Gánh gồng Hàng Giấy - Đồng Xuân

Hai con phố Đồng Xuân và Hàng Giấy như có duyên nợ dính kết từ xa xưa. Chẳng những hiện nay cùng nằm trong phường Đồng Xuân mà cả hai phố được hình thành trên cùng một dải đê bên dòng sông Tô Lịch. Đình thôn Đồng Xuân hiện vẫn nằm trên phố Hàng Giấy (số 83). Câu ca dao xưa trong bài dạo chơi 36 phố phường cũng ghi: 'Qua Tòa Thương chính, giả về Đồng Xuân/ Trải qua Hàng Giấy dần dần/ Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa...'.

Đường xưa em đi

Đường phố Hàng Giấy rộng tới 10 mét nhưng chỉ kéo dài hơn 200 mét. Đây là một đoạn đê cứng được bồi đắp trên bến cảng và bãi hàng bên sông Tô Lịch (chính là phố Hàng Lược). Phố là nơi tập kết của dân hai làng làm giấy ở kẻ Bưởi và làng Cót. Đầu tiên họ tụ gần đầu phố Hàng Khoai sau kéo hết phố tới bốt Hàng Đậu. Hàng chục cửa hàng bán đủ các loại giấy, từ giấy quyển đến giấy bản, giấy bồi. Và không ít chủ hàng bán giấy lệnh, giấy sắc, giấy tàu bạch để viết sớ hay sắc phong của triều đình.

Đa số người bán đều là phụ nữ. Đàn ông làng có nhiệm vụ chuyên chở giấy từ làng ngược sông Tô lên phố rồi khênh hàng lên quầy. Tối đến là họ lại đóng quầy rồi về làng. Đầu phố có lính tuần bảo vệ. Tô Lịch hàng trăm năm đã nổi tiếng thơ mộng và là đường giao thủy nhộn nhịp trong thành Thăng Long. Các cô, các bà đi chợ ai cũng thuộc câu ca: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/ Ngập ngừng muốn tỏ tâm tình/ Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”. Sau này Hàng Giấy khang trang dần, người có vốn liếng khá giả mới xây nhà và ở lại buôn bán.

Cảnh chợ Đồng Xuân xưa.

Cảnh chợ Đồng Xuân xưa.

Hàng Giấy là phố ngắn nhưng lại sầm uất và ăn chơi nhất khu phố cổ ngày đó. Vào thời thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất, chừng năm 1910 phố đã xuất hiện nhà hát cô đầu, tạo nên chốn ăn chơi của đám nhà giầu và lính tráng. Mươi năm sau khi thực dân Pháp dồn dân để xây trụ sở đồn bốt (Sở Cẩm Hàng Đậu) thì nhà hát cô đầu bị dồn đuổi về phố Khâm Thiên và Ngã Tư Sở.

Trước đó, phố có đường sắt bắc qua trên cao để đưa tàu về ga Long Biên (năm 1900). Kèm theo đó là rạp chiếu bóng Bắc Đô ra đời. Sau hòa bình, rạp Bắc Đô vẫn còn tồn tại tới đầu thập niên 90. Nơi đây hiện nay chính là trụ sở một trường mầm non ở giữa phố. Phía dưới bên chân cầu đường sắt bắc ngang qua phố Hàng Giấy đã hình thành phố Gầm Cầu cắt ngang và kéo dài tới phố Hàng Lược. Từ đó những cửa hàng bán giấy bút bị tản mát nhường cho thị trường kẻ chợ Đồng Xuân với hàng trăm mặt hàng các loại.

Phố Hàng Giấy còn là địa chỉ văn hóa với những sự kiện kỳ thú khác. Đó là số nhà 58, cửa hiệu Ích Ký vừa bán giấy vừa mở xưởng in và nhà xuất bản (1948-1954). Thêm nữa tờ báo An ninh Thủ đô cũng từng đóng trụ sở ở số 2 Hàng Giấy trong vòng hơn 10 năm khoảng (1987-1996) trước khi rời về 82 Lý Thường Kiệt. Đặc biệt nhất là ngôi nhà số 46, nơi cất tiếng chào đời của nhà nhà báo kiêm dịch thuật Nguyễn Văn Vĩnh (1882 -1936). Ông được coi là một trong những nhà báo đầu tiên của nước ta (hoạt động từ năm 1905 tới khi mất - 1936). Hàng trăm bài báo và hàng chục cuốn sách dịch thuật văn chương đã được Nguyễn Văn Vĩnh viết ở đây.

Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh từng làm Chủ nhiệm một số báo và tạp chí vào thời kỳ đầu của lịch sử báo chí Việt Nam. Ông luôn thể hiện thái độ yêu nước và phản đối chế độ hà khắc của thực dân Pháp cùng triều đình nhà Nguyễn ngày đó. Chính vì thế giặc Pháp đã gây hấn và làm ông phá sản. Ông phải chấp nhận điều kiện mà chúng đưa ra, sang Lào đào vàng trả nợ (1935). Chỉ một năm sau ông bị mất trên một chiếc thuyền độc mộc bên dòng sông Xê Pôn vì bị sốt rét cấp tính. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp chính là con trai ông và nổi tiếng với bài thơ “Em đi chùa Hương” (được phổ nhạc và hát cho tới nay).

Vui nhất có chợ Đồng Xuân

Ký ức của tuổi thơ đối với bất kể ai là người dân Thủ đô đều gắn với cảnh hát xẩm tầu điện ở chợ Đồng Xuân. Đây là bến đợi vì có mấy tuyến đường tàu điện đi xuôi, đi ngược. Ở đây những ông hát xẩm luôn hóm hỉnh vừa kéo nhị vừa hát rằng: “Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài/ Sinh ra đèn điện thắp hoài năm canh/ Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành/ Nghĩ ra tàu điện chạy quanh phố phường”. Tàu điện chạy từ bến Bờ Hồ đi qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường rồi đậu lại bến trước cửa chợ Đồng Xuân. Sau đó tàu đi qua phố Hàng Giấy rồi xuống Quán Thánh xuôi về chợ Bưởi. Nhiều khách tới muộn khi chuông tàu dập liên tục thế là họ đánh đu lên tàu nhanh như chớp. Hình ảnh này cũng được các ông hát xẩm miêu tả: “Xưa nay có thế bao giờ/ Có chiếc tàu điện đứng chờ ngã ba/ Đàn ông cho chí đàn bà/ Hễ tàu vừa đến lấy đà nhảy lên”.

Chợ Đồng Xuân hôm nay.

Nhưng có lẽ phổ biến nhất là bài xẩm “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”. Trong dân gian cũng lạ. Cái gì gắn bó với chợ búa là đều có thể hát lên. Có bài quen đến thuộc lòng nhưng mỗi lần ông xẩm mù cất tiếng là ai cũng khoái lỗ tai. Bởi chính tâm hồn của nghệ sĩ đường phố luôn có sức mê dụ bởi sự hài hước và nhấn nhá cùng nỗi đời chất chứa bấy lâu nay. Bao giờ cũng bắt đầu sau cái hắng giọng là lời ca vang lên véo von: “Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân í a/ Mùa nào thức nấy xa gần đến mua…”. Thế rồi cứ thế xẩm mù kéo dài lê thê trên mỗi toa tàu cùng với tiếng chuông leng keng dọc khắp phố phường.

Thực ra cái tên phố Đồng Xuân mới có từ sau năm 1945. Trước kia, nó được gọi là phố Hàng Gạo. Chợ Đồng Xuân hình thành từ năm 1890, khi Pháp đuổi dân, dồn chợ để xây các khu phố nhà Tây. Mãi tới năm 1920, chợ mới được xây lại khang trang, rộng rãi và chia làm nhiều cầu hàng rõ rệt. Tính ra phố Đồng Xuân dài chưa tới 200 mét. Bên số lẻ phía chợ chỉ có mươi nhà kế bên đầu phố Cầu Đông. Còn chủ yếu là khu đất chợ kéo dài hết phố và rộng chừng 10.000 mét vuông. Nếu tính cả diện tích chợ Bắc Qua gắn liền phía sau thì rộng tới 1,5 ha. Hiện chợ có 2.000 hộ kinh doanh.

Đặc biệt, bên cạnh chợ có tượng đài “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” đánh dấu một thời kỳ lịch sử anh hùng đã diễn ra tại đây. Phố Đồng Xuân và Hàng Giấy đã từng trở thành chiến lũy và pháo đài của quân và dân Thủ đô (Tiểu đoàn 101). Cuộc chiến đấu của Trung đoàn Thủ đô mở rộng khắp khu phố cổ, tập trung tại chợ Đồng Xuân (kéo dài từ 19/12/1946 tới 14/2/1947). Đó là bản anh hùng ca 60 ngày đêm khói lửa mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã mô tả trong bài hát “Người Hà Nội”. Hình ảnh thật vang dội bất khuất: “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Sông Hồng reo!/ Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng/ Bùng cháy khắp phố ta ơi!/ Vùng lên chiến sĩ ta ơi!/ Trời Hà Nội đỏ máu…”.

Bản tình ca chợ đêm

Giờ đây khu phố cổ nhất là chợ Đồng Xuân không chỉ nhộn nhịp chen chúc vào ban ngày nữa mà cả những phiên chợ đêm vào cuối tuần. Chợ đêm bày hàng bán dưới lòng đường kéo dài từ đầu phố Hàng Đào kéo tới hết phố Hàng Giấy (dài 1,5km). Điều thú vị của những phiên chợ đêm là hàng quán toàn bán giá rẻ tha hồ chọn lựa. Bên ngoài góc chợ Đồng Xuân luôn có sân khấu hát xẩm và những làn điệu cổ truyền vào phiên chợ đêm. Các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Thanh Ngoan hay NSND Xuân Hoạch cùng các gương mặt nổi bật khác trong làng dân ca cổ truyền đã thay nhau trình diễn.

Sân khấu được bài trí phông cảnh và thể hiện đúng cảnh hát xẩm ở chợ Đồng Xuân cách đây hơn nửa thế kỷ. Tiếng hát ngỡ như mua vui nhưng nghe sao ấm áp tình người. Ngỡ như năm xưa tiếng tàu điện leng keng vui reo, tiếng nhị óng ả vang lên, lời ca phảng phất bay bổng: “Sáng giăng sáng cả vườn chè/ Một gian nho nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm em mới phải chạy dâu/ Vì chồng em mới phải qua cầu đắng cay”. Giữa cái nhộn nhịp, ồn ã phố phường bán mua luôn vang lên những giai điệu dân gian. Đó là những bản tình ca luôn đưa cuộc đời trở về một xứ sở bình yên, cùng tâm hồn trong veo mà ngỡ đã bỏ quên theo thời gian.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ganh-gong-hang-giay-dong-xuan-i691730/