Gặp gỡ chàng trai bỏ công việc lương ngàn đô đi tìm bí quyết làm sen 'bất tử'

Trong suốt ba năm trải qua bao lần thất bại, phải vứt bỏ hàng nghìn bông sen, anh Kiều Cao Dũng mới chính thức tìm ra cách biến những bông sen qua hàng chục năm mà màu sắc vẫn tự nhiên như ngày đầu.

Ba năm trước, khi đang làm việc ở một khách sạn kết hợp kinh doanh du lịch đã có gần 20 năm kinh nghiệm với mức thu nhập cao, anh Kiều Cao Dũng (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) đã từ bỏ để rẽ sang hướng đi mới, đó là nghệ thuật làm hoa bất tử của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu - người được coi là ông tổ của nghề hoa khô ở Việt Nam.

Với tình yêu đặc biệt dành cho sen, chàng trai sinh năm 1983 toàn tâm toàn ý muốn làm nên những bông sen bất tử với thời gian. Những ngày này, khi những đầm sen đã thưa hoa và lá cũng già nhiều. công việc tìm nguyên liệu làm sen bất tử càng khó khăn hơn. Anh Dũng phải lùng sục khắp đầm cả buổi mới hái được khoảng vài chục bông sen ưng ý và mấy chục chiếc lá sen vừa tầm.

Việc xử lý nhiệt để làm khô hoa phải trải qua rất nhiều công đoạn, kết hợp với nhiều hóa chất khác nhau. Nồng độ và liều lượng được dùng như thế nào là bí quyết chỉ có người làm nghề mới biết. Xử lý một bông hoa tươi cho đến lúc hoa khô đạt chuẩn mất khoảng 10 ngày. Sau đó, tùy thuộc vào thời gian và chất liệu phối hợp để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh.

Theo anh Dũng, nhuộm màu cho hoa là công đoạn khó nhất trong việc xử lý hoa sen khô. Thường chất lượng các bông hoa tươi trong một mẻ không đồng đều, có bông già bông non, lá non lá già. Một bông hoa lại có cánh cứng, cánh mềm những điều đó quyết định độ thẩm thấu màu khác nhau.

Loại màu dùng ngâm hoa là màu thực phẩm, phải tuyệt đối an toàn để đảm bảo hoa đẹp mà không độc hại, có thể chơi trong nhà.

Sau khi hoa được vớt ra sẽ được sấy khô trong lò. Tùy thuộc vào độ dẻo mình mong muốn thì sẽ sấy hoa 3 – 5 ngày và đảm bảo mỗi ngày nhiệt độ được điều chỉnh thấp đi một chút cho phù hợp.

Sau khi tạo ra những bông sen bất tử, anh lặn lội đến các làng nghề, tìm ý tưởng kết hợp lá sen, hoa sen khô với các sản phẩm truyền thống như nón lá, tranh Đông Hồ, thư pháp...

Anh đã tìm đến làng Chuông, nơi các nghệ nhân làm nón để giải quyết bài toán cho sự kết hợp nón lá cùng lá sen làm sao để sự kết dính của hai chất liệu này với nhau được hài hòa nhất.

Lòng say mê với nghệ thuật truyền thống của quê hương luôn được anh lồng ghép vào những tác phẩm của mình. Tiêu biểu có bức tranh đông hồ trên lá sen, lá sen kết hợp trên nón lá, nón quai thao, ghép tranh bằng cánh hoa sen.

Từ những lá sen, hoa sen khô đến khi trở thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh mang đậm nét dân gian Việt Nam lại là một hành trình dài.

Sau 3 năm nỗ lực, từ bỏ công việc với mức lương cao để đi tìm con đường giữ hồn sen bất tử, điều chàng trai 8X tự hào nhất đó là anh đang góp được một phần sức bé nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Việt Nam.

Minh Khánh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/gap-go-chang-trai-bo-cong-viec-luong-ngan-do-di-tim-bi-quyet-lam-sen-bat-tu-20190827000437531.htm