Gánh nặng bệnh tật tăng từ đồ uống có đường, nhưng người Việt vẫn tiêu thụ 1 lít mỗi tuần

Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, sâu răng, góp phần làm thừa cân và béo phì...

Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng HealthBridge Việt Nam đã tổ chức hội thảo truyền thông chính sách về vấn đề tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Thông tin tại hội thảo cho thấy, để hạn chế sử dụng đồ uống có đường, hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

TS. Angela Pratt - Trưởng đại điện WHO tại Việt Nam cho hay, để xây dựng Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn, cần bắt đầu thực hiện một số biện pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

Gánh nặng bệnh tật vì đồ uống có đường

TS. Angela Pratt - Trưởng đại điện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay đồ uống có đường là đồ uống có chứa đường tự do - chúng có thể là nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.

Trưởng đại diện WHO dẫn chứng bằng chứng toàn cầu cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và sâu răng. Chúng cũng góp phần khiến mọi người thừa cân và béo phì. Tất cả những điều này là những vấn đề sức khỏe quan trọng, cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác bao gồm ung thư.

Nó cũng gây ra gánh nặng cho cá nhân và xã hội do tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa đồ uống có đường và bệnh tim, nhất là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

"Ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, chúng ta đã thấy tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh , đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì. Chúng ta cần có hành động quyết liệt để đảo ngược xu hướng tiêu cực này"- TS. Angela Pratt nói.

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), tại Việt Nam, tình trạng thừa cân, béo phì cũng tăng lên rất nhanh chóng ở trẻ em, tại các thành phố lớn Hà Nội, TP HCM tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ có thể lên tới 40%. Con số này ở người trưởng thành là 20%, có địa phương lên tới gần 30%.

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) tham luận tại hội thảo.

Bổ sung thêm thông tin, ThS Nguyễn Thùy Duyên - Trường Đại học Y tế công cộng cho hay tại Việt Nam, số liệu cho thấy sự tăng nhanh chóng mặt về tỷ lệ thừa cân béo phì ở cả người lớn và trẻ em. Điểm đáng lưu ý là cũng trong thời gian này, sản lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam cũng tăng theo cấp số nhân.

"Nếu đặt hai số liệu này cạnh nhau, chúng ta có thể nhận ra tần suất và mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong hai thập kỉ vừa qua. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách thuế đồ uống có đường đã được đề cập đến trong các chính sách, đường lối chung và cả của riêng ngành y tế"- ThS. Nguyễn Thùy Duyên nói.

Chuyên gia khuyến nghị gì để giảm tiêu thụ đồ uống có đường?

Theo TS Angela Pratt trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế. Tín hiệu giá - chi phí cao hơn – rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

Tác hại của đồ uống có đường.

Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm: ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên. "Tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng ăn vào sẽ mang lại lợi ích bổ sung"- BS Tuấn Lâm nêu rõ.

"Bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối. Các biện pháp như thế này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở trẻ em và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai"- TS Angela Pratt nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, để hạn chế tiêu thụ đường, chúng ta cần có ý thức hạn chế cho thêm đường, sử dụng các sản phẩm ít đường hoặc không đường để đảm bảo cơ thể có sự cân đối lành mạnh giữa các dinh dưỡng.

Lượng đường tự do tiêu thụ một ngày không nên quá 25gr, đồng thời chúng ta nên có thói quen đọc nhãn sản phẩm để lượng đường ăn vào là bao nhiêu…Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường...

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia của WHO nhấn mạnh: Ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường.

Tham luận tại hội thảo, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia của WHO nhấn mạnh thêm khuyến cáo của WHO về đường: Giảm tiêu thụ đường tự do trong suốt quá trình sống (khuyến nghị mạnh mẽ); Ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường.

"Tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng ăn vào sẽ mang lại lợi ích bổ sung"- BS Tuấn Lâm nêu rõ.

WHO khuyến cáo rằng việc tiêu thụ cái mà chúng ta gọi là "đường tự do" – có thể coi là bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống - nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng, nhưng lý tưởng là dưới 5%. Vì vậy, đó là khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành trung bình...

Thái Bình/Ảnh: Vũ Hồng Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ganh-nang-benh-tat-tang-tu-do-uong-co-duong-nhung-nguoi-viet-van-tieu-thu-1-lit-moi-tuan-169240405134513461.htm