Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển đồng bộ theo quy hoạch

Đến nay, 20/20 xã của huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 41,2 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,0%.

Ngày 13/9, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” cùng đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU tại huyện Gia Lâm.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc - ảnh: HM

Đồng chí Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình 09-CTr/HU của Huyện ủy về “Phát triển kinh tế từng bước vững chắc gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm giai đoạn 2015-2020”, tăng trưởng kinh tế huyện đạt cao, phát triển toàn diện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, thương mại - dịch vụ tăng, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp - thủy sản giảm. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật- xã hội được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, an sinh xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản bình quân đạt 212 triệu đồng/ha canh tác; giá trị sản xuất tại các vùng trồng rau, quả chuyên canh tại xã Văn Đức, Đặng Xá, Đa Tốn… đạt 500 - 700 triệu đồng/ha; cá biệt có mô hình thu nhập hàng tỷ đồng/ha như sản phẩm trồng cam xã Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ… Huyện Gia Lâm đã phê duyệt 75 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại; hình thành 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 123 trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn.

Đến nay 20/20 xã đã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và qua rà duyệt tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn có 8/9 tiêu chí đạt và 01 tiêu chí cơ bản đạt theo Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới quy định; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 41,2 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,0%. Việc hoàn thiện các nhóm tiêu chí nông thôn mới đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của Huyện ủy Gia Lâm trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU thời gian qua. Những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2018 và kết quả trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện trong báo cáo khẳng định, huyện Gia Lâm đã chủ động, bài bản, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng tham quan HTX chế biến sữa bò Phù Đổng - ảnh: HM

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, thời gian tới, huyện Gia Lâm tập trung vào công tác bảo vệ môi trường, cùng với xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại sông Cầu Bây, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan khu vực sinh sống. Gia Lâm cần rà soát lại và duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn các xã duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới; tập trung cao độ huy động mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp theo kế hoạch huyện đề ra; gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính quận theo lộ trình Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành lập quận vào năm 2020 khi được thành phố phê duyệt.

Cùng với đó, Huyện ủy Gia Lâm tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị để mọi tầng lớp nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời đề nghị các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với huyện, quyết tâm đưa Gia Lâm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2018.

Trước đó, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng và Đoàn công tác đã đến tham quan trường tiểu học Phù Đổng; thăm mô hình nuôi trùn quế, vùng trồng cam của xã Phù Đổng và Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng. Đây là những điển hình trong phát triển nông nghiệp cho giá trị thu nhập cao trên địa bàn huyện Gia Lâm./.

Hoàng Mẫn

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/gan-xay-dung-nong-thon-moi-voi-phat-trien-dong-bo-theo-quy-hoach-497537.html