Gặp Thủ tướng, Tổng thống Pháp mong thăm Việt Nam trong năm 2019

Gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn sẽ thăm Việt Nam trong năm 2019.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 - Ảnh: Reuters

Trong thời gian tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Québec, Canada, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với hầu hết lãnh đạo các nước G7, các nước và tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng định G7 mở rộng.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về bước phát triển toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, trong đó chuyến thăm Pháp tháng 3-2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp đi vào chiều sâu. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước tiếp tục có nhiều tiến triển tích cực. Hiện Pháp là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hiệu quả của các cơ chế hợp tác, thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chiến lược, an ninh - quốc phòng, phối hợp triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Macron nhất trí mở rộng tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời mời của lãnh đạo Việt Nam tới Tổng thống Pháp và mời Thủ tướng Pháp sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn sẽ thăm Việt Nam trong năm 2019 và sẽ chuyển lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Thủ tướng Pháp.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Ý). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2017 đạt 4,6 tỉ USD.

Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988. Năm 2017, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,8 tỉ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông (20% tổng vốn đầu tư), công nghiệp chế biến – chế tạo, sản xuất – phân phối điện khí nước điều hòa; phân bổ tại 36 địa phương, dẫn đầu là Bà Rịa – Vùng Tàu (7 dự án trị giá hơn 1 tỉ USD), TP HCM (188 dự án trị giá 994,6 triệu USD), Hà Nội (96 dự án trị giá 450,1 triệu USD).

Một số dự án lớn: Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông và FCR Vietnam (chi nhánh của France Telecom tại Việt Nam), cấp phép năm 1997, đầu tư 615 triệu USD vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông; dự án Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép, cấp phép năm 2008, do Terminal Link của Pháp đầu tư 520 triệu USD vào hoạt động dịch vụ khai thác cảng; dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 2, cấp phép năm 2001, do Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) liên kết với Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư là 480 triệu USD.

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,04 triệu USD.

Pháp là nhà tài trợ song phương ODA châu Âu hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan) với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỉ USD (tính từ năm 1993). Năm 2017, Việt Nam đã giải ngân 104 triệu USD. Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả 3 kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam và vay ưu đãi tổng số đạt 2,2 tỉ euro.

D.Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/gap-thu-tuong-tong-thong-phap-mong-tham-viet-nam-trong-nam-2019-20180610152302804.htm