Gánh nặng tài chính cản trở kế hoạch phân phối vaccine lớn nhất thế giới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 172 quốc gia đã nhất trí tham gia kế hoạch mang tên COVAX nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng và rộng rãi với vaccine ngừa COVID-19.

Nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 tại Belo Horizonte, bang Minas Gerais, Brazil, ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 tại Belo Horizonte, bang Minas Gerais, Brazil, ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây được coi là kế hoạch phát triển vaccine lớn nhất, nhanh nhất trên thế giới với mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine cho người dân toàn cầu vào năm 2021.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), COVAX là một chương trình do WHO cùng hai tổ chức gồm Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và Liên minh toàn cầu về Vaccine và tiêm chủng (Gavi) lên kế hoạch.

Kế hoạch chi tiết phân phối vaccine COVID-19 toàn cầu của COVAX gồm hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, COVAX phân phối vaccine theo tỷ lệ. Một quốc gia nhận được lượng vaccine cho 20% dân số của mình. Trong giai đoạn 2, COVAX xem xét mức độ rủi ro ở từng nước, chuyển nhiều liều hơn đến những nơi có nguy cơ bùng dịch cao nhất. WHO nêu rõ mỗi nước tham gia sẽ tự quyết định nhóm ưu tiên trong cộng đồng của mình, bao gồm các nhân viên y tế và các nhóm khác có nguy cơ mắc COVID-19 cao.

Mariângela Batista Galvão Simão, Trợ lý Tổng giám đốc WHO, cho biết: "Cung cấp đủ liều tiêm cho mỗi quốc gia để bảo vệ hệ thống y tế và những người tử vong cao là cách tốt nhất để tối đa hóa hiệu quả của một lượng nhỏ vaccine".

Trong một tài liệu do Gavi công bố, tổ chức này nhận thức rõ những nguy cơ khi đón nhận những thách thức về việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

“Sáng kiến này thất bại sẽ gây ra sự tiếp cận không bình đẳng và tác động liên tục đến nền kinh tế toàn cầu cũng như các chương trình cốt lõi của Gavi, đồng thời có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của tổ chức”, Seth Berkley – Giám đốc điều hành của Gavi trình bày trong một cuộc họp hội đồng quản trị vào cuối tháng 9 vừa qua.

Khởi động từ 6 tháng trước, chương trình COVAX đã vượt qua một cột mốc quan trọng vào ngày 9/10 vừa qua khi khoảng 80 quốc gia phát triển đã nhất trí một cam kết thanh toán trước cho số vaccine đặt hàng, bao gồm cả Trung Quốc tham gia vào phút chót.

“Việc nhận được sự ủng hộ từ những nước phát triển đồng nghĩa với việc COVAX có thêm một cơ hội để sống sót”, David Fidler, một thành viên hỗ trợ của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại thành phố New York, nhận định. Tuy nhiên, ông Fidler cũng bày tỏ quan ngại về mức độ mà Gavi có thể buộc phải đánh đổi lợi ích của các nước giàu hơn.

Mục tiêu then chốt của COVAX là cung cấp đủ liều lượng vaccine cho 20% dân số các quốc gia tham gia chương trình. Tuy nhiên, vấn đề tài chính vẫn đang là một trở ngại đối với mục tiêu đó. Deborah Gleeson, giảng viên cấp cao tại Đại học La Trobe cho biết: “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu cung cấp vaccine cho 20% dân số của tất cả các quốc gia tham gia vào COVAX vì chưa có đủ vốn đầu tư”.

Theo một báo cáo Gavi công bố vào tháng 10, COVAX vẫn còn thiếu khoảng 200 triệu USD cho mục tiêu gây quỹ 2 tỉ USD vào năm nay. Và dự báo, quỹ này cũng cần ít nhất 5 tỉ USD vào năm tới. Số tiền này để đặt trước vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 92 nước nghèo, trong khi những quốc gia giàu có thì tự chi trả. Các quốc gia tự chi trả bao gồm các nền kinh tế giàu có như Anh và Nhật Bản, bên cạnh các nền kinh tế có thu nhập trung bình như Thái Lan và Gabon.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ganh-nang-tai-chinh-can-troke-hoach-phan-phoi-vaccine-lon-nhat-the-gioi-20201021110204613.htm