Gặp lại 'các cô Sè Ghềnh' qua sách 'Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975'

Mấy năm gần đây, những ngày cận Tết, nhà văn Phạm Công Luận thường tất bật tới lui các nhà in để theo dõi tình hình in sách mới của anh. Xuân Giáp Thìn năm nay, tác giả bộ sách 'Sài Gòn - Chuyện đời của phố' ra mắt độc giả tác phẩm mới với đề tài rất lạ 'Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975'. Sách được Công ty Phương Nam Book phát hành vào thượng tuần tháng 2.2024.

Cách đây hơn nửa năm, trong buổi café, anh bộc bạch: “Tôi đang viết sách về biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975.” Tôi hỏi: “Vì sao anh chọn đề tài này, có vẻ khá gai góc?” Anh cho biết sau một thời gian dài đọc nhiều báo và tạp chí xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975, anh nhìn ra một điều là thể loại biếm họa trong đó vô cùng phong phú, rất đa dạng về nội dung, có được sự đóng góp của nhiều cây bút tài hoa từ khắp mọi miền trong suốt những năm từ thập niên 1930 đến 1970.

Biếm họa báo chí của giai đoạn đó thật sự bám sát hành trình của đời sống xã hội, của thời cuộc, của nền chính trị và theo được những bước thăng trầm của đời sống văn hóa người Việt những năm hậu chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, khi trò chuyện với nhiều người về giới họa sĩ biếm ngày xưa, hầu như không mấy ai còn nhớ đến họ ngoài hai tên tuổi là Chóe và Ớt.

Theo Phạm Công Luận: “Biếm họa báo chí Sài Gòn trước 1975 là cả một khoảng trời và trên đó có rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ khác nhau, phát ra những luồng ánh sáng riêng biệt, rất lạ và rất đẹp. Những người tài hoa đó, tác giả của “Bé Ngôn – Bé Luận”, “Anh Tám Sạc-ne”, “Anh Năm Trật Búa” nay ở đâu? Còn Đức Khánh, Văn Hiếu, Diệp Đình, Bình Thành, Hưng Hội, Cẩm Đường, Tám Bờm... là những ai, đang còn sống hay đã mất?”. Đây chính là lý do anh chọn đề tài này, như bộc bạch trong lời ngỏ cuốn sách mà tôi đang cầm trên tay, một cuốn sách có khổ to như một tờ báo xuân, trình bày và in ấn rất đẹp.

Trong Lời ngỏ, tác giả Phạm Công Luận bộc lộ tình cảm trân trọng tài năng của các họa sĩ biếm. Anh viết: “Họa sĩ biếm đáng được kính nể. Họ có thể vẽ tranh, vẽ nhân vật rất sinh động, lại biết cách diễn đạt khúc chiết ý tưởng của chính họ qua các hình tượng. Ngôn ngữ tranh biếm cô đọng, có khi không cần lời, chỉ cần một biểu tượng là có thể nhận diện ra một kế hoạch, một âm mưu, một tham vọng hay vấn đề lớn của một con người, một chính khách. Dáng nằm của một người nghèo có thể thấy cả cuộc đời bất hạnh. Những câu hỏi vây quanh một người có thể thấy cả một trời trăn trở của người đó trong hoàn cảnh xã hội cụ thể. Tính biểu đạt của biếm họa rất lớn, có bức chứa nhiều tầng nghĩa phải ngẫm nghĩ mới hiểu hết”.

Khi được xem bản thảo từ tay tác giả, tôi buột miệng thốt lên: “Có Các cô Sè Ghềnh nữa à?”. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mấy cô gái chân dài đăng trên báo ngày xưa. Sè Ghềnh là cách đọc trại đi kiểu nửa quê nửa tỉnh từ “Sài Gòn” của những người ở nơi khác đến. Các cô gái Sài Gòn tân thời ngày đó, được họa sĩ Đức Khánh vẽ theo phong cách mới có đôi chân dài, nét chân dài rất ấn tượng nhưng vẫn cân đối.

Các cô Sè Ghềnh trong từng kỳ đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong vừa có chất hồn nhiên vừa thực tế, vừa tiểu thư vừa xông xáo, ngây thơ nhưng không cả tin, không dễ bị lừa. Có cô ảnh hưởng lối sống của giới hippy thời thập niên 1970, sống với thái độ hiện sinh và nhìn đàn ông bằng cái nhìn tỉnh táo và phán xét. Loạt tranh Các cô Sè Ghềnh là góc nhìn hóm hỉnh của họa sĩ Đức Khánh về lối sống của một lớp người trẻ, thuộc tầng trung lưu ở đô thị lớn, nét phồn hoa của Sài Gòn ngày đó.

Trước đây, tôi biết và rất thích mấy bức ký họa chân dung văn nghệ sĩ Sài Gòn của họa sĩ Tạ Tỵ. Chỉ vài nét đơn giản tạo khối, đánh bóng, tác giả đã thể hiện rõ diện mạo và cá tính riêng của từng nghệ sĩ. Đọc cuốn sách này, tôi biết thêm về họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ theo lối “Tướng tinh họa” với những nét to, gồ ghề, cá tính.

Tác giả phong cách “Tướng tinh họa” đã trần tình với các bạn văn nghệ như sau: “Tôi đã yêu và tìm hiểu các bạn! Nếu ‘hình dung cổ quái’ thì cũng vì ‘dị nhân dị tướng’. Nhìn các bạn bằng mắt, bằng tim, bằng óc, tôi cố tả tướng bạn, tình bạn. Và cho đến ngày nay, tôi tưởng chỉ nhìn được bạn đến thế này.”

Sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 có ghi lại câu chuyện ngày Xuân khá thú vị. Số là, năm Canh Tý 1960, báo Tự Do ra Giai phẩm Xuân với tranh bìa nền đỏ tươi, vẽ bầy chuột năm con với màu sắc khác nhau, xám, tím, đỏ, đen, vàng đang cùng nhau đục khoét trái dưa hấu. Báo ra hơn nửa tháng, đến mùng 5 Tết, tòa soạn báo Tự Do bị cảnh sát xông vào thu hết các số xuân còn lại. Dư luận trong làng báo chí xôn xao, nhiều người đoán già đoán non, chắc tranh bìa vẽ có ẩn ý châm biếm chính quyền…

Mọi người lại đồn đoán và lo cho số phận tác giả vẽ tranh. Họ đoán là ông Phạm Tăng, may lúc đó ông đang ở nước ngoài nên chắc chẳng sao. Vài tuần rồi chuyện cũng qua đi. Hơn nửa thế kỷ sau, có nhiều tư liệu khẳng định: tác giả bức tranh bầy chuột năm xưa chính là họa sĩ Nguyễn Gia Trí, bậc thầy về tranh sơn mài Việt Nam.

Các họa sĩ: Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Gia Trí, Phạm Tăng, Tạ Tỵ là đồng môn, cùng xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương.

* * *

Sách Biếm họa trên Báo chí Sài Gòn trước 1975 của Phạm Công Luận gợi lại trong tôi ký ức ngày tháng cũ, thời lén đọc báo của người lớn, tìm thấy góc trang dành cho thiếu nhi là đủ vui. Đó là những trưa không ngủ, trốn lên gác đọc báo, đôi lúc có tiếng còi rúc to mỗi khi xe lửa đi ngang qua khu nhà tôi ở đường Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần. Nhiều lúc đã bật cười về sự tình của hai cậu bé trạc tuổi tôi lúc đó, bé Ngôn và bé Luận qua những băng tranh ngắn, dí dỏm của họa sĩ Văn Hiếu.

Các tranh về thời sự tôi chỉ lướt qua nhưng cũng kịp nhớ hình ảnh mấy ông tai to mặt lớn ngày đó qua nét biếm họa của họa sĩ Chóe. Nay xem lại sách Biếm họa trên Báo chí Sài Gòn trước 1975 mới thấy rõ tài năng của các họa sĩ biếm, họ không chỉ vẽ đẹp, hài hước mà bên trong còn chứa đựng những ý tưởng rất sâu sắc.

Hoàng Phương Anh

Sài Gòn, tháng Giêng Xuân Giáp Thìn 2024

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gap-lai-cac-co-se-ghenh-qua-sach-biem-hoa-tren-bao-chi-sai-gon-truoc-1975-42609.html