Gập ghềnh thể nghiệm cải lương

Vở cải lương thể nghiệm 'Nhật thực' ra mắt gần đây đã gây tranh luận về vấn đề thể nghiệm trên sân khấu cải lương. Con đường này chưa bao giờ bằng phẳng và cần sự nhìn nhận xác đáng hơn.

Vở cải lương thể nghiệm "Nhật thực" nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Ảnh: HK

Thể nghiệm phải được xem là sự tất yếu trên con đường phát triển của cải lương. Bởi thời đại đã khác, khán giả có nhịp sống khác, cảm quan khác, không lẽ cải lương dừng chân tại chỗ?

Đạo diễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, con gái của soạn giả nổi tiếng Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) nói: “Trong hai chữ cải lương đã mang ý nghĩa cải cách rồi. "Cải cách hát ca cho tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh". Vậy thì cải lương phải luôn luôn đi tới. Thử nhìn lại lịch sử, cải lương từ hồi mới thành lập cho đến bây giờ đã qua biết bao thay đổi, chứ có y chang một mẫu đâu".

"Chúng ta phải chấp nhận và ủng hộ sự thể nghiệm. Có tranh cãi hay không là trong từng tác phẩm cụ thể, được cái nào, chưa được cái nào", bà Dung chia sẻ.

Đạo diễn Hồng Dung (người mặc áo trắng) cùng các nghệ sĩ sân khấu. Ảnh: internet

Cái mới bao giờ cũng không được chấp nhận ngay, cái được hay chưa được cũng khá… mênh mông. Tùy cảm nhận của mỗi người mà thấy được hay chưa được.

Nhiều người đồng tình ủng hộ, miễn thể nghiệm không được làm mất chất cải lương. Đó là đề tài phải gần gũi, gắn với nhân lễ nghĩa trí tín đã ăn sâu vào cảm thức khán giả; lời thoại, lời ca phải mang tính tự sự, không khoa trương, khó hiểu, mà cũng không được bình dân theo kiểu dễ dãi khiến khán giả định kiến với cải lương; đặc biệt âm nhạc, dù phối thế nào thì cũng phải giữ được ngũ cung là chủ đạo.

Thực tế, việc thể nghiệm cải lương chỉ có tư nhân là quyết lòng khai phá, còn các đơn vị nhà nước chưa thấy động tĩnh. Trong số này, có hai tên tuổi nổi bật là đạo diễn Hoa Hạ và đạo diễn Nguyên Đạt.

Cách đây hơn mười năm, đạo diễn Hoa Hạ dựng Kim Vân KiềuChiếc áo thiên nga trên sân khấu hoành tráng nhà thi đấu Quân khu 7. Vở thể nghiệm táo bạo là phối hợp ngũ cung với nhạc giao hưởng, tập trung hơn 400 nghệ sĩ cải lương, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên múa, xiếc, âm thanh, ánh sáng, hậu đài.

Vở cải lương "Kim Vân Kiều" từng dựng ở sân khấu lớn hoành tráng. Ảnh: HK

Ấn tượng về một opera Việt Nam còn in sâu vào ký ức khán giả. 4.000 vé bán sạch trong mỗi suất. Gần đây, đạo diễn Nguyên Đạt dựng Tổ quốc nơi cuối con đườngNhật thực, phối hợp nhạc ngũ cung với pop, rock, world music. Đặc biệt Nhật thực chỉ có một diễn viên với cách dựng rất hiện đại gần với kịch nói.

Mỗi người một kiểu, dù khen hay chê thì những tác phẩm của họ cũng phá tan sự trì trệ của cải lương hiện nay.

Nhưng những nỗ lực đó như con sóng trồi lên lại lặn xuống. Hoa Hạ bức xúc: “Đi mãi mới thành đường chứ. Chúng tôi mới đặt vài bước chân, không ai nối gót theo thì con đường lại bị lấp. Chúng tôi tự bỏ vốn làm, không thể trường kỳ được, cần sự tiếp sức của nhà nước hoặc các mạnh thường quân”.

Đạo diễn Hoa Hạ và Nguyên Đạt đã bán nhà bán đất để dựng vở. Hoa Hạ đã thu hồi vốn, còn Nguyên Đạt thì chưa. Nhưng mấy ai dám máu lửa như họ? Dựng vở cũ là hy vọng hòa vốn, còn dựng vở thể nghiệm là cuộc phiêu lưu. Chính vì vậy, vai trò của nhà nước rất quan trọng.

Nguyên Đạt nói: “Tôi không cần nhà nước đầu tư ban đầu, tôi tự làm xong tác phẩm rồi, chỉ mong nhà nước mua vé cho lớp trẻ đi xem rộng rãi để họ làm quen với cái mới, có cảm nhận, có ý kiến, thì tôi mới rút kinh nghiệm được”.

"Chiếc áo thiên nga" là một thử thách táo bạo cho cải lương. Ảnh: HK

Hoa Hạ tâm tư: “Đành rằng bán nhà đã thu hồi vốn xong, nhưng bảo làm thêm vở mới thì tôi cũng ngại. Cần có người tiếp sức, chứ mình thấy mình đơn độc quá, tủi thân quá. Ai cũng nói giữ gìn và phát triển cải lương, nhưng chẳng ai đầu tư cho nó phát triển”.

Cải lương xưa đã hay, nên cải lương hôm nay nếu không có gì mới sẽ không qua nổi cải lương xưa, mà còn làm cho cải lương giậm chân tại chỗ. Nếu không khai phá con đường mới thì e rằng cái chết của cải lương là tất yếu.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/gap-ghenh-the-nghiem-cai-luong-164651.html