Gặp 'Một thời Hà Nội hát' trong du khảo của Nguyễn Trương Quý

Sau ba năm không ra sách, nhà văn Nguyễn Trương Quý vừa trở lại với một cuốn du khảo đặc biệt: 'Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca'.

Tiếp tục đề tài âm nhạc mà Nguyễn Trương quý từng đeo đuổi và đã từng ra sách “Còn ai hát về Hà Nội” cách đây 5 năm, với “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” (NXB Trẻ ấn hành) để lại dấu ấn của mình không chỉ ở độ chín của nghiên cứu mà anh vẫn giữ được giọng điệu văn chương riêng.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Điều thú vị, “Một thời Hà Nội hát” được khởi đi từ một bài báo Tết Nguyễn Trương Quý viết năm ngoái. Đó là bài viết dài chỉ khoảng 3.000 chữ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khóa học cao học ở một đại học Anh, Trương Quý nảy ra ý tưởng làm sách. Do tâm huyết với đề tài và đã có thời gian theo dõi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn từ lâu, từ khi nhạc sĩ còn sống anh đã từng gặp gỡ, trờ chuyện, do vậy việc hoàn thành bản thảo không quá khó khăn.

Cuốn sách này cũng cho thấy phương pháp nghiên cứu của tác giả, khi kết hợp giữa phỏng vấn các nhân vật, với việc so sánh văn bản các ca khúc đồng thời khảo cứu nhiều tư liệu liên quan trên các trang báo xuất bản vào quãng những năm 1940, 1950.

Từ trái qua: Từ Linh và Đoàn Chuẩn hồi những năm 1980

Lý do chọn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn làm nhân vật trung tâm của cuốn sách, theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, vì Đoàn Chuẩn hội đủ các yếu tố anh thấy cần có: tác phẩm, cuộc sống và sự gắn bó của nhân vật ấy với Hà Nội. “Ở đây Đoàn Chuẩn là một nhân vật có đủ những khía cạnh để đại diện. Một đô thị quyến rũ là nơi tồn tại những huyền thoại phố phường, những vẻ đẹp lãng mạn được truyền tụng. Đoàn Chuẩn là một phát ngôn viên, một sứ giả cho vẻ đẹp ấy”- Trương Quý nói.

Tuy nhiên, điều quan trọng khiến Nguyễn Trương Quý nhìn thấy qua câu chuyện của Đoàn Chuẩn trong thời điểm bản lề 1954-1956 là sự chuyển hóa của một đô thị thuộc địa sang thủ đô một chính thể mới. Cuộc đời sáng tác và hoạt động âm nhạc của Đoàn Chuẩn vào giai đoạn ngắn này có lẽ là sôi động nhất, gắn với khung cảnh đổi thay của Hà Nội.

Bản nhạc “Gửi gió cho mây ngàn bay” có chữ ký của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được công bố trong cuốn sách

Đoàn Chuẩn vô tình là người cuối cùng sáng tác theo xu hướng lãng mạn của tân nhạc ở miền Bắc và chính ông cũng là chủ rạp Đại Đồng, nơi duy trì các buổi biểu diễn âm nhạc với nhiều bài hát lãng mạn vẫn được biểu diễn xen kẽ các bài hát mới. Những sự biến động cả về âm nhạc lẫn tình cảm của Đoàn Chuẩn dường như là tấm gương phản chiếu mạch văn nghệ và tâm tình người Hà Nội giai đoạn ấy.

Nhân dịp cuốn sách ra mắt, hai đêm nhạc “Một thời Hà Nội hát – Chuyện tình tà áo xanh” được tổ chức với sự tham gia của nhiều vị khách mời. Trong đó con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, con trai của Từ Linh, cùng nhiều ca sĩ, nhà nghiên cứu như ca sĩ Giang Trang, Trí Trung, Hoàng Lân, Hoa Sen và tiếng đàn guitar Hawaii của nghệ sĩ Đoàn Đính…

Thông tin về đêm nhạc đầu tiên được thiết kế mô phỏng một quảng cáo trên báo chí những năm 1950

Cụ thể, vào 19h ngày 14/12, đêm nhạc đầu tiên diễn ra tại chính địa điểm xưa là Rạp Đại Đồng (46 Hàng Cót, Hà Nội) – nơi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn phụ trách và cho ra đời nhiều ca khúc tại đây.

Đêm thứ hai sẽ diễn ra lúc 19h ngày 16/12 Ơ Kìa Hà Nội (số nhà 39, ngách 39, ngõ 639 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). Cả hai đêm nhạc này đều do nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp thực hiện.

Trong cả hai đêm nhạc này, bên cạnh những bài hát được vang lên, là những trò chuyện của nhà văn Nguyễn Trương Quý cùng nhiều phần tích, chuyện kể của các nhạc sĩ, nhà Hà Nội học về một thời kỳ của tân nhạc Việt Nam, với những gương mặt như Đoàn Chuẩn, Nguyễn Thiện Tơ… Những câu chuyện đã thành giai thoại và những bí mật về một thời Hà Nội hát sẽ được kể ra giúp khán giả có thể hình dung về một giai đoạn văn nghệ gắn với thị dân của Hà thành…

Bài và ảnh: Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/gap-mot-thoi-ha-noi-hat-trong-du-khao-cua-nguyen-truong-quy-d2059954.html