Gặp khó khi tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông

Thời gian gần đây, kết quả đo đạc, quan trắc liên tục ở mức báo động về tình trạng ô nhiễm không khí tại TP HCM.

Theo Phó GS-TS Hồ Thị Thanh Vân - Trường Đại học Tài nguyên - Môi trường TP HCM, các quận trung tâm và những quận tập trung nhiều KCN - KCX có lượng phát thải lớn, gây ô nhiễm nặng, nhưng mật độ cây xanh, thảm thực vật khá thấp. Cộng với mật độ phương tiện giao thông dày đặc trên nhiều tuyến đường đã dẫn tới tình trạng phát thải lượng CO2 rất lớn gây ô nhiễm không khí trầm trọng.

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí được Phó GS-TS Hồ Thị Thanh Vân đề xuất là tăng cường thảm thực vật để góp phần làm sạch không khí. Song giải pháp này rất khó thực hiện do còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, nhất là khi quỹ đất dành cho công viên, mảng xanh của thành phố đang chiếm tỉ lệ rất thấp so với diện tích đất ở.

Với 8 triệu phương tiện các loại, trong đó số lượng xe máy chiếm đến 7,2 triệu xe, kết quả đo đạc của phó GS-TS Hồ Thị Thanh Vân cho thấy, ở những đoạn đường có mật độ phương tiên dày đặc hoặc thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, chất lượng không khí rất xấu.

Để kiểm soát lượng phát thải từ phương tiện giao thông, nhất là trong khu vực nội thành, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, Sở GTVT đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam thí điểm triển khai việc kiểm soát khí thải của xe máy.

Việc thí điểm sẽ được tiến hành tại 8 trạm bảo hành xe máy ở quận 1, quận 3 và Bình Thạnh. Thời gian tiến hành sẽ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 11-2020, trong đó phía đăng kiểm sẽ dùng thiết bị kỹ thuật chuyên dụng để lấy mẫu khí thải của phương tiện.

Xả thải của ôtô, xe máy gây ô nhiễm không khí ở những tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông cao.

Xả thải của ôtô, xe máy gây ô nhiễm không khí ở những tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông cao.

Theo ông Lâm, hiện chưa có chế tài nào nên việc kiểm tra khí thải xe máy chỉ dựa trên sự tự nguyện của người dân với mục đích khuyến khích, tuyên truyền để giúp người dân nhận thức vấn đề ảnh hưởng của khí thải xe máy đối với môi trường.

Từ kết quả thu được sau đợt thí điểm, Sở GTVT sẽ có những đánh giá khoa học về mức độ phát thải của xe máy để đề xuất UBND thành phố kiến nghị cấp thẩm quyền có lộ trình kiểm soát khí thải của loại phương tiện này.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lâm cũng cho biết, năm ngoái Sở GTVT cũng đã báo cáo với Bộ GTVT để xin thí điểm lập đề án riêng cho thành phố về kiểm soát phát thải xe máy. Bộ GTVT ủng hộ việc này nhưng hiện còn vướng về pháp lý do phải chờ sửa Luật Giao thông đường bộ.

Ngoài xe máy, các loại phương tiện khác như xe tải, taxi, buýt... cũng sẽ được Sở GTVT TP HCM kiểm soát chặt chẽ. Theo ông Lâm, ngoài việc xe buýt được chuyển đổi từ việc chạy dầu diesel sang chạy bằng khí gas, hiện các tổ kiểm tra của Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra khí thải của phương tiện ở các bến xe khách liên tỉnh, bến xe buýt.

Sở GTVT thành phố cũng đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch mở tuyến buýt xanh, vận tải khối lượng lớn BTR nối từ Bến xe Miền Đông mới ra Bến xe Miền Tây mới kèm theo một loạt các bãi giữ xe máy dọc tuyến buýt sạch này để trông giữ phương tiện cho người đi xe buýt. Tuy nhiên, ngay khi 2 bãi giữ xe máy trên hè đường Hàm Nghi vừa được đề xuất mở ra để giữ xe miễn phí cho người đi xe buýt, Sở GTVT đã không nhận được sự đồng thuận của UBND quận 1.

Trong đó, UBND quận 1 đã không đứng về lợi ích của số đông, mà ngược lại địa phương này lại đứng ra bảo vệ quyền lợi cho số ít đơn vị, cá nhân bị ảnh hưởng dù bãi giữ xe đặt trên hè đường - diện tích vốn chỉ dành cho lợi ích công cộng.

Cụ thể, UBND quận 1 tỏ ra “lo xa” khi đề nghị Sở GTVT xem xét lại nhu cầu thực tế của người dân đi xe buýt; tránh để bãi giữ xe 2 bánh miễn phí phục vụ người dân đi xe buýt biến tướng thành nơi trông giữ xe có thu tiền. Đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng rà soát, đề xuất lập bãi giữ xe tại các vị trí không ảnh hưởng đến hoạt động, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp... UBND quận 1 cũng cho biết đã lấy ý kiến của các đơn vị liên quan.

Dù bãi giữ xe nằm ở mặt phía sau, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cũng phàn nàn rằng việc bố trí bãi giữ xe trên vỉa hè gây ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, sinh viên nhà trường. Trường này còn ý kiến là trong khuôn viên trường có bãi giữ xe cho học sinh, sinh viên, còn người dân ở xa đi xe buýt từ nơi ở đến trạm trung chuyển sẽ không có nhu cầu gửi xe.

Để bảo lưu quan điểm, phía UBND quận 1 còn tiếp tục đưa thêm thông tin chủ quan là đã làm việc với Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và được DN này phản hồi rằng học sinh, sinh viên di chuyển bằng xe buýt thì sẽ không sử dụng xe 2 bánh nên làm bãi đỗ xe miễn phí là không phù hợp.

Thậm chí UBND quận 1 còn dẫn lại ý kiến phản ứng của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn: “Đây là trụ sở của công ty, thường xuyên tiếp đón các đoàn công tác trong và ngoài nước nên việc bố trí bãi giữ xe theo đề nghị sẽ gây ảnh hưởng đến mỹ quan chung trong khu vực và hoạt động hợp pháp của DN!” (?).

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, việc xây dựng các bãi giữ xe máy miễn phí này là bắt buộc và sẽ được thực hiện trên nhiều tuyến qua các quận, không riêng gì quận 1.

Theo ông Hưng, việc sắp xếp các vị trí bãi đậu xe miễn phí tại hè đường Hàm Nghi đã được xem xét, nghiên cứu kỹ; trên tuyến bắt buộc phải có để khuyến khích người dân đi xe buýt. Các bãi giữ xe gắn máy miễn phí này không chỉ phục vụ riêng học sinh, sinh viên mà còn nhiều đối tượng khác đi xe buýt. Hiện Sở GTVT đang tiếp tục cùng đơn vị tư vấn và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tiến hành nghiên cứu, xây dựng các bãi giữ xe miễn phí nằm rải rác trên toàn tuyến BRT này.

Ông Hưng khẳng định, việc cấp phép lập bãi giữ xe 2 bánh miễn phí trên vỉa hè đường Hàm Nghi là phù hợp với quy định của UBND TP HCM về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè. Trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi đã chính thức đưa vào khai thác từ cách đây 2 năm với hơn 30 tuyến xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt là đối tượng sinh viên các trường xa trung tâm như Đại học Nông Lâm, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Tôn Đức Thắng cùng các trường lân cận như Đại học Khoa học - Xã hội nhân văn, Đại học Y dược...

Việc tổ chức bãi giữ xe 2 bánh miễn phí nhằm tạo điều kiện chuyển đổi phương thức đi lại, thu hút người dân tham gia sử dụng xe buýt nhiều hơn để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Mục tiêu vì lợi ích cộng đồng lớn như vậy, nhưng các bãi giữ xe máy miễn phí dành cho người đi xe buýt vừa được mở ra trên phần diện tích công cộng đã bị chính quyền địa phương phản ứng. Như vậy, trách nhiệm của quận trung tâm ở đâu trong thực hiện lộ trình giảm xe cá nhân tại thành phố?

Đ.Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/gap-kho-khi-tim-giai-phap-giam-thieu-573124/