Gặp những Giám đốc HTX 'đáng nể' ở Bắc Ninh

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 12,6%/năm; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,83%; thu ngân sách nằm trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước.

Khu trưng bày sản phẩm của HTX Toan Lộc.

Khu trưng bày sản phẩm của HTX Toan Lộc.

Đặc biệt, khu vực kinh tế hợp tác, HTX có nhiều biến chuyển về chất, hoạt động của Liên minh HTX ngày càng hiệu quả, thiết thực. Vai trò, vị thế của Liên minh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao.

HTXNN xuất sắc…

Nhân buổi tập huấn Luật HTX 2012 tại huyện Yên Phong, chúng tôi có dịp gặp Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Lân, ông Tô Như Khoa (thôn Đức Lân, xã Yên Phụ). Ông Khoa cho biết, HTX ra đời năm 1960, lúc đầu chỉ có 300 xã viên, chuyên sản xuất nông nghiệp với diện tích 98ha. Năm 2016, Đức Lân chuyển sang hoạt động theo luật mới, với 519 thành viên, 90ha đất canh tác, liên kết sản xuất lúa hàng hóa nếp cái hoa vàng VietGAP với 3 công ty có văn phòng tại Bắc Ninh.

Sau khi khảo sát nguồn nước, đất, không khí, HTX đã khoanh vùng được 50ha đảm bảo canh tác VietGAP. Đây cũng là diện tích liền bờ, liền thửa của 100/519 hộ thành viên, nằm trong vùng sản xuất VietGAP. Tuy nhiên, nguồn nước tưới phải làm kênh mương riêng, dẫn nước sông Cầu vào mới đảm bảo; kinh phí xây dựng do thành viên đóng góp, 5 triệu đồng/hộ.

Tiếp đến, Ban quản trị có hàng chục cuộc vận động, tập huấn về quy trình sản xuất VietGAP lúa nếp cái hoa vàng cho 100 hộ thành viên. Để quy hoạch thành vùng sản xuất, cánh đồng 50ha được chia thành 17 lô với 10 tổ sản xuất, mỗi tổ 5ha.

Nói thì dễ, nhưng khi vào cuộc thì không hề đơn giản, ví như, thành viên HTX nông nghiệp phần lớn cao tuổi, trình độ, năng lực hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn nhất là ở thời điểm đó, làm sao để tuyên truyền và giúp đỡ bà con nắm vững 3 chương, 61 điều quy định của sản xuất VietGAP, là điều không đơn giản.

Đơn cử, chỉ 1 việc nhỏ như: thống nhất 100% hộ cùng cấy 1 giống lúa, cũng là điều xưa nay chưa từng có, do bà con từ trước đến nay vẫn cấy mỗi nhà 1 giống khác nhau. Thời vụ, gặt hái, gieo mạ khác nhau, chẳng ai giống ai. Nay, bỗng nhiên phải cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tập trung là một thay đổi lớn.

Ngoài việc thu mua sản phẩm cho 100 hộ thành viên VietGAP, Ban quản trị còn phải lo đầu ra ổn định cho 419 hộ còn lại. Ví như: giá HTX mua cho bà con trong vùng VietGAP 17.000 - 18.000 đồng/kg; ngoài vùng 14.000 - 15.000 đồng/kg, đây là con số khá cao so với thị trường.

Được biết, mỗi năm HTX sản xuất 2 vụ, bình quân đạt 500 tấn thóc/vụ, trong đó 1/3 xuất khẩu. Còn lại, bán cho các siêu thị; khu công nghiệp có đông người Hàn Quốc làm việc; hoặc tiêu thụ ở các địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn hoặc xuất sang Trung Quốc.

“Hiện, Đức Lân liên kết với 3 công ty có văn phòng tại Bắc Ninh, chủ yếu xuất khẩu gạo sang châu Âu, châu Phi và châu Á. Các doanh nghiệp hỗ trợ phân bón, giống, bà con chỉ việc canh tác, thu hoạch. Doanh thu năm 2017 đạt 8,1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 700 lao động, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng; Ban quản trị 5 triệu đồng/người/tháng”, ông Khoa chia sẻ.

“Cúp vàng, huy chương vàng” Toan Lộc

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Mỹ nghệ Toan Lộc (phường Đồng Kỵ, TX. Từ Sơn), ông Nguyễn Duy Toan, cho biết, năm 16 tuổi, khi còn học phổ thông, ông đã tham gia phụ nghề mộc với bố, chủ yếu đi làm nhà gỗ cho bà con khắp miền Bắc. Thường tháng 8 hàng năm, trời mưa gió, cũng là lúc nông nhàn, bà con vớt gỗ xoan ta, mít, tre… ngâm đủ 3 năm dưới ao lên, thuê thợ về làm nhà. Do được ngâm kỹ nên độ bền của gỗ cao, không bị cong, vênh; mối mọt; chống chịu thời tiết tốt, tuổi thọ lên đến hàng trăm năm.

Ông Toan trong phòng khách của gia đình.

Ngoài ra, hộ khá giả còn thuê thợ đóng bàn ghế, tủ, giường, cứ như vậy, gần 40 năm nay, tay nghề của ông Toan không ngừng được nâng lên. Khi không đi làm thợ nữa thì ông mở xưởng mộc, đóng bàn ghế, tủ cho mình, khách thấy đẹp mua về dùng và đặt hàng ngày càng nhiều.

Theo ông Toan, dấu mốc khiến ông thành công như ngày nay là vào năm 2000, khi ông thành lập HTX hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Sau đó, được thuê 420m2 đất sản xuất, trong đó, ông dành 150m2 xây nhà 4 tầng để trưng bày sản phẩm; 270m2 xây nhà 3 tầng để sản xuất.

Do làm ăn ngày càng khấm khá, năm 2015, ông Toan mua thêm 300m2, vừa làm nơi giao lưu những người thợ mộc giỏi trên khắp đất nước, vừa là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới và bán hàng.

Được biết, thời kỳ hoàng kim của nghề mộc Đồng Kỵ vào những năm 2004 – 2008, lúc ấy, HTX của ông Toan có 100 công nhân, vừa làm hàng nội địa, vừa làm hàng xuất sang Trung Quốc; bán buôn, bán lẻ đi các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều nhất vẫn là khách đặt hàng trực tiếp.

Để ổn định sản xuất, hướng tới phát triển bền vững, năm 2015, ông Toan thành lập HTX kiểu mới, do ông làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX, với 20 thành viên. Trong đó, HĐQT có 7 người, đồng thời cũng là 7 thành viên góp vốn; còn lại là anh em trong dòng họ, bạn bè. Thu nhập bình quân của thành viên 5 triệu đồng/người/tháng; HĐQT bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, tại phòng trưng bày của ông đang có những bộ bàn ghế như: “Rồng đỉnh tứ linh” bằng gỗ hương Lào, gồm 12 món, thích hợp cho khách hàng có kinh tế, biệt thự, đam mê nghệ thuật. Quý vật gặp quý nhân thì mới nổi bật được, giá 200 - 500 triệu đồng/bộ. Đồ thờ cúng từ phổ thông đến cao cấp, giá 20 - 200 triệu đồng/bộ; tủ rượu 20 - 80 triệu đồng…

Đặc biệt, nhờ những thành tích xuất sắc trên, Toan Lộc đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen; Cúp vàng, Huy chương vàng, từ các thành tích như: Người góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc; Top 100 “thương hiệu “hàng thật, hàng giả”; Top 100 “Thương hiệu quốc gia”; được Liên minh HTX Việt Nam tặng 2 Bằng khen năm 2018, 2019...

Hậu thuẫn của địa phương…

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Liên minh HTX Bắc Ninh, ông Đặng Đức Thinh, cho biết: “Nhiệm kỳ qua, hoạt động của HTX có xu hướng mở rộng liên kết và phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ gia đình, mô hình kinh tế, trang trại đã tự liên kết, hợp tác cùng phát triển. Vì vậy, bà con tìm đến các tổ chức nhà nước như: Liên minh HTX; Phòng kinh tế, Phòng nông nghiệp, Phòng tài chính kế hoạch... để được tư vấn thành lập HTX kiểu mới ngày càng nhiều.

Đặc biệt, theo đánh giá ban đầu, các HTXNN đang hoạt động ngày càng hiệu quả, điển hình như HTX Quang Tiến, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành); HTX Đông Bình, xã Vạn Ninh (Gia Bình). Giải quyết việc làm ổn định cho 10 - 20 lao động/HTX, với mức thu nhập bình quân 5 – 6 triệu đồng/người/tháng”

Ngoài ra, Liên minh cũng làm tốt vai trò tham mưu xây dựng và thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nhất là nâng cao nhận thức trong các cấp ngành về vai trò, vị trí khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Là đơn vị đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các HTX, Liên minh luôn bám sát cơ sở; thường xuyên tập huấn Luật HTX 2012, chung tay tháo gỡ khó khăn cho các HTX.

Đến nay, Liên minh HTX Bắc Ninh có 213 đơn vị thành viên. Các HTX xin gia nhập Liên minh tăng qua các năm, ví như, năm 2014 kết nạp mới 30 thành viên; năm 2015: 29 thành viên; năm 2016: 28 thành viên; năm 2017: 8 thành viên; 6 tháng đầu năm 2018: 14 thành viên... Thông qua công tác và thực tiễn hoạt động, Liên minh đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của các HTX.

Đánh giá về những thành tích đạt được trong thời gian qua của Liên minh HTX, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho biết: “Liên minh HTX Bắc Ninh đã tích cực tham gia cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, nhất là tiêu chí 13 (tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả). Tính đến tháng 6/2018, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM là 18,51 tiêu chí/xã (cao hơn bình quân cả nước 4,55 tiêu chí/xã).

Hiện, Bắc Ninh có 75/97 xã đạt chuẩn NTM; 2 đơn vị cấp huyện (huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn) được công nhận đạt chuẩn NTM. Đáng ghi nhận là, tại các xã được công nhận hoàn thành XDNTM đều có HTX, THT hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích cho thành viên và cộng đồng, địa phương”.

Ngoài ra, ông Chiến còn cho biết thêm, số HTX thành lập mới trong các lĩnh vực tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Bắc Ninh là một trong những đơn vị dẫn đầu khu vực tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng, trong việc thành lập mới HTX. Các HTX thành lập mới tuân thủ quy định Luật HTX 2012, đa phần có định hướng sản xuất kinh doanh rõ ràng, tập hợp được đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, tư duy mới, mạnh dạn và năng động. Số HTX sản xuất kinh doanh giỏi, có hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, từng bước hình thành được chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Mặt khác, Bắc Ninh có nhiều khu công nghiệp, hoạt động liên doanh, liên kết giữa các thành viên trong HTX, và giữa HTX với các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiếp tục được mở rộng theo hướng kinh doanh ổn định, bền vững.

Tuệ An

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/gap-nhung-giam-doc-htx-dang-ne-o-bac-ninh-post28621.html