Gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong chiều mưa Hà Nội

Thơ Nguyễn Trọng Tạo không thuộc ranh giới nào, nó vừa trần cõi, vừa thơ mộng, vừa triết lý, vừa giản đơn. Thơ Nguyễn Trọng Tạo vượt biên, vượt thời đại về cách nghĩ, cách diễn giải. Có những vần thơ của ông dễ khiến người đọc mắc sai lầm trong cách hành xử ngoài đời, như thơ về rượu, về người đẹp. Ai 'tin thì tin không tin thì thôi' (một câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo).

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Vũ Gia Hà.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là người như thế nào? Có mấy người hỏi tôi về ông cách đây dăm năm, có vài người không đồng tình với cá tính của ông, cho rằng ông thật khó đoán. Tôi chỉ cười mà không trả lời, tôi nghĩ cách tốt nhất để biết về người lao động nghệ thuật như thế nào thì bạn nên xem tác phẩm của họ nếu họ là họa sĩ, và nghe nhạc của họ nếu họ là nhạc sĩ, và đọc họ khi họ là nhà văn, nhà thơ. Người sao văn vậy là câu nói cửa miệng và nó đúng. Tôi tin như thế. Có những nhà văn, nhà thơ có thể dối người ngoài đời, nhưng trong văn chương tuyệt nhiên khó có hang ổ nào cho gã trốn nếu như gã là người coi mình là ngọn đuốc của văn chương.

Nguyễn Trọng Tạo là người nhiều "nhà", có bài báo nhận định như vậy. Mà thực ra không cần nói thì ai trong giới nhạc, họa, văn, thơ, phê bình, khi thấy ông đều phải né sang một bên, hoặc là chào ông, hoặc là sợ ông, hoặc là nể ông, hoặc là không muốn gặp ông. Tôi cứ thấy tiếc một mai nếu ông không còn trên cõi đời này nữa, nỗi tiếc đau tim! Nghĩ về ông, tôi lại càng muốn gặp ông, để nhìn ông, để xem thói hư tật xấu của ông, thế thôi! Mà thực ra là để hiểu và thương ông hơn. Nguyễn Trọng Tạo là một "của báu" của nước Việt mà không ai có thể giành cho riêng mình.

Thơ Nguyễn Trọng Tạo không thuộc ranh giới nào, nó vừa trần cõi, vừa thơ mộng, vừa triết lý, vừa giản đơn. Thơ Nguyễn Trọng Tạo vượt biên, vượt thời đại về cách nghĩ, cách diễn giải. Có những vần thơ của ông dễ khiến người đọc mắc sai lầm trong cách hành xử ngoài đời, như thơ về rượu, về người đẹp. Ai "tin thì tin không tin thì thôi" (một câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo).

Văn đàn Việt khoảng dăm năm nay tỏ ra yên ắng, không còn tạo được khí thế như xưa. Mà những gương mặt đặc biệt cũng khó tìm thấy, không biết họ "núp" ở đâu mà đôi mắt không tinh đời khó thấy. Cũng có thể do họ "ngại" nên không muốn "nổi loạn", hay là kém tài?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà văn Phạm Việt Long vào chiều 7/9/2018.

Mấy chục năm trước, Nguyễn Trọng Tạo "nổi loạn", mà đến nay ông vẫn "nổi loạn", chẳng qua chúng ta đã quen gương mặt ông. Sự "nổi loạn" của Nguyễn Trọng Tạo ở từng tập thơ, bài thơ, ý thơ cho đến sức tưởng tượng vượt người, với những câu thơ xộc thẳng vào thói đời cay đắng với lối diễn tinh tế. Thơ ông nói đến thời đại ông khá rõ nét và hôm nay nó còn mới nguyên. Giá trị thơ ca Nguyễn Trọng Tạo cho đời được ví như những tiếng sét, nó âm ỉ, nó không mất đi, mà lưu giữ ở khoảng không, trong lá cây, trong bông hoa, trong từng hạt đất, trong suy nghĩ kẻ đọc thơ ông. Chúng ta luôn giật mình khi đọc những câu thơ ông viết về đời, tôi thích nhất thơ ông ở mảng này. Nó chua xót và sâu và phiêu.

Người viết không có thói quen nhớ thơ đầy đủ nên xin miễn phép bạn đọc sẽ không dẫn ra đây, nhưng ý tứ và hình ảnh thì nhớ, nhưng cũng đành để riêng cho mình. Tôi viết ra như là đúc thêm một chiếc chìa khóa cho bạn đọc bước vào thêm một “cửa thơ” Nguyễn Trọng Tạo. Lẽ ra tôi sẽ chưa viết về ông bởi chưa khi nào tôi và ông có cuộc trò chuyện sâu như tôi từng trò chuyện với Nguyễn Huy Thiệp khi tôi mới 20 tuổi, hay như từng nói chuyện với Đặng Thân khi tôi 22; 23 gì đó, mặc dù gặp ông nhiều lần.

Rồi ông làm đêm nhạc "Khúc hát sông quê" ở Nhà Hát Lớn (tôi đã có bài viết trước đêm diễn trên vanhien.vn với tựa: "Sắp diễn ra đêm nhạc Khúc hát sông quê: Nguyễn Trọng Tạo vẫn cứ giỡn chơi"), và một đêm với tên gọi tương tự ở Nghệ quê ông sau cơn bạo bệnh. Và rồi lần nữa, tôi phải viết về ông, khi đã có cảm xúc (dù chưa đầy đủ) sau lần cùng nhà văn Phạm Việt Long và mấy bạn học Viết văn Nguyễn Du đến gặp ông (khách đến đợi nửa tiếng, ông mới về đến nhà do kẹt đường lại mưa, may thay có người cháu nhà thơ mời trà).

Cuộc hẹn đã được lên lịch cả tháng, và cuối cùng buổi chiều thăm ông lại là buổi trời mưa khiến Hà Nội thành Hà Lội. Tác giả của bộ "Bê trọc" nổi tiếng đã dựng thành phim mà Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu với cháu nhà thơ Xuân Diệu đã mở đầu câu chuyện. Tuổi hai ông là tuổi xưa nay hiếm, nhưng kìa, họ như hai trẻ thơ, hồn nhiên, vô tư quá! Nguyễn Trọng Tạo từ bệnh viện về, ông đang được bác sĩ theo dõi đều đặn mỗi ngày. Ông bước vào phòng với phong thái rất... Lão Tử.

Nguyễn Trọng Tạo rót chén trà mới mời Phạm Việt Long rồi ông cúi người tìm chai "trà" dưới gầm bàn, loại trà nâu đỏ, ông khoe được ông thầy thuốc Đông y kê đơn, uống ba tháng, uống loại trà này khiến ông nhăn mặt. Ngay tức khắc ông đứng dậy tìm chai rượu cuốc lủi rồi rót mỗi người nửa chén, rượu cay xè, nhưng thơm. Ông nhấp môi thôi. Ông rót rượu cho mình đủ vượt đáy chén một làn sóng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Phạm Việt Long cùng học trò trường Viết Văn Nguyễn Du vào chiều 7/9/2018.

Tôi cho rằng, cuộc gặp giữa một nhà thơ và một nhà văn khi tuổi đã cao trong bối cảnh mưa gió dầm dề và nhà thơ thì mới từ bệnh viện trở về đáng được viết một bài thơ hay ngang ngửa bài khóc Dương Khuê dưới ngòi bút của một thi nhân không chịu lấy vợ. Hai ông có gặp nhau nhiều lần chưa, đã từng nói với nhau những gì, tôi không biết. Nhưng chứng kiến cuộc gặp chiều đó tôi khó mà quên. Họ nói ít, nhưng nhìn ánh mắt họ thôi, đủ thấy họ trân trọng và xót thương nhau nhường nào. Và lúc này, tôi mới bất giác nhận ra hai ông đã già, chứ không còn trai tráng.

Nguyễn Trọng Tạo nói không quan trọng là sống lâu hay chết sớm mà quan trọng là mình đã làm được những gì, cũng như biết khi nào chết để còn lo mà liệu làm cho hết các dự định. Mỗi lời Nguyễn Trọng Tạo nói ra hàm chứa triết lý nhân sinh của người tường tận cõi người. Nhà thơ cũng nói lời động viên những nhà văn trẻ, ông muốn họ phát ngôn và nên cho họ đất để diễn. Nhà văn Phạm Việt Long nghe ông nói mà đôi mắt buồn rượi, ông đang lo lắng gì đó chăng? Cuộc gặp không dài lắm, nhưng chắc chắn đó là cuộc gặp đáng được viết thêm dưới ngòi bút của một tay chuyên truyện ngắn siêu hạng.

Nguyễn Trọng Tạo là ai, tôi không trả lời được. Thơ ông Tân Hình Thức, Tân Hình Ngủ, Tân Hình Học không? Thơ ông có siêu thực, siêu bom tấn, siêu nhiên không? Thơ ông có phải là thơ đọc thầm hay hét lên như thơ Maia? Thơ ông có Hồ Xuân Hương hay nghiêm túc? Thơ ông khó hiểu hay dễ hiểu? Mỗi người đọc một cách đánh giá, nên tôi sẽ né câu trả lời.

Nguyễn Trọng Tạo nhiều "nhà" quá, biết vào "nhà" nào mà hỏi thăm. Về "nhà nhạc" thì hiểu ông ở từng "khúc hát sông quê", rồi theo ông về "làng quan họ quê tôi" và nên nhớ là nhìn ông bằng "đôi mắt đò ngang", ý tôi ở đây là nên hiểu ông ở "nhà nhạc" và "nhà thơ". Nhạc thì rõ vàng mười mươi rồi. Thơ, thể loại khó bắt, khó nắm hết được ý đồ tác giả. Thơ, thể loại không dành cho số đông, nhưng ai cảm được sẽ sống rất khác, hoặc là ngu dại, hoặc là trở nên hiểu đời hơn, thánh thiện hơn. Nên tôi sẽ nói ông nhiều hơn ở thơ (nhưng xin vào một ngày nào đó?).

Khác với lối phê bình, tôi chỉ bàn về ông qua thơ. Đọc thơ ông khá nhiều và khá lâu nên tôi thêm vài nhận xét như sau: Nguyễn Trọng Tạo đã chết mỗi khi một bài thơ ra đời, nhưng chính bài thơ đó lại hồi sinh ông. Mỗi lần ông lạc vào thế giới thơ là mỗi lần ông không ở cõi người. Ở Nguyễn Trọng Tạo được chia làm mười phần, một phần dân gian, một phần Hàn Mặc Tử, một phần Nga, một phần Tây, một phần siêu nhiên và năm phần còn lại là Nguyễn Trọng Tạo. Tôi sẽ viết về ông trong một bài viết khác hay hơn (?). Tạm thời, Nguyễn Trọng Tạo hiện diện trong tôi như vậy!

Hà Nôi, đêm 16/9/2018

Vũ Gia Hà |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/gap-nha-tho-nguyen-trong-tao-trong-chieu-mua-ha-noi-63876