Gặp người sản xuất hơn 1.200 tập phim Khám phá Việt Nam

Khám phá Việt Nam là một series phim tài liệu phóng sự ngắn, từng là một trong 10 chương trình có nhiều người xem nhất trên VTV1 năm 2011. Người lên ý tưởng và tác giả kịch bản truyền hình đồng thời là nhà sản xuất hơn 1.200 tập phim này là anh Đàm Minh Thụy. PV đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

+ Hơn 1.200 tập phim, mỗi tập 15 phút. Anh làm chúng tôi thật sự ngạc nhiên về con số này?

- Vâng, series phim tài liệu phóng sự này, chúng tôi đã hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam từ hơn 12 năm nay. Mỗi tuần 2 tập. Mỗi năm 104 tập phim sản xuất và phát sóng.

+ Anh có nhớ một vài tập phim mà với anh là ấn tượng nhất không?

- Có chứ! Ấn tượng thì nhiều lắm! Nhưng tôi nhớ "Người đàn ông ngủ dưới biển", "Treo người đập đá ở Hà Giang", "Nhà Trình tường ở Lạng Sơn", "Suối Cá Thần Cẩm Thủy", "Kỳ thú Biển Nam"…

 Anh Đàm Minh Thụy - tác giả format, kịch bản truyền hình series phim Khám phá Việt Nam.

Anh Đàm Minh Thụy - tác giả format, kịch bản truyền hình series phim Khám phá Việt Nam.

+ Anh có thể kể về tập phim để lại nhiều kỷ niệm nhất?

- Lần ấy chúng tôi về Thanh Hóa công tác. Sau khi xong việc, các anh ở Sở Văn hóa Thông tin có dẫn đi Cẩm Thủy xem Suối Cá Thần. Tôi đã ngẩn ngơ tự hỏi sao thiên nhiên nước mình kỳ thú vậy. Chừng 10 giờ sáng, cá ở trong lòng núi bơi ra nhiều đến mức kinh ngạc. Những con cá môi đỏ, bơi xung quanh chân những người phụ nữ giặt đồ ở suối trông thật thanh bình. Tôi hỏi một bạn trẻ xem Suối Cá Thần có lâu chưa? Bạn ấy nói thời ông nội em, em đã nghe nói là có từ bao giờ rồi ấy. Cũng nhiều đời người rồi anh ạ! Có những năm lũ về, cả khu vực ngập trắng nước. Vậy mà khi nước rút hết, cá vẫn ở đấy. Thật là kỳ diệu!

 Khám phá ẩm thực miền núi A Lưới, Huế.

Khám phá ẩm thực miền núi A Lưới, Huế.

+ Ý tưởng làm series phim này anh có từ khi nào?

- Từ khi tôi được nghe kể chuyện về sự hy sinh của 16 cô gái. Gọi là hang 16 cô ấy. Chúng ta biết Ngã ba Đồng Lộc và 10 cô gái hy sinh. Chúng ta cũng biết 13 cô gái hy sinh ở Hang Lèn Hà. Nhưng câu chuyện tôi nghe kể ở đây là một cái hang còn chưa có tên, các cô gái cũng chưa được xác định đủ tên, tuổi. Tự nhiên tôi nghĩ, làm cách nào để nói lên tiếng nói của tất cả chúng ta, để không một ai, không một sự kiện nào bị lãng quên. Và tôi muốn làm một series phim về những chuyện như vậy.

+ Vì sao từ câu chuyện con người mà lại thành phim Khám phá Việt Nam?

- Vì tôi nghĩ, ở đâu thì không biết chứ ở Việt Nam mình, Đất và Người là hai từ thiêng liêng luôn gắn liền với nhau. Khám phá những vùng đất, tìm hiểu những con người, những con người bình dị, như Nguyễn Khoa Điềm đã viết “Họ đã sống và chết. Giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” là tinh thần xuyên suốt mà chúng tôi đã cố gắng làm bằng được, ngay từ khi viết format, kịch bản demo và các chủ đề đầu tiên.

 Khám phá khu thủy đạo Xẻo Quít, Đồng Tháp.

Khám phá khu thủy đạo Xẻo Quít, Đồng Tháp.

+ Khi xây dựng đề án hợp tác với VTV, anh có tính đến chuyện chương trình sẽ dài như thế này không?

- Có chứ! Sau khi viết xong format, kịch bản demo của 5 phim đầu tiên. Chúng tôi bắt tay vào việc tìm kiếm các chủ đề cho năm đầu tiên. Tôi còn nhớ, chỉ riêng Thanh Hóa, và riêng ở vùng Ngàn Nưa, chúng tôi đã tìm ra 19 chủ đề mà vẫn còn có thể tìm thêm. Các chủ đề đều khá hấp dẫn. Chúng ta có 63 tỉnh thành với hơn 500 vùng đất như vậy. Theo tính toán của tôi, Khám phá Việt Nam, với hơn 1.200 tập phim đã phát sóng, cũng mới chỉ đi được một chặng đường ngắn thôi. Đường còn dài lắm!

 Chùa Hoằng Phúc 700 năm tuổi, Quảng Bình.

Chùa Hoằng Phúc 700 năm tuổi, Quảng Bình.

+ Làm cách nào anh có thể sản xuất được các tập phim khắp đất nước vậy?

- Đây là vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết từ những ngày đầu tiên. Khám phá Việt Nam không thể làm cuốn chiếu, từ tỉnh này sang tỉnh khác theo kiểu lần lượt được. Nó phải được thực hiện theo tinh thần phủ rộng khắp cả nước với tiêu chí, đề tài hay, mới, lạ sẽ phải làm ngay, làm kỹ. Vì thế, nhân lực, kinh phí, trang thiết bị phải được bố trí hợp lý.

Chúng tôi tổ chức các ê-kíp gọn nhẹ, cơ động cả về nhân lực và thiết bị. Có thời điểm chúng tôi có tới 8 ê-kíp làm phim như vậy. Mỗi kíp thường chỉ có 3 người. Quay phim, đạo diễn, nội dung và điều phối rất nhịp nhàng. Tôi sẽ dẫn ra đây một ví dụ cụ thể. Lần chúng tôi làm tập phim "Người đàn ông ngủ dưới biển" nói về ông Sáu Nghệ ở Phú Quốc. Đương nhiên là phim ấy phải quay dưới nước rồi. Mà máy quay, thiết bị hỗ trợ quay dưới nước rất đắt tiền, lại hiếm.

Ê-kíp 3 người ấy, các bạn đã rất linh hoạt mượn được máy quay của một đơn vị trong Sài Gòn. Vừa viết nội dung, vừa quay, vừa dựng… rất khẩn trương. Phim ấy được khen nhiều lắm! Năm 2011, chúng tôi được nhận Bằng khen của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam về Khám phá Việt Nam là một trong 10 chương trình có người xem nhiều nhất đấy. Phim "Người đàn ông ngủ dưới biển" là một trong những phim được nhắc tới nhiều nhất trong sự kiện này.

 Mỹ nghệ từ sen, Huế.

Mỹ nghệ từ sen, Huế.

+ Vậy những con người xuất hiện trong các tập phim được lựa chọn theo tiêu chí nào?

- Theo tiêu chí là người phụng sự cộng đồng, phụng sự đất nước. Có thể họ không phải là một nhà khoa học nổi tiếng, một người giữ chức vụ cao. Họ chỉ là những con người bình dị thôi, những người dân thường thôi nhưng luôn phụng sự cộng đồng và đất nước. Thông điệp của chúng tôi là “Không ai, không điều gì bị quên lãng” mà.

+ Cảm ơn anh! Chúc anh và Khám phá Việt Nam tiếp tục thành công trong thời gian tới!

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gap-nguoi-san-xuat-hon-1200-tap-phim-kham-pha-viet-nam-post248309.html