Gạo Việt Nam có logo thương hiệu

Sau nhiều năm được coi là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới mà không có thương hiệu nhận diện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây đã công bố logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam.

Logo chính thức của thương hiệu Gạo Việt Nam đang được đăng ký bảo hộ quốc tế

Logo thương hiệu gạo Việt Nam đã chính thức được công bố tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 3 diễn ra ngày 18.12. Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đã giới thiệu về logo chính thức của thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam.

Theo đó, ông Toản cho biết trọng tâm logo thương hiệu gạo Việt là bông lúa cách điệu. Các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh, là biểu tượng đặc trưng của Việt Nam đã được nhận biết trên phạm vi toàn thế giới. Các lá lúa cách điệu còn gợi ra hình ảnh ruộng lúa với nền văn minh lúa nước lâu đời, làm gia tăng tính nhận biết và ý nghĩa lan tỏa cho sản phẩm gạo Việt Nam.

Tên thương hiệu nhấn mạnh chữ Gạo Việt Nam/VietNam Rice, dùng kiểu chữ dễ đọc, hiện đại, hài hòa với phần hình. Nền logo màu xanh lá, mang thông điệp về Việt Nam là một quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp phát triển với sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.

Bố cục Logo hình elíp, vừa là hình hạt gạo, còn là hình trái đất, mang thông điệp thương hiệu gạo Việt Nam đạt chất lượng và uy tín trên phạm vi toàn thế giới. Logo giàu tính độc đáo, biểu cảm, thân thiện, tạo hiệu quả thị giác cao, dễ nhận biết, dễ nhớ, gợi sự liên tưởng sâu rộng.

Tổng thể logo tạo ra hình ảnh cất cánh bay xa của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trong xu hướng hội nhập và phát triển. "Logo thương hiệu gạo Việt Nam sẽ khẳng định giá trị thương hiệu gạo Việt Nam đối với các nước có thế mạnh về nông nghiệp lúa gạo trong khu vực và thế giới", ông Toản nhấn mạnh.

Tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam diễn ra mới đây, ông Martin Albani - Chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC từng khuyến nghị Việt Nam cần phải thay đổi từ buôn bán hàng hóa sang thực hiện hoạt động marketing đối với hàng hóa đó. Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là đưa ra hình ảnh. Tiếp đó là phát triển thương hiệu. Việc đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu, khách hàng mà còn tác động quan trọng đối với đối tác.

"Thương hiệu không chỉ là logo biểu trưng bằng hình ảnh mà phải được khẳng định bằng chất lượng. Nói cách khác, không phải sản phẩm gạo nào cũng được gắn thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam", ông Martin Albani đánh giá.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo năm 2017 đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016; Đến giữa tháng 9.2018, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, trị giá đạt 2,38 tỉ USD, tăng 4,8%.

Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, tăng dần từ gạo trắng có chất lượng trung bình thấp sang gạo trắng có chất lượng trung bình cao. 8 tháng đầu năm, gạo chất chất lượng thấp chỉ chiến 2,07% trong tổng lượng gạo xuất khẩu; trong khi gạo trắng chất lượng cao chiếm 42,46%, gạo thơm chiếm 33,24%... Tình hình xuất khẩu gạo năm 2018 rất khả quan so với năm 2017, giá cũng đạt cao hơn Thái Lan.

Xuất khẩu gạo duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm 2018 nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Dự kiến, năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 3,2-3,3 tỉ USD.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu năm 2018 và những những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ sản xuất gạo theo quy trình sạch, hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, đóng gói; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng.

Cùng với việc logo thương hiệu gạo được công bố, hình ảnh hạt gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/gao-viet-nam-co-logo-thuong-hieu-103537.html