Gặp những người lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc

Chẳng biết do số phận, hay do đặc thù công việc, tôi hay được phân công đi viết vềvùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoặc cũng có thể do tôi thích đi tới nhữngnơi đó để được nghe, được thấy, được khám phá những nét đẹp văn hóa độc đáo mangđậm bản sắc của các dân tộc ít người trên đất nước Việt Nam này.

Thầy Triệu Văn Đức (phải) và Triệu Văn Thanh (phải) đang hướng dẫn học sinh học từng nét chữ cổ_Ảnh: TGCC

Thầy Triệu Văn Đức (phải) và Triệu Văn Thanh (phải) đang hướng dẫn học sinh học từng nét chữ cổ_Ảnh: TGCC

Quả thật, càng đi mới càng thấy mỗi một vùng miền, mỗi một dân tộc đều có những vẻ đẹp riêng, nét đặc trưng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng thực sự, gặp được những con người tâm huyết để lưu giữ và bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của họ ra cộng đồng, thì mới thấy mình cần phải đi, tìm hiểu và giúp họ truyền bá thật nhiều…

Đà Bắc là huyện thuộc khu vực vùng cao của tỉnh Hòa Bình. Diện tích tự nhiên khoảng 77.796 ha, dân số trên 53.000 người, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Tày, Mường, Dao... Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhỏ lẻ, lâm nghiệp ít phát triển do là vùng đầu nguồn lòng hồ thủy điện Hòa Bình, công nghiệp gần như là con số không. Vì vậy, Đà Bắc là huyện có thể gọi là nơi khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình.

Từ thị trấn Đà Bắc, sau hơn 1 giờ đồng hồ bò trên quãng đường khoảng 15km ngoằn ngoèo, quanh co, lắt léo như chú rắn đang trườn trong những mảng mây mù, men các sườn núi. Xe đưa chúng tôi đến xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Xóm Sưng nằm ở độ cao khoảng hơn 500m so với mặt biển, phía sau lưng là dải núi Biều hùng vĩ. Theo truyền thuyết, thực ra tên là núi Niều, nhưng do trùng tên với vị Tộc trưởng rất uy tín Đinh Công Niều nên người dân gọi chệch đi là núi Biều. Từ xa xưa đã lưu truyền trong dân câu ví: “Núi Biều như diều con gà. Núi Trà như mà con cua”. Dưới chân núi là ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài đẹp như một bức tranh thủy mặc. Xung quanh xóm có các đường đi bộ lên núi, qua suối, ruộng bậc thang và nơi sản xuất của bà con. Xóm Sưng là nơi sinh sống của khoảng 70 hộ gia đình, 100% là người dân tộc Dao. Đây là nơi còn lưu giữ được giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Tiền đang được giữ gìn. Sức hấp dẫn của xóm Sưng không chỉ nằm ở cảnh quan thiên nhiên hoang sơ bao bọc lấy bản làng mà còn bởi những giá trị văn hóa độc đáo của người Dao Tiền còn được bảo tồn, lưu giữ trong từng gia đình.

Nhắc đến xóm Sưng, ông Lý Hồng Si - Trưởng xóm lâu năm vẫn bồi hồi nhớ lại cảnh đói nghèo, lạc hậu ngày trước: “Ngày ấy, kinh tế của chúng tôi chủ yếu tự cung, tự cấp. Nhà cửa thì đơn sơ, chênh vênh giữa núi đồi, bốn bề chỉ thấy núi, thấy rừng. Đường về trung tâm xã vốn đã xa lại cheo leo, gập ghềnh sỏi, đá”. Đến nay, dù vật chất còn hạn chế, nhưng bà con người Dao ở xóm Sưng này quyết không để con em mình hạn chế về văn hóa. Để làm được như vậy, xóm mở một lớp học tiếng nói và chữ viết của người Dao cho con em đều đặn vào ngày chủ nhật hàng tuần, vì vào ngày thường các em phải đi học phổ thông. Ông Lý Hồng Si, khẳng định: “Phải cho họ học để biết tiếng nói và chữ viết của người Dao, nếu không họ nói không chuẩn và không hiểu được những vốn văn hóa cổ mà cha ông truyền lại!”. Tôi được biết, lớp học có cả giáo trình và được sự đồng ý, thông qua của xã. Giáo viên đều người bản địa, là ông Triệu Văn Thanh và ông Triệu Văn Đức. Mỗi buổi giáo viên lên lớp thì được nhận thù lao 90.000 đồng, đó là tiền do các học sinh tham gia đóng góp. Còn tiền để xây dựng trường, lớp là 400.000/học sinh/năm.

Quan sát lớp học, tôi thấy khoảng 30 người tham gia, lứa tuổi từ khoảng 10-11 đến 40-50 tuổi. Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả là tôi thấy chỉ các cháu trai và những người đàn ông theo học!? Đem thắc mắc này hỏi ông Lý Hồng Si, ông cho biết: “Lớp có mở rộng cho cả đàn bà, con gái, nhưng ở xóm này, khi đàn ông họ đi làm, thì phụ nữ, con gái phải làm việc nhà nên rất khó có thể đi học được”. Đang mải mê quan sát lớp học thì giọng ông Lý Hồng Si ngay bên cạnh. “Chú có biết là lớp học này có địa thế, phong thủy tuyệt đẹp không?”. Giờ tôi mới để ý nhìn ra xung quanh. Ông Si tiếp tục: “Trường học của người Dao hay chọn những chỗ đằng sau nhiều núi trập trùng, đằng trước nhìn vào khe suối quanh co ít nhất bẩy lần thì chỗ đó học mới thông minh, sáng dạ!”. Ông dẫn chứng cụ thể luôn là: “Ở Cao Sơn này, các cụ lãnh đạo lứa đầu tiên đều học ở đó ra”. Tôi “À” lên một tiếng ngạc nhiên và thích thú, rồi lấy ngay sổ tay ra ghi chép lại điều này.

Ông Si chia sẻ: “Đây là vốn quý của dân tộc mình. Nếu lâu quá không ai để ý, không học thì mai một mất vốn quý đó. Các cụ xưa sáng tác có văn, có bài trong rất nhiều cuốn sách cổ còn để lại, giờ phải đầu tư vào dịch lại mới tìm ra được nhiều thứ từ cổ tới giờ. Duy trì lớp học này để họ biết cái chữ của dân tộc mình, từ đó có tác dụng và hiệu quả đối với đời sống tinh thần và duy trì văn hóa. Học được cái chữ này sẽ rất tốt cho lứa trẻ, giúp chúng nó hiểu được phong tục tập quán của địa phương và loại bỏ được các hủ tục và bài trừ mê tín dị đoan”.

Chia tay chúng tôi, ông Lý Hồng Si kết thúc bằng một câu tục ngữ cổ của người Dao: Có ruộng mà không cày thì bồ không có thóc/ Có sách mà không dạy thì con nó hư. Thế đó chú nhà báo ạ!

Tôi nắm chặt hai bàn tay chai sạn của ông, chia tay ông và bà con người Dao ở xóm Sưng, trời đã ngả chiều, gió núi thổi ù ù xua đi những đám mây mù. Tôi tin rằng, nếu truyền dạy tiếng nói và chữ viết của người Dao một cách rộng rãi, thì vốn văn hóa dân tộc sẽ được lưu truyền cho hậu thế. Những người như ông Lý Hồng Si, ông Triệu Văn Thanh, ông Triệu Văn Đức và nhiều người nữa đã mang đến rất nhiều cái hay, cái đẹp, cái tốt, mà điều đầu tiên dễ nhận biết nhất, đó là ở tại xóm Sưng này, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã hoàn toàn bị loại bỏ và đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con đang được cải thiện từng bước./.

Việt Thắng

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/gap-nhung-nguoi-luu-giu-bao-ton-van-hoa-dan-toc-n24106.html