Gần Tết, cô gái hối hận vì tiêm chất làm đầy khiến cằm sưng và bầm tím đáng sợ

'Bị thâm tím sau khi tiêm chất làm đầy là do người tiêm đã tiêm đúng vào mạch máu. Có nghĩa là mũi tiêm làm chảy máu trong tổ chức gây xung huyết ra bên ngoài'.

Cằm sưng, bầm tím sau khi tiêm chất làm đầy

Cô gái trẻ T.T.Tr. khiến nhiều người hoảng hốt khi chia sẻ trên trang cá nhân hình ảnh chiếc cằm bị sưng và bầm tím sau khi tiêm chất làm đầy. Đây là một phương pháp được rất nhiều người áp dụng để nâng mũi, độn cằm, bơm môi... thời gian gần đây nên hình ảnh của Tr. không khỏi khiến mọi người ngỡ ngàng. Dự định làm đẹp để đón Tết Nguyên Đán, nhưng đẹp đâu chẳng thấy chỉ thấy cằm sưng bầm tím, xấu xí, chị Tr. rất hối hận và chỉ mong tìm cách nào để giảm đau thật nhanh.

“Các mẹ có ai tiêm filler xong mà sưng với tím bầm ở cằm lên chưa em vừa tiêm xong sưng to quá có cách nào cho nó xẹp nhanh không ạ mách cho em với”, chị Tr. đã cho biết.

Chị Tr. nhận định mình thuộc vào dạng cơ địa siêu dữ, trước đó cũng đã từng tiêm chất làm đầy vào mũi và cũng bị sưng và bầm tím sau 2 tuần mới khỏi. Lần này làm cằm thì thâm tím sưng như quả bóng khiến cho chị không có thể tự tin đi ra ngoài, nhất là lại gần tới Tết.

Cô gái trẻ bị xung huyết cằm sau khi tiêm chất làm đầy nghĩ mình có cơ địa dữ.

“Tiêm chất làm đầy bị sưng là không tránh khỏi. Giờ gần Tết rồi em đang rất hối hận vì làm sát ngày quá đây. Tết này chắc chẳng dám ra đường….”, chị Tr. chia sẻ.

Chia sẻ của chị tr. đã nhận được rất nhiều bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng. Một số chị em chia sẻ việc bị bầm tím sau khi tiêm chất làm đầy là do cơ địa của từng người. Người có cơ địa lành (da lành) thì tiêm xong hầu như không bị bầm tím, người có cơ địa dữ (da dữ) tiêm chất làm đầy rất dễ bị bầm và lâu khỏi.

Cô gái có tên L.C chia sẻ: “Bị bầm tím sau khi tiêm chất làm đầy là do cơ địa đó bạn. Mới tiêm thì bạn đừng chườm ấm nhé, kể cả chườm mát. Vài hôm hãy chườm. Lười chườm mua long huyết uống là hết”.

Còn chị N.N thì cho rằng, việc bầm tím sau tiêm chất làm đầy là do chị Tr. khi tiêm đã gồng lên mới bị tụ máu.

Ngoài ra, một số chị em còn cho rằng cằm của chị Tr. bị bầm tím có thể là do tiêm phải chất làm đầy rởm, có chứa silicon nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Còn chất làm đầy xịn tiêm sẽ không có chuyện bị sưng và bầm tím.

Cằm bị xung huyết là do tiêm chất làm đầy vào mạch máu

Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) về vấn đề tiêm chất làm đầy có bị sưng và xung huyết hay không, bác sĩ cho biết:

“Bệnh nhân bị sưng, phù nề sau khi tiêm chất làm đầy vẫn có thể xảy ra. Nhưng tỷ lệ sưng thường rất thấp. Tiêm chất làm đầy xong thì vùng được tiêm sẽ được làm đầy và thường có phản ứng. Sưng và phù nề là phản ứng của cơ thể sau khi tiêm chất làm đầy vào cùng được tiêm. Tuy nhiên, mức độ sưng và phù nề của bệnh nhân thường rất nhẹ”.

Trường hợp bệnh nhân tiêm chất làm đầy xong bị thâm tím, không liên quan tới cơ địa như các chị em vẫn lầm tưởng. “Bị thâm tím sau khi tiêm chất làm đầy là do người tiêm đã tiêm đúng vào mạch máu. Có nghĩa là mũi tiêm làm chảy máu trong tổ chức gây xung huyết ra bên ngoài. Bệnh nhân sẽ có hiện tượng bị sưng và xung huyết nhẹ”, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn nói.

Cằm bị thâm tím, xung huyết là do người tiêm đã tiêm chất làm đầy đúng vào mạch máu.

PGS.TS Nguyễn Tài Sơn cho biết, tụ huyết sau khi tiêm chất làm đầy thường sẽ tự tan sau 4-5 ngày. Trường hợp bệnh nhân bị tụ huyết nhiều thì sẽ phải lấy ra và thường họ phải trải qua các giai đoạn: thâm – tím – xanh – vàng – trắng.

Trong trường hợp bệnh nhân sau khi tiêm chất làm đầy bị xung huyết dưới da có thể dùng thuốc Alpha Choay uống để giảm tình trạng sưng phù nề. Liều dùng không quá 6 viên/ ngày. Tuyệt đối không uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngọc Minh

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/tu-van-lam-dep/gan-tet-co-gai-hoi-han-vi-tiem-chat-lam-day-khien-cam-sung-va-bam-tim-dang-so-20170123104113082.htm