Gấp rút làm hành lang bảo vệ hơn 900 nguồn nước

Đồng Nai vừa công bố hơn 900 nguồn nước cần có hành lang bảo vệ. Đây là các nguồn nước có tầm quan trọng đối với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Công trình xây dựng nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa. Ảnh: B.MAI

Hiện các địa phương đang lập kế hoạch, phương án cắm mốc để quản lý vận hành, hạn chế nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và sạt lở.

* Đang lập phương án cắm mốc

Cuối năm 2022, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định quản lý bảo vệ hành lang nguồn nước. Kèm theo quyết định là danh mục hơn 900 nguồn nước gồm: sông, suối, kênh, rạch và hồ cần lập hành lang bảo vệ.

H.Nhơn Trạch là địa phương có nhiều nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ nhất. Ông Phan Tấn Đạt, Trưởng phòng TN-MT huyện cho biết, sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định và Sở TN-MT công bố danh mục và bàn giao bản đồ 186 nguồn nước cần bảo vệ, địa phương đã lên kế hoạch thuê đơn vị tư vấn lập phương án cắm mốc để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tương tự, bà Trần Quỳnh Trâm, Trưởng phòng TN-MT H.Xuân Lộc cho biết, địa phương đang thuê đơn vị tư vấn thực hiện đồng thời 2 đề án là đánh giá chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm. Trên cơ sở kết quả đánh giá sẽ xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ cho hơn 110 nguồn nước theo hướng dẫn của Sở TN-MT.

Theo các địa phương, trong năm nay chỉ có thể thực hiện bước lập hồ sơ để thuê tư vấn xây dựng kế hoạch, lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Năm 2024, sau khi UBND tỉnh duyệt phương án mới thực hiện cắm mốc giới trên thực địa. Thời gian thực hiện dự kiến khoảng 3-5 năm.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, Đồng Nai có nguồn nước phong phú. Theo quy định, các nguồn nước này đều phải cắm mốc hành lang bảo vệ nhưng mới có các công trình hồ thủy lợi được cắm mốc. Tháng 3 vừa qua, Sở TN-MT đã công bố danh mục và hành lang bảo vệ nguồn nước cho tất cả các sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để các địa phương là xây dựng phương án, tổ chức cắm mốc và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Cũng theo ông Hưng, việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải có lộ trình. Trước mắt, cần ưu tiên cắm mốc các nguồn nước đang khai thác nước cấp sinh hoạt; chảy qua khu đô thị, công nghiệp, khu dân đông dân cư.

* Bảo vệ nguồn nước cho tương lai

Đồng Nai là một trong những địa phương công bố danh mục và hành lang bảo vệ nguồn nước sớm nhất cả nước. Đây là quy định của pháp luật nhằm quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước bền vững. Đồng thời tránh tình trạng xả chất bẩn, lấn chiếm xây dựng công trình hạ tầng ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống của thủy sản.

Theo bản đồ công bố, có nhiều công trình hạ tầng đang nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước. Chia sẻ về vấn đề này, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, các công trình xây dựng trước khi tỉnh công bố hành lang bảo vệ nguồn nước thì không vi phạm. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân sinh sống, sản xuất kinh doanh trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải tuân thủ các quy định như: không gây sạt lở, ảnh hưởng đến chức năng của hành lang, không tác động xấu đến cảnh quan và môi trường.

Tuyệt đối không cho phép hình thành công trình xây dựng mới, đặc biệt là nhà ở, sản xuất trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước. Trường hợp xây dựng các công trình công cộng như: bến cảng, đường giao thông, kho bãi, công trình phòng chống thiên tai… phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở TN-MT.

Ông Hứa Quốc Bách, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) chia sẻ, các địa phương cần lưu ý hành vi bị cấm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định. Đó là hành vi gây đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước. Nghiêm cấm xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô bệnh viện, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải...

Trên thực tế, thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước. Cụ thể, tỉnh không duyệt các dự án sản xuất kinh doanh gần nguồn nước, ban hành quyết định di dời các cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, yêu cầu các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch an toàn với môi trường và con người.

Tháng 12-2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 60 về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Theo quyết định này, có hơn 900 nguồn nước (896 nguồn nước là sông, suối, kênh, rạch và 33 hồ tự nhiên, hồ thủy lợi) cần có hàng lang bảo vệ.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202304/gap-rut-lam-hanh-lang-bao-ve-hon-900-nguon-nuoc-3164296/