Gánh nặng cơm áo với người lao động thời Covid-19

Hơn 1 năm từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra cũng là từng ấy thời gian những người hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch phải bươn trải với gánh nặng cơm áo.

Hướng dẫn viên du lịch làm shipper

Đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch điêu đứng và hướng dẫn viên du lịch đang cảm nhận rõ nhất những khó khăn. Ông Lê Anh Đại, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch quốc tế Bình Minh cho biết: Hiện hướng dẫn viên du lịch của công ty đang thất nghiệp, bởi tất cả các tour du lịch đều “đóng băng”, họ phải tìm kiếm công việc tạm để trang trải chi phí hằng ngày.

Minh chứng cho câu chuyện của mình, ông Đại kết nối để chúng tôi gặp một số hướng dẫn viên du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch Lý Văn Giang làm phụ xây.

Chàng trai người Dao Lý Văn Giang, thôn Nậm Sưu, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng đã có 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch cho các công ty lữ hành ở Quảng Ninh, Lào Cai. Anh là hướng dẫn viên uy tín của nhiều đoàn khách du lịch Trung Quốc khi chọn tour xuyên Việt bởi sự nhiệt tình, am hiểu và trách nhiệm. Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, tháng nào anh Giang cũng có 4 - 5 chuyến đưa khách du lịch đi xuyên Việt, với thu nhập bình quân 25 - 30 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, hơn 1 năm nay, do dịch Covid-19 liên tục bùng phát, không còn các tour du lịch, anh Giang về nhà và làm nhiều nghề, với hy vọng có thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày. Anh Lý Văn Giang tâm sự: Đang thoải mái, tự do, nay đây mai đó, thu nhập tương đối cao, bỗng chốc phải quanh quẩn ở nhà, tìm được việc gì làm việc ấy, vất vả mà thu nhập bấp bênh.

Vợ anh Giang cũng là lao động tự do, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, nguồn thu nhập chính của gia đình không còn, nên chị thêm vất vả, thậm chí thời gian gần đây, chị còn nhận đi phát nương thuê cho người dân ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát. Thương vợ khó nhọc, anh Giang theo trai làng đi “bán sức lao động”, từ bốc vác đến phụ xây, miễn là có thu nhập. Sau đó, anh quyết định gắn bó với đội xây dựng trong thôn, làm phụ xây, đánh vữa, chuyển gạch… Mỗi ngày anh kiếm được 250.000 đồng. Anh vừa thở dài: Năm học mới sắp đến, lại thêm nỗi lo sách vở, quần áo, học phí cho 2 đứa con, trong khi thu nhập từ làm phụ xây không ổn định.

Anh Giang thấy nhớ, thấy thèm được trở lại với nghề hướng dẫn viên du lịch, nhưng tất cả vẫn là sự chờ đợi, bởi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Cũng có thâm niên 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch, anh Bùi Hoàng Anh, thôn An Thành, xã Quang Kim, huyện Bát Xát đã có những năm tháng “vi vu” đưa khách đi du lịch xuyên Việt với thu nhập hằng tháng khá cao. Tuy nhiên, từ tháng 7/2020, anh chia tay với nghề, bởi dịch Covid-19 khiến các tour phải dừng. Cuộc sống của Hoàng Anh cũng thay đổi, anh chấp nhận làm mọi nghề đúng pháp luật để có thu nhập. Được người quen giới thiệu, Hoàng Anh không nề hà với công việc phục vụ ở quán ăn, làm shipper với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Hoàng Anh tâm sự: Trong lúc khó khăn, có việc làm với thu nhập ổn định là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, công việc này cũng bị gián đoạn bởi các “làn sóng” Covid-19, có thời điểm anh phải theo bố làm phụ xây, rồi trong xã có việc gì anh cũng nhận, miễn là có thu nhập.

Ca sỹ, diễn viên múa làm thợ xây

Từ đầu năm 2021 đến nay, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh chỉ thực hiện được hơn 10 buổi biểu diễn, trong khi những năm trước đã được 50 - 60 buổi. Do “thừa” thời gian nên ca sỹ, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh ngoài luyện tập, họ còn trồng cây, xây khuôn viên, tiểu cảnh của đơn vị.

Viên chức Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh trở thành thợ xây bất đắc dĩ.

Ông Nguyễn Việt Phong, Trưởng Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh cho biết: Sản phẩm của Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh là kết tinh của đam mê, sáng tạo, mang tinh thần, khao khát được biểu diễn phục vụ công chúng dưới ánh đèn sân khấu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải tạm dừng. Để giải quyết vấn đề này, đơn vị đã chia làm 2 tuyến luyện tập, vừa ôn luyện, vừa xây dựng các tiết mục mới để ca sỹ, diễn viên không quên nghề. Ngoài thời gian luyện tập, chúng tôi tổ chức cho anh em làm thêm một số việc như trồng cây ăn quả, cây cảnh quan, xây tiểu cảnh, vườn hoa, làm đẹp thêm không gian của đơn vị. Cũng thật bất ngờ, nhờ công việc này, đơn vị đã khám phá ra “tài lẻ” của nhiều ca sỹ, diễn viên, nhạc công. Các tiểu cảnh, khuôn viên được một số ca sỹ, diễn viên, nhạc công xây rất chuyên nghiệp.

Anh Trần Tuấn Anh, nhạc công Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh tâm sự: Tranh thủ thời gian rỗi, tôi và các đồng nghiệp đảm nhận xây khuôn viên, tiểu cảnh. Dù chỉ là thợ xây bất đắc dĩ nhưng chúng tôi đều làm tốt công việc “tay trái” này.

Dù khoe “tài lẻ” của ca sỹ, diễn viên nhưng ông Phong không giấu được nỗi buồn, bởi đó chỉ là công việc “giết” thời gian, trong khi cuộc sống của anh em còn biết bao gánh nặng. Ông Phong cho biết: Những năm chưa có dịch Covid-19, ngoài lương theo quy định, mỗi người còn có thu nhập thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng từ hoạt động biểu diễn. Hiện nay do không biểu diễn nên thu nhập của nghệ sỹ chỉ trông chờ vào lương từ ngân sách, những người có thâm niên thì thu nhập tạm ổn, nhưng với ca sỹ, diễn viên trẻ, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng sẽ rất khó khăn.

Theo Nghị quyết 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, hướng dẫn viên du lịch, viên chức hoạt động nghệ thuật là những đối tượng được hỗ trợ. Qua tâm sự của các viên chức hoạt động nghệ thuật tại Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh và một số hướng dẫn viên du lịch trong tỉnh, chúng tôi cảm nhận được mong chờ của họ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tuy nhiên, làm thế nào để gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đến với họ kịp thời, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346087-ganh-nang-com-ao-voi-nguoi-lao-dong-thoi-covid19