Gặp những người trẻ nói không với mạng xã hội

Thế hệ Z, ra đời sau năm 1995, lớn lên cùng mạng xã hội như một phần cuộc sống. Tuy nhiên, những công dân của thế giới ảo dường như đang muốn quay trở về đời sống hiện thực.

Đối với Mary Amanuel, 17 tuổi, đến từ London, mọi chuyện bắt đầu ở một cửa hàng. “Khi chúng tôi đang mua sắm, bạn của tôi đếm lượt thích trên bài đăng của mình. ‘Ồ, 40, 42 like’, cô ấy nói trong khi tôi nghĩ rằng chuyện này thật lố bịch”, Amanuel kể lại.

Isabelle, 18 tuổi, sống tại Bedfordshire, quay lưng với mạng xã hội khi cô chứng kiến các bạn cùng lớp biến thành “zombie”. “Tất cả mọi người đều không nói chuyện trực tiếp. Thay vào đó, họ hỏi xin số điện thoại để nhắn tin”, cô chia sẻ.

Một số khác có trải nghiệm tồi tệ hơn. Đối với Emily Sharp, 15 tuổi, nạn bắt nạt trên mạng là giọt nước tràn ly. “Chẳng có gì tốt đẹp cả”, Sharp nói.

Mary Amanuel không sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Guardian.

Mary Amanuel không sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Guardian.

Người trẻ hiện nay được cho là thế hệ “tận tâm” với mạng xã hội. Theo khuôn mẫu này, các thanh thiếu niên đăng Twitter, viết Instagram và dùng Snapchat quay phim chụp ảnh. Tuy nhiên, phong trào quay lưng với mạng xã hội đang bắt đầu sôi sục.

Áp lực duy trì "hình tượng"

Năm 2017, nghiên cứu cho thấy 63% học sinh tại Anh sẽ sống vui hơn nếu mạng xã hội chưa bao giờ được phát minh. Trong cuộc khảo sát 9.000 người sử dụng Internet, Ampere Analysis chỉ ra rằng nhóm người 18-24 tuổi có sự thay đổi nhận thức đáng kể về mạng xã hội. Năm 2016, 66% đồng tình với ý kiến “mạng xã hội rất quan trọng với tôi”. Tuy nhiên, số người chọn phương án này giảm gần 10% vào năm 2018.

Theo nghiên cứu của công ty marketing Hill Holiday về thế hệ Z, những người sinh sau năm 1995, 50% số người được khảo sát cho biết họ đã bỏ hoặc định bỏ ít nhất một mạng xã hội. Lesley Bielby thuộc công ty này nhận định “những vết rạn nứt đang ngày càng hiện rõ” trong mối quan hệ giữa thế hệ Z và cuộc sống ảo.

Lớn lên cùng sự phát triển vũ bão của công nghệ và Internet, dường như thế hệ Z chưa bao giờ phải học cách sử dụng mạng xã hội. Họ trưởng thành cùng Facebook (2004), Twitter (2006), Instagram (2010) và Snapchat (2011) như một phần của cuộc sống.

Tuy nhiên, bắt đầu "sống ảo" ngay trong những năm đầu cuộc đời không phải điều dễ dàng.

“Bạn bắt đầu làm những việc giả dối. Trên Instagram, tôi thể hiện một phiên bản khác của mình và hầu hết mọi người cũng đều như vậy”, Amanuel nói. Cô đã bỏ mạng xã hội vào năm 16 tuổi.

Jeremiah Johnson, 18 tuổi, cũng mệt mỏi với áp lực phải duy trì hình ảnh trên mạng. “Đó là một cuộc thi xem ai là người hạnh phúc nhất. Và nếu bạn muốn ‘xả’ cơn tức giận hay buồn phiền trên mạng xã hội thì bạn bị coi là một kẻ muốn gây chú ý”, Johnson nói.

Jeremiah Johnson bỏ mạng xã hội vì áp lực duy trì hình ảnh online. Ảnh: Guardian.

“Họ bị choáng ngợp với nghĩa vụ phải duy trì trang cá nhân và giữ gìn một hình ảnh có phần bị thổi phồng do chính mình tạo ra. Họ liên tục tìm kiếm sự công nhận thông qua lượt thích trên các bài đăng”, Bielby nhận định.

Không những thế, tại các trường học, mạng xã hội có thể là một thước đo khắc nghiệt về độ nổi tiếng. “Tưởng tượng bạn gặp ai đó mới và họ hỏi xin tên tài khoản Instagram của bạn, nếu bạn có 80 người theo dõi thì họ sẽ nghĩ bạn chẳng là ai cả. Nhưng nếu có 2.000 người theo dõi thì bạn hẳn phải là người nổi tiếng nhất trường”, Sharp chia sẻ.

Mong muốn xây dựng tình bạn chân thật là động lực để một vài bạn trẻ ngừng sử dụng mạng xã hội. “Tại sao tôi lại cần 500 bạn ảo chứ?”, Tyreke Morgan, 18 tuổi, nói. Morgan không sở hữu bất kỳ tài khoản mạng xã hội nào.

Những người trẻ không sẵn sàng từ bỏ mạng xã hội hoàn toàn cũng đang từng bước giảm dần mức độ sử dụng. Lý do phổ biến nhất là mạng xã hội gây cản trở công việc và học hành. Một số nguyên nhân khác gồm mệt mỏi với những mâu thuẫn hay “kịch” giữa nhóm bạn bè trên mạng và cảm thấy bị ức chế với lượng thông tin khổng lồ liên tục.

Nhận thức rõ ràng hơn

Thế hệ Z có hình ảnh hay bài đăng xuất hiện trên mạng trước cả khi biết đi, biết nói. Mọi thứ trở nên dễ hiểu khi họ muốn có quyền riêng tư và bắt đầu thực hiện quyền của mình khi đủ lớn.

“Tôi thấy các bậc cha mẹ đăng ảnh con 'đi bô' lần đầu. Tôi tự hỏi tại sao họ lại làm thế với con mình. Chúng sẽ chẳng muốn bức ảnh bị công khai vậy đâu”, Amy Binns thuộc Đại học Central Lancashire cho biết.

Theo Binns, thế hệ trẻ không muốn người khác biết hết về mình nên thực ra họ không chia sẻ nhiều thông tin cá nhân. Đối với họ, đăng bài viết hay chia sẻ ảnh là việc mang tính “chiến thuật”. “Bạn đang vẽ một bức tranh về chính mình, giống như tự tạo thương hiệu vậy”, Binns nói.

“Đóng khung một bức hình để đăng không phải việc làm trong 5 phút. Nó là chuyện tính toán trong hàng giờ”, Amanuel chia sẻ.

Thế hệ trẻ đang phá vỡ khuôn mẫu về thế hệ "gù lưng, cắm đầu" vào điện thoại. Ảnh: Guardian.

Theo Amanuel, vụ Cambridge Analytica sử dụng trái phép dữ liệu người dùng đã thúc đẩy cô từ bỏ mạng xã hội. Nhiều người dường như cũng đang quay lưng với Facebook. Năm 2018, số người dùng Facebook trong độ tuổi 18-24 tại Anh dự kiến giảm 1,8%.

Người trẻ hiểu hơn về quyền riêng tư, có thể phân loại các bài đăng mang tính xúc phạm và biết về tác hại đối với sức khỏe khi ngồi trước màn hình quá lâu. Đặc biệt, họ nhận thức được rằng sử dụng mạng xã hội tác động tiêu cực tới sức khỏe thần kinh, gây lo lắng, trầm cảm. Theo một số nghiên cứu, thanh thiếu niên là những người dễ bị ảnh hưởng tâm lý nhất, thậm chí có thể dẫn tới tự tử.

Từ bỏ một phần danh tính?

Dù vậy, từ bỏ mạng xã hội cũng có thể tạo ra mối lo mới. “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng nỗi sợ lớn nhất khi bỏ hay tạm ngừng sử dụng mạng xã hội là nỗi sợ bỏ lỡ", theo Bielby.

“Như kiểu tất cả bạn bè đều đi tiệc mà không nói với bạn vậy. Nhiều lúc tôi cũng tự nghi ngờ bản thân. Có ngày tôi còn nghĩ đến việc cài lại ứng dụng chỉ vì muốn tỏ vẻ bình thường như các bạn”, Johnson nói.

Đối với người trẻ trong kỷ nguyên số, việc ngừng sử dụng mạng xã hội có lẽ giống như... đi tu. Amanuel kể rằng khi được đồng nghiệp hỏi có Snapchat hay không, cô trả lời không và ngay lập tức thấy người kia há miệng kinh ngạc. “Như thể tôi vừa tiết lộ một điều gì kinh khủng vậy”, Amanuel nói.

“Mạng xã hội ăn sâu vào văn hóa trẻ nhưng nếu bạn từ bỏ được thì bạn sẽ nhẹ nhõm hơn”, Amanuel cho rằng từ bỏ mạng xã hội gây nghiện là hành động cần nhiều quyết tâm. Cô kể rằng đã được nhiều người bạn ngưỡng mộ vì từ bỏ được mạng xã hội.

“Họ ước có thể thoát ra. Mọi người cảm thấy mạng xã hội là một phần trong định nghĩa về bản thân với tư cách là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn là người trẻ dù tôi không dùng mạng xã hội đấy thôi”, Amanuel chia sẻ.

Ngọc Hà
Theo Guardian

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gap-nhung-nguoi-tre-noi-khong-voi-mang-xa-hoi-post873626.html