Gấp rút ban hành văn bản để tiến hành hiệp thương

Ngày 3/2, khẳng định với Đại Đoàn Kết về công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, từ nay đến Tết Nguyên Đán các cơ quan hữu quan phải hết sức gấp rút chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện theo quy định của Luật bầu cử, để ngày mùng 8 Tết những nơi chuẩn bị tốt có thể tiến hành hiệp thương.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha

PV: Thưa ông, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã có hiệu lực và chúng ta bắt đầu triển khai công tác bầu cử. Xin ông cho biết những điểm gì mới của Luật, nhất là công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử?

Ông Nguyễn Văn Pha: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (Luật bầu cử) có nhiều quy định mới. MTTQ Việt Nam quan tâm nhiều đến những điểm mới trong quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Một điểm mới có thể nêu ra để các cấp Mặt trận hết sức lưu ý chủ động thực hiện, đó là: theo quy định của Luật bầu cử, lần này UBTVQH sẽ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội. Hiểu theo cách này thì có nghĩa là UBTVQH sẽ giới thiệu cả “số dư” (ví dụ một tỉnh được phân bổ để bầu 5 đại biểu Quốc hội ở địa phương thì UBTVQH sẽ dự kiến cho địa phương đó giới thiệu 10 người). Tuy nhiên qua trao đổi, được biết UBTVQH sẽ vẫn chỉ dự kiến số lượng đại biểu được bầu cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ giới thiệu số dư về phụ nữ và người dân tộc thiểu số mà thôi. Phần còn lại sẽ do Mặt trận cấp tỉnh hiệp thương để giới thiệu cho đủ “số dư” theo quy định.

Tương tự như vậy, Thường trực HĐND các cấp cũng chỉ nên giới thiệu cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được bầu vào HĐND cùng cấp. Phần còn lại sẽ do Mặt trận hiệp thương giới thiệu cho đủ số người ứng cử theo quy định.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn kỹ vấn đề này để áp dụng thống nhất trong cả nước. Chúng tôi cũng đã đề nghị có hướng dẫn các địa phương tuân thủ đúng quy định của Điều 8 của Luật bầu cử làm sao số người ứng cử chính thức là phụ nữ đạt tối thiểu 35%, số người ứng cử chính thức là người dân tộc thiểu số ít nhất là 18%.

Tôi cho rằng dù cách hiểu có thể chưa thật thống nhất thì theo Điều 9 của Luật bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp vẫn phải chủ động trao đổi, thống nhất với Thường trực HĐND cùng cấp để dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử tại địa phương mình.

Từ những điểm mới ông nêu đưa vào thực hiện tại MTTQ các cấp có những khó khăn, thuận lợi gì trong quá trình triển khai?

Thuận lợi là cơ bản. Về mặt hệ thống pháp luật đã rất đầy đủ, đó là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng bầu cử Quốc gia hướng dẫn một số điều của Luật bầu cử và các hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương. Các văn bản nêu trên đã hướng dẫn chi tiết để tiến hành cuộc bầu cử.

Thứ hai, MTTQ Việt Nam các cấp có nhiều kinh nghiệm trong công tác bầu cử, nhất là công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử từ nhiều cuộc bầu cử trước đây pháp luật đã giao cho hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện. Qua Đại hội Đảng các cấp vừa qua, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có thay đổi nhiều nhưng người cũ vẫn còn, kinh nghiệm còn nếu quán triệt tốt các chỉ thị của Trung ương và các quy định pháp luật thì sẽ làm tốt. Còn khó khăn thì đã rõ, cuộc bầu cử diễn ra đúng dịp Tết nguyên đán, trong khi đó tất cả công việc chuẩn bị Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất lại trùng Tết Nguyên Đán.

Do vậy, ngay từ nay đến Tết Nguyên Đán các cơ quan hữu quan phải chuẩn bị hết sức khẩn trương, chu đáo, không để xảy ra sai sót, bị động để ra Tết những nơi chuẩn bị tốt có thể tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ngay. Cái khó nữa là vấn đề kinh phí. Thông tư hướng dẫn về kinh phí cho bầu cử của Bộ Tài chính vừa ban hành nên khó có thể có kinh phí ngay được nên các địa phương cần phải chủ động khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nghị quyết 12 của Đảng nhấn mạnh công tác nhân sự là làm sao chọn được cán bộ có đức, có tài không tham vọng quyền lực, không tham nhũng, vi phạm. MTTQ góp phần như thế nào để chọn lựa được cán bộ, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Việc giới thiệu người ứng cử là cả quy trình chặt chẽ, không riêng MTTQ làm được. Suy cho cùng, MTTQ chỉ làm bước sau cùng, cho nên Hội nghị hiệp thương phân bổ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nào thì cơ quan tổ chức, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về người được mình giới thiệu và theo quy trình chặt chẽ để làm sao khi người đó đến Mặt trận đủ quy trình theo luật định; với người ứng cử dự kiến làm đại biểu chuyên trách, là đảng viên thì còn phải bảo đảm yêu cầu theo hướng dẫn của Đảng. Với danh sách như vậy MTTQ là cơ quan cuối cùng xem xét để làm sao lựa chọn đúng như quy định pháp luật về người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ này.

Thưa ông, mặc dù là vòng cuối cùng nhưng để thể hiện rõ vai trò của Mặt trận, tránh được những trường hợp như đại biểu nhiệm kỳ qua đã gặp như bà Châu Thị Thu Nga thì MTTQ có những kinh nghiệm nào?

MTTQ sẽ phải làm đúng theo Luật, đúng trách nhiệm của Mặt trận trong cuộc bầu cử. Chúng tôi cũng nhấn mạnh ngoài trách nhiệm của mình theo Luật thì Mặt trận cần phải phối hợp chủ động và chặt chẽ với cơ quan có liên quan để bất kỳ những trường hợp phát sinh liên quan đến người ứng cử đều được xem xét, xử lý rõ ràng trước khi đưa vào danh sách chính thức.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Lê Na (thực hiện)

Ảnh: Hoàng Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/gap-rut-ban-hanh-van-ban-de-tien-hanh-hiep-thuong/87075