Gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Long

Văn hóa và Đời sống - Lần gần đây nhất, Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Long ra khỏi thôn Bái Gạo 2, xã Mậu Lâm (Như Thanh) chính là khi mẹ đi Hà Nội, ngày 25-7-2020, trong chương trình 'Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020'. Khi ấy mẹ là một trong số 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện cho gần 5.000 mẹ còn sống tề tựu tại thủ đô.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Long bên con dâu và chắt. Ảnh: Trần Đàm

Lần này gặp lại, tôi thật sự mừng, mẹ rất nhanh nhẹn, hoạt bát so với tuổi 88. Quả thật, chẳng mấy ai nghĩ những người mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó, có mẹ Bùi Thị Long, trải qua rất nhiều đớn đau trong cuộc đời vẫn “anh hùng” vươn lên sống cuộc đời vui vẻ.

Mẹ Bùi Thị Long (SN 1933), đã từng trải qua những ngày tháng là dân quân du kích, chứng kiến khung cảnh cải cách ruộng đất, rồi sau này làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, Bí thư Đảng ủy xã. Công việc giúp mẹ sống khỏe mạnh, có ích hơn và cũng chính công việc giúp mẹ vơi bớt những nỗi đau.

Mẹ có 6 người con, 2 người ra đi mãi mãi không về. Người con thứ 2, anh Quách Văn Minh (SN 1963) lên đường nhập ngũ năm 1982 khi vừa mới bước qua tuổi đôi mươi. Đây là giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam ác liệt. Chàng trai hào hứng ra trận và mãi mãi không về với vòng tay mẹ. Anh Minh hy sinh năm 1985. Khi hỏi về anh Minh, mẹ Long lục tìm trong ngăn tủ những kỷ vật cất giữ bao năm. “Tiếc lắm con ạ, thằng Minh viết mấy lá thư về, mà giờ mẹ chỉ giữ được duy nhất một lá thư”. Rồi mẹ đưa cho tôi lá thư đề “Đêm 20-12-1983”, trong đó có đoạn: “Hiện nay con đang học tại Trường Đào tạo cán bộ thị xã Xiêm Riệp, thời gian đào tạo 6 tháng, khi ra trường phong thiếu úy, làm trung đội trưởng. Hiện giờ con đã học được 3 tháng. Nói chung, học ở trường có khó khăn nhưng đối với con, con sẽ cố gắng để đạt được mục tiêu, lý tưởng của con và sự mong muốn của bố, mẹ và toàn thể gia đình”. Anh Minh còn viết: “Về địch, vừa qua trung đoàn đã đánh bật một tiểu đoàn Pôn Pốt tiêu diệt và bắt sống 200 tên... Về ta có hy sinh và bị thương một số ít thôi"... Cầm lá thư, đôi mắt rưng rưng mà vẫn đọc chính xác từng con chữ, vì mẹ đã đọc không biết bao lần: “Con mong bố, mẹ hãy hiểu và thông cảm cho các con nhiều. Và con nguyện sẽ cố gắng học tập rèn luyện để đạt được mong muốn của con và để khỏi phụ lòng của bố mẹ chăm lo và dạy dỗ con”. Tờ thư đã nhàu đi nhiều và cũng thấm không ít nước mắt của mẹ.

Mẹ nhớ lại ngày nhận hung tin: “Lúc đó, mẹ đang chủ trì cuộc họp ở UBND xã thì nhận giấy báo tử của Minh. Bao nhiêu chờ đợi, thương nhớ con trai, giờ đây còn lại là tờ giấy báo và chiếc chăn con công được đồng đội gửi về. Thế mà nó đã từng gửi thư dặn dò bố mẹ sống vui vẻ chờ ngày về sẽ cưới vợ, cho mẹ có thêm con dâu và cháu bế bồng”.

Nỗi đau này chưa vơi, nỗi đau kia ập đến. Người con trai thứ 4, anh Quách Văn Quang (sinh năm 1967) của mẹ Long cũng đã hy sinh ở đảo Mê trong một lần làm nhiệm vụ. Ấy là năm 1997, đất nước hòa bình đã hơn 20 năm rồi, nhưng sự hy sinh mất mát của người lính có thể diễn ra bất cứ lúc nào. “Khi đó, cả nhà giấu mẹ và vợ Quang. Lúc đó, vợ Quang đang mang thai đứa con thứ 2 ở tháng thứ 8. Phải sau 10 ngày, khi tất cả các thủ tục đã hoàn tất mẹ mới biết thông tin này”, giọng mẹ nghẹn ngào. Nỗi đau dù có cất sâu, ủ kín thì khi nhắc đến vẫn vô cùng nhức buốt. Mẹ Long đã trải qua những tháng ngày sống còn hơn chết.

Đó còn chưa kể đến sự ra đi của người em trai mà mẹ Long chăm sóc yêu thương không khác gì con mình. Đó là liệt sĩ Bùi Văn Tiếp - hy sinh tại chiến trường hạ Lào trong một trận đánh mở đường máu để cho các đồng đội được an toàn thoát ra.

Ngày hôm nay, tôi và bao nhiêu người mỗi khi được nghe kể lại chuyện ở vài chục năm về trước với sự hy sinh, chia ly của những người chiến sĩ và người thân, gia đình để ra chiến trường cũng cảm thấy nơi khóe mắt rưng rưng. Để hiểu rằng những người như mẹ Long thật vĩ đại, gánh trọn nỗi đau mất con trong những giọt nước mắt không thể rơi thêm được nữa. Nhưng mẹ vẫn phải sống, phải chờ đón con về đất mẹ.

Mất con là mất đi một phần máu thịt của chính mình, mẹ Long chia sẻ. Chính vì thế năm 2016, khi hài cốt của liệt sĩ Quách Văn Quang được đưa về, mẹ vui lắm. “Nó đã ấm áp kề bên mẹ và các anh, còn thằng Minh...”, mẹ dừng lại nghẹn ngào. Rồi mẹ kể cho chúng tôi nghe về người vợ của anh Quang. Sau rất nhiều lần mẹ giục chị Định đi bước nữa, lập gia đình mới, nhưng chị cương quyết ở vậy nuôi con khôn lớn. Hai đứa con, một đứa bị dị tật bẩm sinh, đến năm 15 tuổi thì mất. Đứa con gái thứ 2, tốt nghiệp Đại học Luật đã 3 năm nay nhưng chưa xin được việc, giờ đã lập gia đình và ở nhà bán hàng tạp hóa với chị Định. Cuộc sống của hai mẹ con hiện nay không còn thiếu thốn, nhưng nỗi buồn thì vẫn còn hằn trên gương mặt của người vợ liệt sĩ.

Anh Quách Văn Sơn, người con trai thứ 3 của mẹ Long, hiện là bác sĩ công tác tại Trạm Y tế xã Mậu Lâm (Như Thanh), kể: “Sau khi nhận được Giấy báo tử của anh Minh, tôi và bố đã từng đi vào tận Tây Ninh tìm hài cốt nhưng không được. Mãi đến năm 1997 mới tìm thấy mộ ở Bình Phước. Kể từ lần đầu tiên tôi đưa mẹ vào thắp nhang cho anh năm 1999 ở nghĩa trang Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), đến nay, mẹ đã 3 lần vào với anh tôi. Đoạn đường từ Thanh Hóa vào Bình Phước hơn 1.200 km, mẹ đã già, nay ốm mai đau không thể đi được nữa. Gia đình chúng tôi đang có kế hoạch dịp 27-7 năm nay sẽ đưa anh về. Chúng tôi không muốn để mẹ phải buồn mãi”...

Chiến tranh đã lùi xa, đau thương còn ở lại, âm ỉ và nhói đau. Cả nước hiện nay có hơn 1,1 triệu liệt sĩ với hàng trăm nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó chỉ gần 5.000 mẹ còn sống. Có sự đền đáp nào sánh bằng với hy sinh của các anh, của những người mẹ Việt Nam vì độc lập, tự do cho đất nước, quê hương.

Mẹ Long nói với chúng tôi: “Mỗi người mỗi phận, mẹ còn may mắn hơn rất nhiều bà mẹ khác là vẫn còn 4 đứa con bên cạnh. Chỉ cần đón được Minh về đây là mẹ toại nguyện rồi. Những đứa con của mẹ đã khôn lớn, trưởng thành, đã là những người ông, người bà, nên mẹ không còn gì để lo lắng”.

Tuổi già như ngọn đèn trước gió, nhưng nói như anh Sơn: “Có mẹ, anh em chúng tôi thấy vững vàng hơn rất nhiều. Với chúng tôi lúc này, cần nhất là sức khỏe của mẹ”. Chia tay Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Long, chúng tôi cầu chúc mẹ luôn giữ gìn sức khỏe và mong muốn gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/gap-me-viet-nam-anh-hung-bui-thi-long/19503.htm