Gần Tết, nóng chuyện vay 'nóng'

Hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp, không chỉ tập trung tại những khu đô thị - nơi có hoạt động giao thương, kinh tế sầm uất, mà còn có xu hướng lan rộng đến vùng nông thôn, miền núi. Ðến dịp cuối năm, khi nhu cầu vay vốn kinh doanh, mua sắm,… của người dân, các hộ tiểu thương tăng cao càng khiến tín dụng đen với lãi suất cao ngất ngưởng 'nóng' trở lại.

Ðoàn viên, thanh niên thị trấn Hòa Vinh và Công an huyện Ðông Hòa (tỉnh Phú Yên) tuyên truyền đến người dân về các thủ đoạn cho vay nặng lãi. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Vay lãi cao lo tiền Tết

Cuối năm, nhu cầu tiền càng lớn thì tín dụng đen càng bùng phát mạnh, diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng vào thời điểm này, hình thức vay “nóng” diễn ra khá phổ biến. Theo đó, người vay sẽ nhận được ngay lập tức số tiền mình cần để trang trải chi tiêu, trả lãi theo ngày và có thể trả nợ gốc vào một thời điểm nào đó (theo thỏa thuận với người cho vay). Chị Nguyễn Bích Thủy, chủ một cửa hàng bán hoa và tạp hóa, đồ lưu niệm tại Hà Nội đang là một trường hợp như vậy. Bên cạnh bán đồ lưu niệm, chị Thủy đầu tư thêm cửa hàng bán hoa tươi. Sau ngày khai trương đúng vào dịp 8-3 buôn bán đắt hàng, đến 20-10 chị thu được một món “hời” kha khá. Nhưng đến dịp 20-11 vừa qua, vì vừa phải gom tiền để đặt hoa cung ứng cho mùa vụ, còn tới ngày đáo hạn chị Thủy phải trả khoản 100 triệu đồng vay ngân hàng từ năm trước. Do vậy, chị buộc phải tìm đến tín dụng đen để vay “nóng” 100 triệu đồng với lãi suất lên tới 2,5 triệu đồng/ngày. “Trả lãi rất xót ruột nhưng tôi vẫn phải vay và cam kết trong vòng 5 ngày sẽ trả đủ. Cũng may ngân hàng làm thủ tục nhanh nên đến ngày thứ tư, sau khi đáo hạn khoản cũ và được giải ngân khoản vay mới, tôi ngay lập tức trả hết số tiền vay nóng này” - chị Bích Thủy chia sẻ.

Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương như hộ gia đình chị Thủy cần vốn dịp cuối năm, mà rất nhiều người dân, công nhân lao động cũng có nhu cầu chi tiêu cần tiền mặt. Anh Nguyễn Quốc Trung, nhân viên tại Khu công nghiệp Quế Võ (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, anh và nhiều người khác trong khu công nghiệp cũng phải tìm đến hình thức vay “nóng” mỗi khi cần tiền gấp. “Làm việc xa nhà cả năm nên mỗi dịp Tết được nghỉ về quê, tôi phải cố lo sao cho chu đáo. Quà cho vợ con, rồi tiền biếu bố mẹ hai bên,… Trong khi tiền thưởng công ty đâu có trả một lần mà giữ lại một phần, sau Tết mới thanh toán. Do vậy khi có việc, tôi đã đặt xe máy, vay nóng một khoản tiền lãi suất cao để giải quyết. Ra Tết, lĩnh nốt tiền, mới đến chuộc xe về” - anh Trung tâm sự.

Theo khảo sát, lãi suất của tín dụng đen hiện đã ở mức đáng báo động khi càng ngày càng cao. Tại Hà Nội, thời điểm cách đây khoảng 3 đến 4 năm, lãi suất cho vay chỉ trung bình khoảng 1.500 đồng/triệu/ngày thì hiện nay mức này đã tăng, dao động từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu/ngày (với những khoản vay không có thế chấp, mức lãi sẽ cao hơn, lên 7.000 đồng đến 9.000 đồng/triệu/ngày). Cá biệt như với hình thức vay “nóng” theo ngày, thì với mức vay 10 triệu đồng, người vay còn phải trả lãi lên tới từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày; còn vay theo tháng, với 10 triệu đồng thì người vay phải trả lãi từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.

Nỗ lực ngăn chặn

Lãi suất vay “cắt cổ”, nhưng trên thực tế không ít người vẫn phải tìm đến tín dụng đen, thậm chí không chỉ một lần. Những hình thức vay như kể trên, đem đến cái lợi trước mắt cho người vay là ngay lập tức có tiền để giải quyết công việc. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này cảnh báo hệ lụy khôn lường, nếu trường hợp người vay không trả nợ đúng hạn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) Hà Huy Tuấn, tín dụng đen nở rộ tại Việt Nam bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, nó xuất phát từ nhu cầu của người dân, vay tín dụng đen khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như vay ngân hàng. Cũng có tình trạng dùng nguồn vay từ tín dụng đen để trả nợ ngân hàng. Cùng với đó là sự phát triển công nghệ thông tin khiến cách tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay thuận tiện…

Nhiều quan điểm thẳng thắn nhìn nhận, trên thế giới, tín dụng đen đã tồn tại từ rất lâu, dù không được công nhận. “Tín dụng đen không hoàn toàn là xấu vì nó có những mặt tạo điều kiện cho người vay tiền. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải thể chế hóa, chính thức hóa tín dụng đen như thế nào? Cần đưa vào khuôn khổ ra sao để điều tiết thị trường này” - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Cam-pu-chia Warrick Cleine chia sẻ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cũng cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, bản chất của tín dụng đen là hoạt động cho vay dân sự, không qua các tổ chức tài chính tín dụng chính thức. Tín dụng đen hay tín dụng không chính thức thường phục vụ cho nhu cầu vay vốn rất nhanh, “nóng” và cần phải xử lý gấp về mặt thời gian nên các điều kiện cho vay rất nhanh gọn. Lãi suất cho vay rất cao, dựa trên các thỏa thuận giữa các bên, không cần cam kết.

Những năm qua, Chính phủ và NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thông qua các kênh cho vay như Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân đã phần nào giải quyết nhu cầu về tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. “Nhưng trên thực tế còn một bộ phận doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn gấp. Trong khi với các tổ chức tín dụng cần phải có thời gian để thẩm định và cho vay, thực hiện quy định về phòng ngừa rủi ro,…” - người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thẳng thắn nhìn nhận. Vì vậy, NHNN cần tiếp tục đưa ra các giải pháp, như: tạo điều kiện cho các ngân hàng như Agribank, quỹ tín dụng nhân dân mở các chi nhánh, cung ứng các dịch vụ thanh toán, tiếp cận với dịch vụ ngân hàng qua hình thức ngân hàng lưu động, áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân; tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô, các quỹ tín dụng nhân dân nâng cao chất lượng hoạt động để nâng cao chất lượng vốn vay; chỉ đạo các tổ chức tín dụng giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn;…

Theo Phó Chánh thanh tra NHNN Phạm Huyền Anh, do hoạt động “ngầm” nên phần lớn các vụ việc liên quan đến tín dụng đen chỉ được phát hiện khi đổ vỡ. Mặc dù cơ quan thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan tín dụng đen, đưa thông tin cảnh báo người dân nhưng tình trạng này vẫn phát triển, nhất là trong thời gian gần đây. Nhằm hạn chế tình trạng này, hệ thống ngân hàng cần hoàn thiện cơ chế chính sách về cho vay, bao gồm cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Các ngân hàng cần tiếp tục đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay bảo đảm quy định và tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và thủ tục vay, nhất là cho vay với các hộ nông dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất ở khu vực nông thôn. Ðồng thời, cần phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phù hợp từng đối tượng khách hàng, công khai các mức lãi suất, hướng dẫn thủ tục vay vốn.

Ngoài ra, dù gần đây nhiều vụ án liên quan đến tín dụng đen gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng tới trật tự xã hội và cuộc sống của người dân nhưng hình phạt với hoạt động này hiện vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe trong khi lợi nhuận nó mang về cao gấp nhiều lần số phạt. Chưa kể, chưa có quy định chế tài về vay tín chấp không thế chấp tài sản. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để phối hợp ngăn chặn, đẩy lùi những hệ lụy từ hoạt động tín dụng đen, ngoài các giải pháp, chính sách phối hợp của ngành ngân hàng vẫn cần có giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Về giải pháp cải thiện việc xử lý tín dụng đen, theo tôi cần huy động cả lực lượng chính trị, không chỉ riêng Bộ Công an. Các ngân hàng cũng cần chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng, giáo dục tư tưởng cán bộ nhân viên; cần mở rộng và đa dạng hóa các loại hình cho vay, có các gói, khoản vay ưu đãi, nhất là vay học đường, xóa đói, giảm nghèo,… Ðồng thời, các đơn vị, địa phương cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và thủ đoạn, phương thức hoạt động, tác hại của tín dụng đen để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp.

Phạm Văn Tám

Phó Cục trưởng Cảnh sát hình sự (Bộ Công an)

Nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những hệ lụy từ tín dụng đen, ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Qua tổng hợp báo cáo nhanh của chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, ngành ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/38767202-gan-tet-nong-chuyen-vay-%E2%80%9Cnong%E2%80%9D.html