Gặp lại Vĩnh Yên Vĩnh Phú

LTS: 50 năm trước, tỉnh Vĩnh Phú (từ năm 1997 là tỉnh Vĩnh Phúc) đã lần lượt tiếp nhận nhiều đợt khác nhau gần 600 học sinh miền Nam về sống và học tập từ năm 1968 đến 1975. Số học sinh miền Nam này là con em của các cán bộ dân sự và quân sự đang được phân công làm nhiệm vụ cho đất nước ở chiến trường miền Nam. Dù hoàn cảnh sống trong thời kỳ chiến tranh còn rất khó khăn, đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phú khi ấy, với sự giúp sức của các cơ quan trung ương, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để học sinh miền Nam được sống và học tập trong sự chăm lo chu đáo và tình cảm ấm áp. Hầu hết học sinh miền Nam ở Vĩnh Phú đã trưởng thành, đã có những đóng góp tích cực cho đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Từ ngày 20 - 23.4.2018, 180 cựu học sinh miền Nam Vĩnh Phú đã trở lại mảnh đất mình từng sống để tổ chức lễ hội “50 năm học sinh miền Nam Vĩnh Phú”, bày tỏ lòng tri ân thông qua các hoạt động: đóng góp 100 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học của tỉnh Vĩnh Phúc, thăm hỏi và đóng góp cho các quỹ người cao tuổi ở Mộ Đạo, Lý Nhân, Phú Xuân - Bình Xuyên, Hồ Sơn - Tam Đảo, Hà Bắc; tặng 120 suất học bổng cho học sinh tại Vĩnh Yên và vùng lân cận; thăm và đóng góp quỹ trường PTTH Bến Tre (Phúc Yên)...

Ban liên lạc học sinh miền Nam Vĩnh Phúc họp mặt Tết Mậu Tuất 2018 với sự hiện diện của một trong những người yêu thương, chăm sóc học sinh miền Nam trên đất Bắc - bà Ngô Thị Huệ, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Câu chuyện làm gì để kỷ niệm 50 năm học sinh miền Nam (HSMN) ở Vĩnh Yên Vĩnh Phú được bắt đầu từ gần hai năm trước ở Sài Gòn. Lẻ tẻ theo từng mốc thời gian khác nhau trong 50 năm ấy, đã có những cá nhân, những nhóm HSMN về thăm lại chốn xưa. Những mẩu chuyện theo về miền Nam từ các chuyến đi ấy hóa ra đều giống nhau: “Cảnh xưa dù khác, người quen cũ thưa rồi nhưng vẫn còn bạn bè, thầy cô và bà con thôn xóm ngoài Vĩnh Yên Vĩnh Phú ấy nhớ HSMN chúng mình”.

1. Còn nhớ ư, thương thế. Mà HSMN chúng mình cũng vậy mà, dù thời gian đã làm sậm da trắng tóc thì dường như cũng đâu có ai quên những kỷ niệm cháy dạ thắt lòng thuở học trò ở Vĩnh Yên Vĩnh Phú... Còn nhớ nhau. Chỉ cần vậy thôi là đủ gieo mầm và thôi thúc để có một cuộc gặp lớn. Gặp lại người, gặp lại vùng đất đã cưu mang, che chở tuổi thơ HSMN xa cha, vắng mẹ. Nỗi nhớ gọi Nam, gọi Bắc. Gọi trò, gọi thầy. Gọi cả những cán bộ phụ trách thôn xóm ở Mộ Đạo - Bình Xuyên vốn chỉ biết đến HSMN qua chuyện kể của ông bà cha mẹ...

Một góc trường cũ ở Vĩnh Yên - nơi HSMN sống và học tập từ năm 1968 - 1972

2. Kế hoạch kỷ niệm 50 năm HSMN Vĩnh Phú thế là đã được khơi ra và hào hứng bàn bạc hơn một năm trời, bằng đủ mọi phương tiện: email, tin nhắn, messenger. Và những lần họp mặt khi ngắn ngủi lúc dông dài, khi đông khi vắng, ở Sài Gòn hay Tây Ninh, Kiên Giang hay Bình Dương... kể cả khi tiếp đón hai chị em ruột Irene và Monique - hai bạn HSMN đặc biệt người Cameroun vượt mấy chục ngàn cây số về Việt Nam hội ngộ gia đình HSMN vào dịp Tết Mậu Tuất cũng vẫn chen vào câu chuyện “50 năm HSMN Vĩnh Phú”...

Những người cầm càng tích cực nhất để “chuyến xe 50 năm” lăn bánh và tăng tốc là Võ Minh Trí, Trần Thu Thảo, Nguyễn Thành Nhân, Võ Quang Triết, Châu Nhật Sinh, Dương Thanh Mai, Võ Hiếu Dân, Huỳnh Văn Thòn, Thu Hà, Bạch Yến, Phạm Việt Hùng... Không có năng lực tổ chức và sự thúc đẩy của họ, lúc gay gắt lúc dịu mềm, lúc cấp tập lúc thả lỏng thì chẳng thể nào hoàn thành được một khối lượng lớn công việc khiến cho tầm vóc của ngày hội - gặp - lại - Vĩnh Yên Vĩnh Phú đằm thắm hơn về tình cảm, sâu hơn về tầm nhìn, cao rộng hơn về lòng tri ân.

Lịch tháng Tư mới vừa bóc đi những trang đầu tiên mà các nhóm lớp HSMN Vĩnh Phú đã sẵn sàng hơn 200 triệu đồng đóng góp nhỏ nhoi cho Quỹ Khuyến học tỉnh, cho các suất học bổng của 5 trường tiểu học, cho quỹ trợ khó cho thôn Mộ Đạo, cho trường cấp 3 Bến Tre...

Các thế hệ học sinh miền Nam Vĩnh Phú, Tết Mậu Tuất 2018

Ngay cả quà tặng các đại biểu là thầy cô giáo từng dạy HSMN, là bạn học cũ người tại chỗ, là lãnh đạo đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cũng được chăm chút ý nhị: gói cà phê, lọ tinh dầu, cuốn tạp chí, chiếc khăn rằn... gần như đều là những sản phẩm do HSMN Vĩnh Phú trực tiếp hoặc gián tiếp làm ra và góp mặt trên thị trường trong nước.

Không thể không cảm động khi cuốn sách Trường học sinh miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú 1968 - 1972 đã kịp chạy đua với thời gian để ra mắt vào dịp vô cùng ý nghĩa này. Cuốn sách thực sự là sản phẩm “trăm phần trăm” của học sinh miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú, từ việc tài trợ đến viết bài, từ việc tiếp cận và nghiên cứu trích lục tài liệu đến xúc tiến in ấn. Dưới sự chủ trì của chủ biên Cao Văn Dũng và sự nỗ lực của các thành viên Nguyễn Thị Bích Liên, Văn Hoài Nam, Phạm Quốc Tâm, Nguyễn Thị Thư, mỗi trang sách là một trang lịch sử của ngôi trường và nhiều cuộc đời HSMN.

Đáng yêu nhất là những trang thấm đẫm tình yêu thương bạn bè đồng cảnh dành cho nhau lúc đói no, ấm lạnh; là những trang đượm nồng tình cảm yêu kính mà đứa học trò nhỏ dành cho thầy giáo của mình. Trần Ngọc Viễn, trong bài Thầy cô Trường Vĩnh Yên đã có đoạn viết rất cảm động: “Lên lớp 9 chúng tôi học toán với thầy Kưu. Thầy cũng là người Hà Nội gốc như thầy Nguyễn Đức Long. Thầy dạy chúng tôi cả năm lớp 10 ở Núc Hạ (...).

Đêm Noel năm 1972, tôi và thầy đứng từ Núc Hạ nhìn về Hà Nội, mỗi khi lửa B52 bừng sáng theo tiếng nổ, lại thấy toàn thân thầy run lên. Mờ sáng hôm sau, thầy đạp xe về Hà Nội, rồi đêm đó trở lại nói may quá, nhà thầy an toàn.

Còn nhiều thầy cô nữa. Các thầy cô người miền Nam như thầy Đỗ Đức Lập - Hiệu phó của trường, thầy Nguyễn Thành Mỹ dạy sử, cô Cao Nguyệt Ánh dạy lý, cô Lê Thị Tho dạy sinh vật... Các thầy cô người miền Bắc như thầy Lê Ngọc Lập dạy văn, thầy Nguyễn Tấn Mỹ dạy chính trị, cô Hiền dạy hóa... mà trong hồi ức của mình nhiều anh chị bạn bè HSMN đều có nhắc. Ơn các thầy cô, chú bác, HSMN không bao giờ quên”.

Đại diện HSMN Vĩnh Phú với các vị lãnh đạo thành phố Vĩnh Yên, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh và Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc tại vị trí sẽ đặt biểu tượng tri ân trong năm 2018

3. Càng gần đến ngày hội lớn với Vĩnh Yên Vĩnh Phú, càng thấm thía độ bền chặt của sợi dây tình cảm đặc biệt mà người và đất Vĩnh Phú đã dành cho học sinh các trường HSMN tại mảnh đất này những năm gian khó 1968 - 1972. Nghe nói các HSMN từng học tập ở trường Bến Tre và từng sống trong các nhà dân thôn Mộ Đạo sẽ về thăm trong tháng 4 năm nay, cô bác anh chị thôn Chùa, thôn Giữa phân công nhau chuẩn bị một buổi gặp mặt tưng bừng tới hơn trăm người.

Một danh sách 41 hộ dân Mộ Đạo có HSMN từng ở đã được lập ra để đón tiếp. Có nhà các cụ thời ấy còn sống. Có nhà các cụ đã quy tiên chỉ còn con cháu. Bà Ngó, nay đã 80 tuổi đang chờ gặp lại hai học sinh lớp 9 bà từng cho ở trong nhà là Dương Thanh Mai và Nguyễn Thế Thanh. Còn học sinh lớp 10 Lê Thành Chỉnh thì hồi hộp chờ gặp lại cụ Hồ chủ nhà và con của cụ là ông Hải. Học sinh lớp 8 Nguyễn Thị Bạch Mai thì chưa biết mình có thể gặp lại chủ nhà từng cho mình tá túc những tháng ấy là cụ Điền, ông Thuận hay không...

Irene Oandíe và Monique Oandíe, người Cameroun (giữa), trở lại thăm Việt Nam - quê hương thứ hai của mình

Thời gian 50 năm quá lâu đã đưa nhiều cụ về trời trước ngày hội ngộ với những người mình đã cưu mang năm xưa. Anh Trần Ngọc Tư - bạn học trường cấp 3 Bến Tre năm xưa với nhiều HSMN, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, bảo: “Người ta có thể yêu nhau rất lâu, thậm chí yêu mãi được. Nhưng chẳng ai có thể sống mãi để chờ gặp được nhau. Có một cách để người ta có thể gặp nhau bất cần thời gian, đó là nhớ mãi về nhau và thương nhau. Như cách các cậu ở trong ấy và chúng tớ ở ngoài này nhớ nhau, gọi nhau ấy. Như cách các cậu trở lại Vĩnh Yên chuyến này, chưa phải quá muộn, dù đã 50 năm”.

Trần Ngọc Tư chính là con thoi, là đầu mối gắn kết tất cả các chương trình kỷ niệm 50 năm HSMN Vĩnh Phú lần này. Từ chuyện ăn ở, xe đưa đón đến lễ lạt chính, phụ. Không có đầu mối hiệu quả là anh và sự nhiệt tình hỗ trợ của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của lãnh đạo thành phố Vĩnh Yên, của giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, khó có thể chọn được vị trí rất đẹp để đặt biểu tượng tri ân nhân dân Vĩnh Phú ở Công viên Bảo tàng - một việc làm mà HSMN Vĩnh Phú tha thiết thực hiện trong năm 2018.

Biểu tượng tri ân bằng đá hoa cương này khi được dựng xong, hy vọng đẹp một cách giản dị, sẽ góp thêm một tiếng nói cho thông điệp mà nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã gửi đến cho bạn đọc thơ mình:

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.

Bài: Nguyễn Thế Thanh - Ảnh: Nguyễn Hoàng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/gap-lai-vinh-yen-vinh-phu-13359.html