Gặp tác giả của biểu tượng vui SEA Games 31

Sao la - một loài động vật cực kỳ quý hiếm đang trong trạng thái nguy cấp tuyệt chủng đã trở thành biểu tượng vui của SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam. Nhưng ít ai biết, tác phẩm biểu tượng vui SEA Games 31 của họa sĩ Ngô Xuân Khôi (Nhà xuất bản Phụ nữ) đã vượt qua hơn 500 tác phẩm khác để trở thành biểu tượng chính thức của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần này.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi (trái) và tác giả bài viết.

Tôi gặp họa sĩ Ngô Xuân Khôi khi anh được giao nhiệm vụ thiết kế không gian chung cho Hội Báo toàn quốc năm 2022 tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 4 này. Anh cho biết, bên cạnh công việc tại cơ quan chuyên làm bìa sách, hợp tác vẽ minh họa cho hàng chục tờ báo và tạp chí như Báo Văn nghệ, Thời nay (Báo Nhân Dân), Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ sông Lam, Văn hóa văn nghệ đất Tổ…, dịp này anh còn phải tập trung tâm lực cho phối cảnh tổng thể của Hội báo toàn quốc năm nay.

Bởi lẽ, ngoài các khu vực trưng bày chuyên đề của Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên Chi hội nhà báo Báo Nhân Dân, Cổng thông tin điện tử Chính phủ… và khối báo chí Trung ương, còn có khu trưng bày toàn cảnh báo chí 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với các ấn phẩm báo Tết Dương lịch, số Xuân Nhâm Dần 2022, số Tân Xuân.

Đặc biệt, tại Hội báo toàn quốc năm nay còn có các hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nghề nghiệp như lễ trưng bày chuyên đề "100 năm báo Le Paria" (Người cùng khổ) - tờ báo do Nguyễn Ái Quốc khởi xướng và làm chủ bút, là triển lãm ảnh "Những nẻo đường xuân"…

Sau 4 năm trong quân ngũ, hết tham gia phục vụ chiến đấu ở mặt trận biên giới phía bắc năm 1979, rồi chuyển quân vào làm kinh tế tại một đơn vị ở phía nam, Ngô Xuân Khôi được ra quân. Cha mẹ anh công tác trong ngành lâm nghiệp Nghệ An lúc bấy giờ, đã hướng chàng lính phục viên nối nghiệp gia đình, nhưng vốn yêu thích hội họa từ bậc tiểu học nên anh tìm cách thuyết phục các bậc sinh thành và "đầu đơn" thi vào Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Ra trường vào thời điểm cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Ngô Xuân Khôi bươn bả ngược xuôi tìm việc. Sau mấy năm công tác ở Nhà xuất bản Ngoại văn (sau này là Nhà xuất bản Thế giới), anh tiếp tục gắn bó với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho đến nay.

Đề cập câu chuyện về cuộc thi sáng tác biểu tượng vui (mascot) cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2021 (gọi tắt là SEA Games 31) được tổ chức tại nước ta, Ngô Xuân Khôi thổ lộ, ban đầu không có ý định tham gia vì hằng tuần bộn bề công việc ở cơ quan, rồi hợp đồng với các nhà xuất bản làm bìa sách, vẽ minh họa cho các báo nên không có thời gian. Nhưng được một số bạn bè động viên, khích lệ, anh dành thời gian nghiên cứu và tham gia cuộc thi.

Đây là cuộc thi mang tầm quốc gia hướng đến sự kiện thể thao quan trọng của đất nước nói riêng và của toàn khu vực ASEAN nói chung, nên biểu tượng vui phải là hình ảnh một hoặc nhiều con vật biểu hiện đặc trưng của Việt Nam. Đồng thời hình ảnh con vật đó được nhân cách hóa mang tính thẩm mỹ, vui nhộn và có thể nhồi bông để vừa sử dụng tuyên truyền, quảng bá cho SEA Games 31, vừa làm quà tặng trong quá trình diễn ra đại hội.

Sao la - linh vật vui của SEA Games 31.

Sau nhiều đêm trăn trở, cân nhắc, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã chọn con sao la - một loài động vật cực kỳ quý hiếm lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam cách đây gần 30 năm.

Anh kể, cách đây hơn 2 năm, trong một đêm khó ngủ, anh dậy tha thẩn và chợt nhớ thông tin mình đã đọc đâu đó trên một tờ báo giấy về con vật này. Mở máy vi tính tra Google thì đúng vào năm 1992, trong một chuyến khảo sát chung do Bộ Lâm nghiệp Việt Nam (khi đó) và Tổ chức quốc tế và bảo tồn thiên nhiên (WWF) thực hiện, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra cặp sừng dài thẳng và bộ xương sao la trong nhà một thợ săn, sát vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Việc phát hiện ra động vật quý hiếm này là sự kiện gây chấn động thế giới, bởi các nhà khoa học cho rằng, việc tìm thấy loài thú quý hiếm sao la vào cuối thế kỷ 20 là ngoài sức tưởng tượng của giới sinh học.

Sau đó, nhờ Bẫy ảnh năm 1996 chụp được hình ảnh sao la trong một khu rừng của Lào sát dãy Trường Sơn; năm 1998, chụp được sao la trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát (Nghệ An) và năm 2013, lại chụp được ảnh sao la trong một vùng rừng núi Quảng Nam.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi chia sẻ: "Tôi chọn hình ảnh sao la làm biểu tượng cho SEA Games 31 bởi xuất phát từ thực tế, loài động vật quý hiếm được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á" này còn rất ít cá thể ở Việt Nam và Lào, lại đang ở tình trạng nguy cấp bị tuyệt chủng trong tự nhiên, nên cần được quan tâm tuyên truyền và bảo tồn.

Vượt qua hơn 550 tác phẩm của hàng trăm tác giả, qua các vòng sơ khảo, chung khảo và chỉnh sửa nhiều lần, Hội đồng giám khảo đã chọn hình ảnh sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi làm biểu tượng vui cho SEA Games 31 tại Việt Nam.

Sau khi biểu tượng vui SEA Games 31 được công bố, cũng có ý kiến này ý kiến khác chung quanh hình ảnh con sao la. Chẳng hạn có người nói đây là loài động vật ít người biết nên phải giải thích nhiều; thậm chí trên mạng xã hội có những lời lẽ góp ý thiếu thiện chí, nhưng Hội đồng giám khảo, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao vẫn khẳng định sao la là hình ảnh đặc sắc của Việt Nam cần được tuyên truyền, quảng bá.

Những ngày này, không chỉ trong các chương trình thể thao trên VTV, biểu tượng sao la của SEA Games 31 xuất hiện thường xuyên, mà hình ảnh về loài thú quý hiếm "báu vật của Đông Nam Á" này với cơ thể khỏe khoắn, màu sắc bắt mắt, vui nhộn được in nhiều trong các băng-rôn trên đường phố Hà Nội hay tại các địa phương có tổ chức các môn thi đấu của SEA Games 31.

Sao la, biểu tượng vui của SEA Games 31 khiến người dân Việt không khỏi tự hào nhưng cũng nhắc nhở mỗi chúng ta có ý thức và hành động tích cực hơn trong việc bảo tồn một loài đặc hữu đang trong tình trạng nguy cấp bị tuyệt chủng.

Bài và ảnh: TRUNG CẦN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhip-song-the-thao/gap-tac-gia-cua-bieu-tuong-vui-sea-games-31-692828/