Gặp 'thần y' rởm, bệnh nhân phải cưa bỏ chân

Một cơ sở khám chữa bệnh trái phép ở xã Dun (Tun), huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai khiến một bệnh nhân viêm đa khớp đến đây chữa bệnh phải cưa chân.

Không có chuyên môn về Y khoa, chữa bệnh cho dân làng nhờ thông tin đọc được trên mạng Internet, một cơ sở khám chữa bệnh trái phép ở xã Dun (Tun), huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai khiến một bệnh nhân viêm đa khớp phải cưa chân.

Tuy nhiên cơ sở này chẳng những không bị xử lý theo quy định của pháp luật mà còn được tạo điều kiện để tự giải quyết hậu quả và tiếp tục hành nghề.

Anh Rơ Mah Binh (30 tuổi) ở làng Ring Răng, xã Dun, huyện Chư Sê, đến điều trị bệnh viêm đa khớp tại nhà bà Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1972) cùng làng. Chẳng phải bác sĩ hay y sĩ, nhưng mỗi lần đến điều trị, bệnh nhân đều được bà Linh tiêm thẳng một loại thuốc vào vị trí đau.

Hơn năm điều trị, Rơ Mah Binh được tiêm trên 10 lần. Đầu tháng 9 năm nay là lần tiêm cuối cùng vì chân của anh bị tai biến và hoại tử, sau khi được bà Ling tiêm liên tục 3 mũi vào 3 vị trí.

“Tôi thấy người ta đi tiêm thì mình cũng đi. Đến đó, mình hỏi bà ấy là đau khớp có tiêm được không, bà ấy trả lời là tiêm được nên mình cứ đau là qua đó tiêm. Thuốc chỉ có 1 ống thôi, mình cứ tin tưởng.

Tiêm mũi thứ 3 thì cái chân trắng bệch, buốt lạnh. 3 ngày sau thì đen thui chân. 5 ngày sau đến bệnh viện huyện thì họ nói là chân này không chữa được, chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mình về nhà, thế là 15 ngày sau thấy nó tan thịt, thế là phải đi cắt chân”, anh Rơ Mah Binh kể lại.

 Anh Rơ Mah Binh (thứ 2 bên trái qua) bị cắt cụt chân phải vì chữa bệnh ở nơi không được cấp phép.

Anh Rơ Mah Binh (thứ 2 bên trái qua) bị cắt cụt chân phải vì chữa bệnh ở nơi không được cấp phép.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1972) trú tại xã Biển Hồ, thành phố Pleiku không công tác trong ngành y tế nhưng ngay sau khi về làng Dun sinh sống hơn môt năm nay, bà nhận chữa bệnh cho nhiều người dân địa phương.

Bà Linh cho biết lên mạng tìm hiểu và quyết định tiêm thuốc Declophenat 75% để chữa bệnh viêm đa khớp cho anh Binh.

Việc xảy ra tắc mạch, hoại tử bàn chân phải của bệnh nhân với bà chỉ là kém may mắn. Do đó, sau khi hỗ trợ nạn nhân số tiền 5,5 triệu đồng, bà Linh yêu cầu nạn nhân không được khiếu kiện sự việc tới cơ quan bảo vệ pháp luật.

“Nhà tôi từng có phòng khám trên thành phố Pleiku, cũng phụ việc ở đó gần 30 năm nay. Nghề thì cũng dựa theo nghề thôi. Tôi bằng cấp không cao nhưng tiêm chích thì cũng không đến nỗi. Tôi cũng tra trên mạng, thấy thuốc đó là thuốc điều trị viêm đa khớp. Tôi nghĩ tiêm thuốc từ đó đến nay có sao đâu. Tôi tiêm như thế ít nhất hơn 10 lần rồi, chẳng có vấn đề gì hết. Chẳng may giúp người ta mà lại bị như thế”, bà Linh phân bua.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Thạch, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, thuốc bà Linh tiêm cho anh Binh là thuốc giảm đau và không có tác dụng điều trị bệnh. Dù thế, việc tiêm loại thuốc này phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của ngành y tế vì nó có khả năng xảy ra những tai biến khó lường.

“Điều trị bệnh nhân viêm khớp thì phải điều trị toàn diện và theo dõi định kỳ. Thuốc Declophenat 75% là một loại thuốc giảm đau. Thuốc này không đơn giản, có nhiều tác dụng phụ. Bản chất nó không phải thuốc điều trị căn nguyên.

Những người không được đào tạo bài bản, khi tiêm thuốc vào ổ khớp là vấn đề không đơn giản. Nó có thể dẫn tới tổn thương tại vùng tiêm, tổn thương ổ khớp, nhiễm trùng. Cho nên việc điều trị phải được thực hiện bởi một bác sĩ được đào tạo bài bản”, Bác sĩ Nguyễn Văn Thạch phân tích.

Bà Linh (bên trái) cho rằng việc xảy ra tai biến với bệnh nhân là một điều không may mắn của bản thân.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó giám đốc sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định rõ “nghiêm cấm hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi không có chứng chỉ hành nghề”. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Ngành Y tế chỉ quản lý dựa trên giấy phép. Việc để xảy ra tình trạng khám chữa bệnh không phép tại xã Dun thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Thực tế, trong hơn một năm bà Linh khám, chữa bệnh, bán thuốc tại làng Ring Răng, chưa lần nào UBND xã Dun kiểm tra, nhắc nhở. Thậm chí, khi xảy ra vụ tai biến khiến anh Binh phải cắt chân, ông Võ Văn Quá, Chủ tịch UBND xã Dun cũng giao việc này cho các bên tự giải quyết với nhau chứ không báo cáo UBND huyện Chư Sê. Còn bà Nguyễn Thị Thùy Linh vẫn tiếp tục hành nghề trái pháp luật.

“Cô này chắc chắn không có nghề nghiệp gì đâu. Nhưng chồng từng làm ở bệnh viện nên khi mở phòng mạch thì có phụ giúp. Chuyên môn, bằng cấp thì mình không có chức năng đó”, ông Quá cho hay.

Khi được phóng viên hỏi sau vụ việc này, chính quyền địa phương có nhắc nhở hay răn đe bà Linh không được hành nghề y ở địa phương không. Ông Quá thừa nhận: “Không, cái này chúng tôi giao cho thôn trưởng, công an viên và gia đình giải quyết. Nếu không giải quyết được thì mới đưa đơn lên công an xã giải quyết”.

Việc khám, chữa bệnh được pháp luật quy định rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sự tắc trách của chính quyền cơ sở tại xã Dun, huyện Chư Sê vô tình tạo điều kiện cho hoạt động hành nghề trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân địa phương.

Nguồn: VOV.VN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gap-than-y-rom-benh-nhan-phai-cua-bo-chan-d440942.html