Gặp nạn mới nghĩ tới bảo hiểm

'Từ trước đến nay, không quen mua bảo hiểm tàu cá, cùng lắm là chỉ bỏ vài triệu mua bảo hiểm thuyền viên thôi. Lỡ rồi...!', đó là giọng nói đầy tiếc nuối của nhiều ngư dân ở cửa biển Đề Gi. Tàu cá tiền tỷ bị tan thành đống gỗ vụn, lúc đó ngư dân mới bắt đầu nghĩ đến việc mua bảo hiểm với câu nói 'giá mà...!'.

Thuyền trưởng Nguyễn Trực và nhiều chủ tàu cá khác đều trắng tay vì không mua bảo hiểm tàu cá. Ảnh: Văn Chương

Những xác tàu nằm la liệt trên bãi cát. Có những con tàu dài gần 20m, với khoảng 70m3 gỗ, nhưng bị sóng đập nát chỉ còn vài miếng gỗ nhỏ nằm chôn dưới cát. Đó là khung cảnh ở cửa biển Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đêm 15-12, toàn bộ 15 tàu cá của bà con bị lũ trên nguồn cuốn trôi ra khỏi cửa biển Đề Gi. Đến sáng 16-12, hàng ngàn người đã tập trung cứu kéo tàu cá. Có những chiếc tàu còn nguyên vẹn, bị sóng đánh dạt vào bờ. Còn nhiều tàu bị sóng đánh vỡ làm nhiều mảnh. Vào lúc gian nan này, nhiều người đã nói át tiếng sóng biển để hỏi các thuyền trưởng "đã mua bảo hiểm chưa?".

Các thuyền trưởng hốt hoảng vì bị mất tàu tiền tỷ. Đến khi nghe hỏi đến việc mua bảo hiểm không, thì nhiều người chột dạ vì nghĩ đến cảnh mất tàu coi như trắng tay không còn gì. Tại khu vực đầu bãi biển Đề Gi, Thuyền trưởng Võ Văn Thắm đứng bên con tàu cá BĐ 93355 TS, cho biết: "Từ trước đến giờ không mua bảo hiểm, cũng không biết mua bảo hiểm tàu cá cỡ bao nhiêu tiền. Không có bảo hiểm nên bây giờ tàu bị mắc cạn còn phải tốn thêm nhiều tiền thuê mướn".

Chiếc tàu cá của anh trôi ra biển và khi sóng đánh giạt vào bãi cát. Suốt nhiều ngày qua, anh đã thuê xe xúc moi cát, làm đường ray và huy động 3 chiếc sà lan xích kéo tàu vào sâu trong bãi cát được 100m. Anh nói: "Vợ chồng tôi có 5 đứa con. Cả gia đình tôi đều trông vào con tàu này. Thuê mướn mất nhiều tiền rồi, nhưng không biết tàu sẽ còn hay mất. Vài bữa nữa có áp thấp nhiệt đới thì không khéo con tàu hơn 1 tỷ đồng sẽ thành gỗ mục".

Hỏi nguyên nhân vì sao không mua bảo hiểm, trong khi tàu cá có công suất 90CV, từ năm 2011, anh đã nâng cấp lên 230CV, anh Thắm lý giải: Hầu hết các tàu đang bị nạn ở đây chả ai mua bảo hiểm thân tàu, bà con chỉ quen mua bảo hiểm thuyền viên. Câu nói cuối cùng của anh về chuyện bảo hiểm, đó là "giờ chỉ biết bóp bụng chịu và mong ân huệ của Nhà nước".

Theo Nghị định 67 của Chính phủ, tàu cá có công suất từ 90CV đến dưới 400CV khi mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm đến 70%; những tàu thuyền có công suất trên 400CV, phí hỗ trợ là 90%. Còn các thuyền viên đi trên tàu được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên 100%. Như vậy, với việc được Nhà nước hỗ trợ phí tham gia bảo hiểm tàu cá của ngư dân phải đóng là không cao, khi có rủi ro được hỗ trợ tổn thất. Vậy nhưng cả đoàn tàu bị nạn ở cửa biển Đề Gi, phần lớn không mua bảo hiểm.

Cách tàu cá của anh Thắm vài trăm mét là cảnh các ngư dân đang đục đẽo để tháo đống xác tàu, chở về nhà làm củi. Con tàu cá BĐ 93141 TS của Thuyền trưởng Nguyễn Trực, dài gần 16m, rộng 4,2m, công suất 275CV, tổng trị giá 1,4 tỷ đồng đã biến thành đống củi vụn. Khi được hỏi tại sao trước đây không mua bảo hiểm tàu cá, Thuyền trưởng Thắm chỉ biết lắc đầu ngao ngán và thất vọng.

Hiện nay, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đều đã mua bảo hiểm bắt buộc. Còn tàu cá hoạt động trên biển có nhiều rủi ro, nhưng ngư dân lại không mặn mà với bảo hiểm. Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi khi gặp hoạn nạn, không ít ngư dân sẽ trắng tay vì mất "cần câu cơm". Theo ông Trần Văn Phương, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Minh tỉnh Bình Định: “Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền lợi ích của bảo hiểm tàu cá nhiều rồi, nhưng đến nay, ngư dân vẫn không mặn mà. Chúng tôi là đơn vị kinh doanh rất mong ngư dân mua bảo hiểm để tránh rủi ro. Trước đây, một số chủ tàu cá mua bảo hiểm là do vay vốn ngân hàng, nên ngân hàng bắt buộc phải mua. Vấn đề này cần được nghiên cứu để bà con yên tâm vươn khơi bám biển mà không lo thiệt hại mỗi khi hoạn nạn xảy ra”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gap-nan-moi-nghi-toi-bao-hiem/