạt được nhiều hiệu quả, tăng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Anh Thắng.

Cùng với sản xuất phát triển, đến nay bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, vai trò, nhận thức của người dân về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt đã tạo được sự lan tỏa đến các vùng miền của tỉnh.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%, người dân giảm nghèo bền vững.

Đến nay, 89/98 xã (91%) đạt chuẩn NTM (trong đó có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao); 5 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là xã đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển KT-XH trong nhiệm kỳ tới, ngành nông nghiệp Quảng Ninh phát huy các lợi thế sẵn có, khắc phục những tồn tại hạn chế, thực hiện gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với dịch vụ, công nghiệp để thúc đẩy hiện đại hóa ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn văn minh, nông dân Quảng Ninh giàu có.

Để thực hiện nhiệm vụ ngày, ngành nông nghiệp xác định triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển lâm nghiệp bền vững; nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển thủy sản và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng công nghệ cao, hiện đại: Phát triển chăn nuôi quy mô nông trại hiện đại, trang trại, tập trung, chuyển dịch nuôi trồng thủy sản từ bán thâm canh, quảng canh sang thâm canh và siêu thâm canh, hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản xa bờ... Gắn kết quá trình đô thị hóa - công nghiệp hóa - hiện đại hóa với xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Phát triển sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa lớn, nông nghiệp sạch sản xuất hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế tỉnh Quảng Ninh; Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh và của địa phương gắn với Chương trình OCOP góp phần cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn phục vụ du lịch, dịch vụ thương mại, lao động ngành công nghiệp, nhân dân và xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế, đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện của từng thị trường.

Kêu gọi thu hút các DN đầu tư đồng thời thúc đẩy phát triển DN địa phương, hình thành các tổ chức sản xuất phù hợp, thúc đẩy liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thực hiện đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ chuyên môn hóa, công nghiệp chế biến nông sản; hỗ trợ phát triển các DN nhỏ và vừa, cơ sở công nghiệp nông thôn; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách phát triển ngành nông nghiệp; thực hiện tốt công tác hỗ trợ, đồng hành cùng tổ chức, cá nhân đặc biệt nông dân trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành kinh tế khác trên địa bàn; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống của các hộ gia đình ở khu vực nông thôn.

Với mong muốn tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị và phát triển bền vững nhằm nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị, nông thôn và miền núi, hải đảo, ngành NN-PTNT sẽ phối hợp và đồng hành của các cơ quan, DN và người dân để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh.

Đ.Bắc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/gan-nong-nghiep-voi-dich-vu-thuc-day-nong-thon-van-minh-nong-dan-giau-co-d273716.html